Ngoại giao TQ thế nào trong 5 năm qua, 5 năm tới?

Thế giớiThứ Ba, 14/12/2010 10:40:00 +07:00

(VTC News) - “5 năm thực hiện “Quy hoạch 5 năm lần thứ 11” là 5 năm rất quan trọng trong tiến trình phát triển hòa bình của Trung Quốc.

(VTC News) - Ngày 13/12, phóng viên báo mạng Quang Minh đã có bài phỏng vấn Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì về thành tựu ngoại giao 5 năm qua cũng như xu hướng chính sách ngoại giao 5 năm tới của Trung Quốc.

Bài báo cho hay, “5 năm thực hiện “Quy hoạch 5 năm lần thứ 11” là 5 năm rất quan trọng trong tiến trình phát triển hòa bình của Trung Quốc, cũng là 5 năm công tác ngoại giao nước này vượt khó vươn lên, đổi mới, có nhiều thành tựu”.

Trong giai đoạn “Quy hoạch 5 năm lần thứ 12”, tình hình quốc tế dự kiến sẽ duy trì hòa bình, ổn định, môi trường quốc tế có lợi về tổng thể là không thay đổi, vẫn là giai đoạn có cơ hội chiến lược quan trọng để đạt được nhiều thành tựu.

Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Obama. 

Thành tựu với 5 “sự kiện lớn”

Khi được hỏi về đặc điểm, thành tựu và kinh nghiệm ngoại giao của Trung Quốc trong giai đoạn thực hiện “Quy hoạch 5 năm lần thứ 11”, ông Dương Khiết Trì cho biết:

5 năm qua là 5 năm rất quan trọng trong tiến trình phát triển hòa bình của Trung Quốc, cũng là 5 năm ngoại giao Trung Quốc vượt khó vươn lên, đổi mới, có nhiều thành tựu. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quốc vụ viện, công tác ngoại giao đã làm tốt mọi công việc cả tích cực, khó khăn và nặng nề, thúc đẩy ngoại giao toàn diện đạt được những tiến bộ mới.

Dương Khiết Trì đã nhấn mạnh đến 5 sự kiện lớn tác động sâu rộng gồm: Tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi; Thế vận hội Olympic Bắc Kinh; Hội chợ Thế giới Thượng Hải; ứng phó có hiệu quả với khủng hoảng tài chính quốc tế; và tham gia mang tính xây dựng vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

5 sự kiện lớn này đã cho thấy: Trung Quốc có nền tảng phát triển kinh tế - xã hội tốt, có ưu thế về huy động sức mạnh toàn xã hội, tinh thần tích cực gánh vác nhiều trách nhiệm quốc tế hơn; Trung Quốc đem lại niềm tin và hy vọng cho khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tạo ra nhiều sản phẩm hơn cho thế giới; Trung Quốc phấn đấu cho vai trò bình đẳng của các nước đang phát triển trong các vấn đề quốc tế, và xây dựng trật tự quốc tế công bằng, hợp lý hơn.

5 sự kiện lớn này làm cho Trung Quốc có vị trí nổi bật trên trường quốc tế, cho thấy Trung Quốc là lực lượng quan trọng bảo vệ hòa bình thế giới, thúc đẩy cùng phát triển.

7 “phương diện” công tác chủ yếu

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết, Trung Quốc đã thực hiện các công việc chủ yếu trên 7 phương diện:

Một là, ngoại giao nguyên thủ là “thống lĩnh”, phát huy vai trò nước lớn có trách nhiệm. Lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần tham dự các hoạt động đa phương và song phương quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh G20, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hệ thống quốc tế và hợp tác hữu nghị song phương.

Hai là, lấy ngoại giao toàn diện làm chủ đạo, thúc đẩy toàn diện hợp tác với các nước lớn, các nước láng giềng, các nước đang phát triển và các tổ chức quốc tế, tích cực mở rộng công tác ngoại giao trên các lĩnh vực, tiếp tục cải thiện công tác điều hành ngoại giao.

Ba là, lấy ngoại giao kinh tế làm điểm thúc đẩy, lấy chính trị thúc đẩy kinh tế, phối hợp thúc đẩy thực hiện chiến lược “dẫn vào”, “đi ra”, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như nguồn năng lượng.

Bốn là, lấy ngoại giao an ninh làm bệ đỡ, ứng phó ổn thỏa với các sự kiện khẩn cấp quan trọng, kiên quyết tấn công và ngăn chặn các hoạt động ly khai "Đài Loan độc lập", "Tây Tạng độc lập", "Đông Turkistan" v.v…, bảo vệ có hiệu quả đại cục ổn định quốc gia và lợi ích an ninh chủ quyền.

Năm là, lấy “ngoại giao vì dân” làm tôn chỉ, giải quyết thỏa đáng các sự kiện lớn như sơ tán Hoa kiều, giải cứu con tin, tranh chấp lao động; hoàn thiện cơ chế bảo vệ lãnh sự, bảo vệ có hiệu quả quyền lợi hợp pháp ở nước ngoài.

Sáu là, lấy ngoại giao nhân dân và nhân văn làm “sân chơi”, coi Thế vận hội Bắc Kinh và Hội chợ Thế giới Thượng Hải 2010 là một cơ hội quan trọng, tích cực thúc đẩy xây dựng quyền lực mềm.

Bảy là, lấy sáng tạo lý luận làm động lực, không ngừng làm giàu và phát triển hệ thống lý luận ngoại giao đặc sắc Trung Quốc, nâng cao mạnh mẽ năng lực và trình độ ngoại giao khoa học.

6 “kiên trì” trong công tác ngoại giao

Kỳ quan Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc (ảnh minh họa). 

Dương Khiết Trì cho biết, trong 5 năm qua, công tác ngoại giao của TQ được thúc đẩy không ngừng trong tình hình phức tạp. Ông nhấn mạnh đến 6 điều “kiên trì”, đó là:

Kiên trì sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng đối với công tác ngoại giao.

Kiên trì làm giàu và phát triển không ngừng hệ thống lý luận ngoại giao đặc sắc Trung Quốc.

Kiên trì triển khai công tác ngoại giao bám sát nhiệm vụ trung tâm của Đảng và Nhà nước.

Kiên trì đặt lên hàng đầu việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của đất nước.

Kiên trì bổ sung và hoàn thiện công tác điều hành ngoại giao toàn diện.

Kiên trì tôn chỉ và nguyên tắc lấy con người làm gốc, ngoại giao vì dân.

3 “điểm mấu chốt” thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ

Khi được hỏi về tình hình và xu thế phát triển quan hệ Trung - Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì cho rằng:

Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực chung của Trung - Mỹ, quan hệ hai nước về tổng thể duy trì sự ổn định và phát triển, đã xác lập được định hướng xây dựng quan hệ Trung - Mỹ hợp tác tích cực, toàn diện trong thế kỷ 21, đồng thời đạt được nhận thức chung quan trọng về việc xây dựng quan hệ đối tác ứng phó với các thách thức chung.

Hai bên duy trì sự trao đổi và phối hợp có hiệu quả trong việc thúc đẩy vững chắc hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, trong các vấn đề mang tính toàn cầu và các vấn đề điểm nóng khu vực. Nhưng quan hệ hai nước vẫn hoàn toàn chưa thuận lợi. “Chúng tôi thúc giục Mỹ thực hiện 3 văn kiện chung, nguyên tắc và tinh thần của Tuyên bố chung Trung - Mỹ, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Ông Dương Khiết Trì cho rằng, Trung - Mỹcó quan điểm khác biệt trong một số vấn đề, cần thông qua đối thoại thẳng thắn để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, xử lý thỏa đáng. Quan hệ Trung - Mỹphải là hợp tác cùng thắng, chứ không phải đối đầu. Toàn cầu hóa làm cho lợi ích của Trung - Mỹcàng gắn kết rộng rãi với nhau, hai bên cần xây dựng quan hệ đối tác hợp tác cùng có lợi, cùng thắng trên các lĩnh vực.

Dương Khiết Trì cho rằng, trong tình hình mới, có 3 điểm mấu chốt thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ, đó là:

Một là, phải hiểu biết lẫn nhau, tăng cường lòng tin. Trung Quốc phải hiểu Mỹ, Mỹ cũng phải hiểu Trung Quốc. Trung Quốc luôn kiên trì con đường phát triển hòa bình, luôn kiên trì thực hiện chiến lược mở cửa cùng có lợi, cùng thắng. Phải tăng cường lòng tin, tức là phải học cách tôn trọng sự quan tâm cốt lõi của đối phương, xóa bỏ phương thức tư duy lỗi thời.

Hai là, cần tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng. Cần tôn trọng thực tế khách quan của Trung Quốc và Mỹ như về chế độ xã hội, truyền thống văn hóa, sự khác nhau về trình độ phát triển… Không nên tìm cách thay đổi đối phương, càng không nên áp đặt mô hình của mình cho đối phương, mà cần thông qua đối thoại bình đẳng, xử lý thỏa đáng các xung đột, chia rẽ.

Ba là, cần mở rộng hợp tác, cùng có lợi và cùng thắng. Thông qua tăng cường lợi ích chung, làm cho nhân dân hai nước đạt được nhiều lợi ích hơn khi mở rộng giao lưu, làm cho kinh tế hai nước phát triển tốt hơn thông qua cùng hợp tác. Áp dụng chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại, chiến tranh tiền tệ… chỉ làm cho lợi ích hai bên bị thiệt hại, đem lại nhiều khó khăn cho quan hệ song phương.

“Thân thiện với láng giềng, coi láng giềng là bạn”

Khi được hỏi về quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng:

Châu Á đang ở một giai đoạn lịch sử quan trọng của sự phát triển và biến đổi mang tính lịch sử. Các nước châu Á đã ngăn chặn thành công cuộc khủng hoảng tài chính, thực hiện kinh tế tăng trưởng khá nhanh, hợp tác khu vực phát triển mạnh mẽ, giao lưu văn hóa tiếp tục mở rộng, địa vị quốc tế được nâng lên rõ rệt, triển vọng phát triển vô cùng rộng lớn.

Đồng thời, do nguyên nhân lịch sử và thực tiễn, châu Á còn có một số vấn đề và thách thức, luôn ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực, thực hiện một nền hòa bình lâu dài và cùng phồn vinh vẫn còn là một chặng đường dài.

Trung Quốc luôn kiên trì phương châm ngoại giao với các nước láng giềng "thân thiện với láng giềng, coi láng giềng là bạn", hợp tác hữu nghị, phát triển toàn diện với các nước láng giềng.

Về chính trị, Trung Quốc và các nước châu Á có trao đổi cấp cao mật thiết, lòng tin không ngừng tăng lên. Năm nay, Trung Quốc và hầu hết các nước châu Á đều đã có các chuyến thăm viếng cấp cao lẫn nhau.

Về kinh tế, Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy cùng có lợi, cùng thắng, tăng cường sự dung hòa về lợi ích. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước láng giềng bình quân tăng hàng năm hơn 20%, liên tục nhiều năm trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất châu Á và đối tác thương mại lớn thứ nhất của các nước như Nhật, Hàn, Ấn Độ. Châu Á đã trở thành khu vực đầu tư tập trung nhất của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Về an ninh, Trung Quốc chủ trương xây dựng quan điểm an ninh mới là tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng, hợp tác; thúc đẩy đàm phán giải quyết các vấn đề nóng của khu vực, trong đó có vấn đề hạt nhân Triều Tiên, việc hợp tác trên các lĩnh vực chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt cũng không ngừng được tăng cường.

Về giao lưu nhân văn, Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giáo dục và văn hóa, số lượng lưu học sinh các nước châu Á tại Trung Quốc đã có trên 100.000 người, Trung Quốc đã xây dựng hơn 100 học đường và Viện Khổng Tử tại khu vực châu Á.

Về hợp tác khu vực, Trung Quốc tích cực tham gia các cơ chế hợp tác như 10 +1,10 +3, Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, APEC, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và phát huy vai trò quan trọng trong việc phát triển, hoàn thiện các cơ chế này.

Trung Quốc cũng hoan nghênh các nước có liên quan phát huy vai trò mang tính xây dựng trong hợp tác khu vực, thúc đẩy hình thành cục diện hợp tác khu vực cởi mở và khoan dung, hợp tác cùng thắng.

Ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ tiếp tục cùng các nước để tạo dựng một châu Á hòa bình, ổn định, bình đẳng, tin cậy, hợp tác, cùng thắng.

“Cơn sốt Trung Quốc” nhờ ngoại giao nhân dân

Khi được hỏi về vai trò và nội dung của ngoại giao nhân dân, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng:

Ngoại giao nhân dân khác với ngoại giao truyền thống, nó là một hình thức ngoại giao đặc biệt, được lãnh đạo bởi Chính phủ, được cộng đồng xã hội phổ biến tham gia, dựa vào các biện pháp truyền bá và giao lưu để giới thiệu với người dân các nước về đất nước, quan điểm chính sách của Trung Quốc, giới thiệu với người dân trong nước về phương châm, chính sách ngoại giao của nước mình, nhằm làm cho người dân trong và ngoài nước hiểu được, thừa nhận và ủng hộ.

Trung Quốc tăng cường ngoại giao nhân dân, làm cho cộng đồng quốc tế có quan điểm đúng đắn về Trung Quốc, thúc đẩy người dân trong nước hiểu và ủng hộ tích cực hơn cho công tác ngoại giao. Đây là điều vô cùng quan trọng.

Trong những năm qua, Trung Quốc không ngừng tăng cường đầu tư cho ngoại giao nhân dân.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (ảnh minh họa). 

Thiết lập và

hoàn thiện các cơ chế thể chế ngoại giao nhân dân. Chẳng hạn, Bộ Ngoại giao và các lãnh sự quán của Trung Quốc ở nước ngoài đã tiến hành tập trung các hoạt động quảng bá phong phú, đặc sắc cho các sự kiện lớn như Olympic Bắc Kinh, Hội chợ Thế giới Thượng Hải và Asian Games Thượng Hải, tạo ra "cơn sốt Trung Quốc" trên thế giới.

Ngoại giao Trung Quốc 5 năm tới

Khi được hỏi về các vấn đề trọng tâm, trọng điểm của công tác ngoại giao Trung Quốc trong giai đoạn “Quy hoạch 5 năm lần thứ 12”, Bộ trưởng Dương Khiết Trì nói:

Giai đoạn này, tình hình quốc tế dự kiến sẽ duy trì hòa bình và ổn định về tổng thể, Trung Quốc cơ bản vẫn có môi trường quốc tế có lợi, vẫn đang ở vào thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng có thể đạt được nhiều thành tựu.

Công tác ngoại  giao đứng trước cơ hội lịch sử hiếm có, đồng thời cũng đối mặt với khó khăn và thách thức khó lường, nhiệm vụ vinh quang, trách nhiệm nặng nề.

Ngoại giao Trung Quốc cần phải thực sự quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương 5 khóa XVII, tiếp tục nắm chắc và tận dụng tốt thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, kiên trì đường lối ngoại giao phục vụ cho sự phát triển đất nước, kiên định bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia, tạo ra môi trường quốc tế có lợi hơn.

Tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước lớn, xây dựng khung quan hệ ổn định chung, cân bằng tương đối, hợp tác cùng thắng giữa các nước lớn. Không ngừng tăng cường tình hữu nghị với các nước láng giềng, củng cố môi trường xung quanh có lợi, đó là môi trường hòa bình, ổn định, cùng phát triển.

Tăng cường tình hữu nghị truyền thống với các nước đang phát triển, củng cố vị trí nền tảng của họ trong toàn cục ngoại giao Trung Quốc. Tham gia tích cực hợp tác đa phương, phát huy vai trò quan trọng mang tính xây dựng trong cải cách hệ thống quốc tế.

Thúc đẩy vững chắc ngoại giao kinh tế, phục vụ cho việc đẩy nhanh chuyển đổi phát triển kinh tế.Đẩy mạnh thực hiện ngoại giao an ninh, bảo vệ tốt lợi ích an ninh chủ quyền của Trung Quốc.

Tích cực triển khai ngoại giao nhân dân, ngoại giao nhân văn, thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng hệ thống lý luận ngoại giao đặc sắc Trung Quốc. Dương Khiết Trì bày tỏ tin tưởng, công tác ngoại giao của Trung Quốc sẽ đóng góp nhiều hơn cho xây dựng toàn diện xã hội khá giả.

Như vậy, những vấn đề then chốt của chính sách ngoại giao Trung Quốc như thế nào sẽ được thể hiện phong phú chính sách chiến lược cho  5 năm tới.


Khánh Hưng(Theo Quang Minh nhật báo)

Bình luận
vtcnews.vn