'Ngoại giao trực tiếp' châu Á làm dịu cẳng thẳng khu vực

Tư liệuThứ Năm, 24/11/2022 11:27:37 +07:00
(VTC News) -

Thông qua ba Hội nghị ASEAN, G20 và APEC cùng các nỗ lực ngoại giao mềm mỏng và khéo léo, các nhà lãnh đạo châu Á làm dịu bớt nhiều căng thẳng trong quan hệ quốc tế.

Trong tháng 11/2022, Đông Nam Á đã tổ chức 3 Hội nghị thượng đỉnh lớn: ASEAN, G20 và APEC. Nhiều nhà lãnh đạo từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác đã tham dự ba hội nghị này, nhằm xây dựng ảnh hưởng và tìm kiếm quan hệ đối tác.

Dẫn đầu là Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Phnom Penh từ 8/11 tới 13/11, tiếp theo là Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali và cuối cùng là Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC ở Bangkok, kết thúc vào thứ Bảy (19/11) vừa qua.

Mục tiêu chính của các hội nghị là thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu sắc hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài, lạm phát lan rộng và nguy cơ suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, sự kiện một phần cũng bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng địa chính trị nghiêm trọng, từ xung đột Nga - Ukraine đến cạnh tranh Mỹ - Trung đến việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

'Ngoại giao trực tiếp' châu Á làm dịu cẳng thẳng khu vực - 1

Hội nghị ASEAN 2022 tại Campuchia. (Ảnh: Reuters)

Giảm bớt phần nào căng thẳng

Với nhiều diễn biến phức tạp như trên, có nhiều người e ngại các hội nghị không đi đến được tuyên bố chung như thường lệ. Mỹ và Trung Quốc không có tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, từ công nghệ đến Đài Loan và những bất đồng về Ukraine. Những bất đồng này luôn là điểm nhấn chính tại các cuộc họp quốc tế trong suốt cả năm 2022. 

Tuy nhiên, các nước tham dự đã thành công đặt qua một bên sự khác biệt và đưa ra tuyên bố chung, cùng nhau thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế. 

Đoàn công du cấp cao, gồm cả lãnh đạo nhiều cường quốc mang ý nghĩa quan trọng không chỉ vì đây là lần đầu tiên có nhiều nhà lãnh đạo gặp mặt kể từ dịch COVID-19, mà còn vì chuỗi hội nghị diễn ra trong thời kỳ diễn biến địa - chính trị rất phức tạp. Một điều đáng chú ý là các nước chủ nhà của các cuộc họp này (Campuchia, Indonesia, Thái Lan) đều là những nước trung lập trong các vấn đề liên quan.

Mireya Solis, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Đông Á tại Viện Brookings, cho rằng ba cuộc gặp mặt đã mang đến một cái nhìn lạc quan hơn về mối quan hệ giữa Mỹ - Trung, mặc dù vẫn còn đó những bất hòa trong chính trị và kinh tế nhưng các nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại các kênh liên lạc. Việc này nhờ đến không ít sự cố gắng từ các nhà ngoại giao Indonesia.

Cả hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc đã tỏ ra muốn điều chỉnh lại mối quan hệ song phương vốn trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây. Các hội nghị là cơ hội thích hợp để Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp mặt một cách bình đẳng và đi đến thỏa thuận nối lại đàm phán trên nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề về Triều Tiên và biến đổi khí hậu. Việc này đã đánh tan những lo sợ về xung đột gia tăng giữa hai siêu cường.

Tất nhiên, những vết rạn nứt trong mối quan hệ song phương này vẫn chưa thể nhanh chóng biến mất vì hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có quan điểm rất khác nhau về các vấn đề trên.

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC cũng kêu gọi các nền kinh tế thành viên hướng tới "xây dựng khu vực chất lượng cao và toàn diện”, nhấn mạnh đến các vấn đề thương mại như tiêu chuẩn lao động, quyền sở hữu trí tuệ, các quy định đối với doanh nghiệp nhà nước và nền kinh tế kỹ thuật số.

Australia, Pháp và Hà Lan đều hạ luận điệu rằng Trung Quốc là mối đe dọa an ninh và tỏ ra hài lòng khi khôi phục, bình thường hoá quan hệ kinh tế và thương mại.

'Ngoại giao trực tiếp' châu Á làm dịu cẳng thẳng khu vực - 2

Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp mặt bên lề Hội nghị G-20. (Ảnh: Reuters)

Ấn Độ và Indonesia giúp thu hẹp khoảng cách

Các tuyên bố chung thành công một phần là kết quả của những nỗ lực của Indonesia và Ấn Độ, hai nước chủ trì G20 trong năm nay và năm tới. 

G-20 và APEC đã thông qua các tuyên bố kêu gọi giảm bớt căng thẳng giữa Nga và Ukraine, mặc dù có phần gián tiếp. Tuy có những ý kiến khác nhau, nhưng nhìn chung hầu hết các thành viên đều muốn thấy xung đột này được chấm dứt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không xuất hiện tại bất kỳ Hội nghị thượng đỉnh nào. Thay vào đó, ông cử Ngoại trưởng Sergei Lavrov, người đã quay về nước trước khi các hội nghị kết thúc.

Tại Bali, các quan chức Indonesia đã cố gắng để làm nguội bớt nhiều ý định lên án dữ dội nhằm vào Nga. Indonesia đã sử dụng khéo léo các ngôn ngữ không mang tính đối đầu, giúp duy trì mối quan hệ hoà bình và thân ái. Bản thân việc này đã giúp tạo tiền đề cho các cuộc thảo luận mang tính xây dựng hơn về xung đột Nga - Ukraine.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi các thành viên G-20 tìm tiếng nói chung, cảnh báo rằng nhóm này có thể rơi vào tình trạng rối loạn chức năng, tương tự như Liên Hợp Quốc.

Thư ký báo chí của Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Ấn Độ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đàm phán tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh G-20. 

Khủng hoảng chính trị tại Myanmar vẫn kéo dài

Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài ở Myanmar là một ưu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN nhưng không nhận được sự chú ý nhiều bằng vấn đề tại Ukraine. 

Myanmar tuy là một thành viên ASEAN nhưng đã bị cấm cử đại diện tới các sự kiện của khối do nước này không thực hiện kế hoạch đồng thuận 5 điểm, được nhất trí sau khi các lực lượng vũ trang lên nắm quyền tại Myanmar.

Các thành viên ASEAN đã đồng ý tại Hội nghị thượng đỉnh rằng Myanmar cần phải đi theo một "thời hạn cụ thể" và phải đạt được tiến bộ trong kế hoạch đồng thuận hòa bình 5 điểm.

Tiếp sau đó, hôm thứ Năm (17/11), chính quyền Myanmar tuyên bố trả tự do cho một cựu quan chức ngoại giao Anh, một nhà báo Nhật Bản và một nhà kinh tế Australia cùng khoảng 6.000 tù nhân chính trị.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết việc ân xá này là "một điểm sáng trong một khoảng thời gian vô cùng đen tối".

Thitinan Pongsudhirak, giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Chulalongkorn của Thái Lan, cho rằng việc các Hội nghị thượng đỉnh không tập trung vào vấn đề của Myanmar vì căng thẳng Nga - Ukraine có tác động đến toàn cầu trong vấn đề năng lượng và lương thực.

'Ngoại giao trực tiếp' châu Á làm dịu cẳng thẳng khu vực - 3

Hội nghị G-20 tại Bali, Indonesia. (Ảnh: OMFIF)

Ba hội nghị đã mang “ngoại giao trực tiếp” trở lại

Hội nghị thượng đỉnh không chỉ là bàn đàm phán để các nước tham dự đưa ra tuyên bố chung. Một trong những chức năng chính của các hội nghị là tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo và các nhà ngoại giao phát triển mối quan hệ với những người đồng cấp từ các quốc gia khác thông qua các cuộc gặp song phương bên lề.

Trong số những điểm nổi bật nhất của mùa hội nghị thượng đỉnh này là cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề G-20, cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của họ kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức.

Nhật Bản và Trung Quốc cũng đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau ba năm hôm thứ Năm (17/11), trước thềm cuộc họp APEC. Một quan chức Nhật Bản cho biết sau khi tiến hành một cuộc gặp mặt trực tiếp với Trung Quốc, Nhật Bản cảm thấy có nhiều hy vọng hơn về việc thúc đẩy chương trình nghị sự song phương.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo châu Á tổ chức một chuỗi Hội nghị thượng đỉnh đã làm rất tốt việc hàn gắn mối quan hệ quốc tế vốn đã rất căng thẳng bởi các sự kiện gần đây. Họ đã khôi phục lại quan điểm tôn trọng sự khác biệt, điều có thể giúp giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất của thế giới.

Để phát huy điều này, nhiều ý kiến cho rằng châu Á cần có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.

Hoàng Linh(Nguồn: Nikkei Asia)
Bình luận
vtcnews.vn