Ngoại trưởng Trung Quốc cố lôi kéo châu Âu giữa căng thẳng với Mỹ

Thời sự quốc tếThứ Tư, 26/08/2020 10:55:00 +07:00
(VTC News) -

Ngoại trưởng Trung Quốc hôm 25/8 bắt đầu chuyến công du tới châu Âu nhằm củng cố mối quan hệ với lục địa già trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ.

Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Rome, trong buổi gặp Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio, ông Vương Nghị tránh nêu tên Washington một cách rõ ràng, nhưng than thở về "sự khiêu khích và thiệt hại từ các thế lực bên ngoài" đang tấn công EU. 

"Một châu Âu thống nhất, ổn định và thịnh vượng là điều quan trọng đối với toàn thế giới", ông Vương nói. 

"Trung Quốc không có ý định phát động bất kỳ cuộc Chiến tranh Lạnh mới nào. Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ sự thúc đẩy nào về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Điều này chỉ là để phục vụ cho lợi ích của 1 bên", ông Vương nhấn mạnh. 

Ngoại trưởng Trung Quốc cố lôi kéo châu Âu giữa căng thẳng với Mỹ  - 1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio. (Ảnh: EPA-EFE)

Theo SCMP, dù không chỉ mặt gọi tên Mỹ, nhưng thông điệp của Ngoại trưởng Trung Quốc rất rõ ràng: Đừng để bị lôi kéo vào Chiến tranh Lạnh mới mà Washington đang cố gắng thúc đẩy. 

"Chúng tôi tin rằng sẽ không có quốc gia nào tham gia vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Và chúng tôi cũng tin rằng họ sẽ chống lại tập thể muốn kéo thế giới trở lại luật rừng", ông Vương phát biểu.

Hiện Italy là nước G-7 đầu tiên tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc. Bước đi này khiến Washington tức giận, cảnh báo Bắc Kinh lợi dụng cơ hội này được tiếp cận với các công nghệ nhạy cảm và chiếm lĩnh được các nút giao thông then chốt. 

Trong khi đó, các nước châu Âu lo ngại sáng kiến “Vành đai và Con đường” sẽ gây bất ổn cho các nước nhỏ bằng các khoản nợ chồng chất và tạo điều kiện để các công nghệ quan trọng cũng như bí mật thương mại lọt vào tay Bắc Kinh. 

Hôm 25/8, ông Vương tiếp tục ký 2 thỏa thuận thương mại mới với người đồng cấp Italy.

Giới chức Italy đang hy vọng có thêm cơ hội xuất khẩu cho các ngành công nghiệp của nước này, từ nông sản đến máy móc để giúp Rome thoái khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tàn khốc do ảnh hưởng của hơn 2 tháng phong tỏa vì dịch. 

Theo ông Di Maio, các thỏa thuận ký kết mới nhất với Trung Quốc liên quan tới khí đốt, xuất khẩu cũng như "quan hệ đối tác quan trọng trong lĩnh vực năng lượng và vận tải".

Khi ông Vương đang tìm cách tăng cường quan hệ với châu Âu, Trung Quốc vẫn đang tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. Bầu không khí "xuyên Thái Bình Dương" trở nên tệ hơn nhiều kể từ khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào đầu năm. 

Căng thẳng giữa 2 bên thời gian qua gia tăng liên quan tới một loạt vấn đề từ COVID-19, Hong Kong, Đài Loan và cuộc đàn áp nhắm vào các công ty Trung Quốc. 

Chuyến thăm tới châu Âu của ông Vương Nghị là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Ngoại trưởng Trung Quốc kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Các điểm dừng chân tiếp theo của ông Vương sẽ là Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức. 

Ngoại trưởng Trung Quốc cố lôi kéo châu Âu giữa căng thẳng với Mỹ  - 2

Chuyến thăm của ông Vương diễn ra trong bối cảnh châu Âu ngày càng cảnh giác với Trung Quốc về đại dịch COVID-19 và vấn đề Hong Kong. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Điểm đặc biệt là các chặng dừng chân của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc khác biệt với các nước mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới thăm trong chuyến công du tới châu Âu vào tháng 8. Ông Pompeo khi đó thăm Áo, Anh, CH Séc, Đan Mạch, Ba Lan và Slovenia trong nỗ lực thuyết phục các quốc gia này theo đuổi đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc. 

Trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien - người không giấu diếm ý định xây dựng một liên minh xuyên Đại Tây Dương chống lại Trung Quốc, cũng đã có chuyến thăm tới lục địa già.

Bà Lucrezia Poggetti, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở tại Berlin (MERICS) nhận định, mục tiêu chuyến thăm này của ông Vương là để ngăn chặn việc hình thành một mặt trận thống nhất xuyên Đại Tây Dương chống lại Trung Quốc, đặc biệt là với mạng 5G. 

Mỹ thời gian qua tìm cách kêu gọi các nước tẩy chay Huawei ra khỏi mạng 5G của các nước này. 

Trong khi Italy đang xem xét tới khả năng này, các chính trị gia ở Đức muốn đặt ra những tiêu chí ngặt nghèo với các hãng công nghệ muốn tham gia phát triển mạng công nghệ 5G ở Đức.

Trong cuộc gặp mới đây, cả ông Vương và ông Di Maio đều không đề cập đến 5G cũng như các động thái của Italy liên quan tới Huawei. 

“Ông Vương sẽ lo lắng khi đánh giá liệu Bắc Kinh còn có thể tin tưởng vào Rome hay không. Đặc biệt là khi căng thẳng Mỹ-Trung leo thang và EU đang nỗ lực theo đuổi một chính sách mạnh mẽ hơn với Trung Quốc", bà Poggetti cho hay, đồng thời dự đoán Ngoại trưởng Trung Quốc có thể sẽ thất vọng.

Song Hy(Nguồn: AFP, SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn