Ngỡ ngàng trình độ ứng xử thí sinh hoa hậu

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 24/07/2012 07:37:00 +07:00

Có ý kiến cho rằng, trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, đại diện Việt Nam thường ra về trắng tay do thiếu sự nổi bật cả sắc vóc lẫn trí tuệ.

Có ý kiến cho rằng, trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, đại diện Việt Nam thường ra về trắng tay do thiếu sự nổi bật cả sắc vóc lẫn trí tuệ.



Trong khi dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều về quyết định bỏ giải “Ứng xử hay nhất” trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 thì những câu chuyện dở khóc dở cười về khả năng đối đáp, thể hiện khả năng đối đáp… của thí sinh các năm trước lại một lần nữa được khơi lại bàn luận.

Khi người đẹp ứng xử ngớ ngẩn

Phần thi ứng xử bao giờ cũng được công chúng chờ đón nhất trong mỗi cuộc thi hoa hậu, nhan sắc. Bởi nó thể hiện trình độ, khả năng hiểu biết, giao tiếp và xử lý tình huống của mỗi người đẹp. Thế nhưng, không phải người đẹp nào cũng giỏi ứng xử và ngược lại không phải người đẹp nào “khéo ăn khéo nói” cũng sở hữu ngoại hình “sắc nước hương trời”.

Nhiều câu trả lời ứng xử của thí sinh hoa hậu dở khóc dở cười. Ảnh minh họa 


Nói đến chuyện này, hẳn nhiều người chưa quên đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 với phần thi của thí sinh đến từ Bến Tre Lâm Thị Thúy.

Câu hỏi mà giám khảo dành cho cô: "Thế nào là một người sống có ích?" và Lâm Thị Thúy không ngần ngại nêu lên những giá trị của sống có ích là: “Phải biết sống vì người khác. Người khác hạnh phúc thì cũng là hạnh phúc của mình… Khi mình sống cho người khác thì người khác cũng sẽ phải sống lại cho mình, khi mình cho đi thì phải nhận lại được một ít".

Câu trả lời vừa lủng củng vừa buồn cười, thể hiện quan điểm “cho đi phải được nhận lại” của người đẹp này khiến khán giả chỉ còn biết bật lên những tràng cười ngao ngán.

Chưa dừng lại ở đó, trước khi bước vào trong cánh gà, thí sinh này vẫn tự tin nói tiếp: "Có thể các khán giả thấy mắc cười nhưng em nghĩ, khi mình cho đi mà không nhận lại được một ít thì mình sẽ cảm thấy buồn và day dứt lắm đó".
 
Sau màn múa môi “thật thà” của Lâm Thị Thúy, người đẹp Trần Thị Bích Phượng đến từ tỉnh Tiền Giang cũng khiến cả hội trường sốt ruột khi đứng trên sân khấu loay hoay mãi mà vẫn không tìm được câu trả lời ưng ý cho câu hỏi "Nấu ăn ngon là cách giữ hạnh phúc gia đình?".

Đến khi được người dẫn chương trình tế nhị "cứu cánh" bằng câu hỏi nhắc khéo: "Bạn có biết nấu ăn hay không?" thì thí sinh này đáp ngắn gọn "Em không nấu ăn giỏi, chỉ biết nấu vài món thôi", rồi đứng im và mỉm cười lãng xẹt.

Đêm chung kết hôm đó với những câu trả lời nhạt nhẽo, không đúng hướng hoặc quá ngô nghê của các thí sinh dự thi hoa hậu đã biến sân khấu như một buổi hài kịch. Còn khán giả chỉ ngồi cười bất đắc dĩ vì khả năng của các người đẹp.

Đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2010 còn chứng kiến thêm nhiều hài kịch của các thí sinh khi lọt vào top 5 người đẹp ứng xử. 

Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan sau khi nghe xong câu hỏi từ Ban giám khảo đã phải dừng lại để… thở, lấy hơi và cười thật tươi mấy lần trước khi thực sự bắt đầu câu trả lời. Tuy nhiên, cô lại bị tật phát âm ngọng, chữ “n” thành “l” (niềm tự hào thành “liềm tự hào”) nên đã làm mất điểm trước Ban giám khảo.

Khi nghe cô ứng xử, những tiếng “ồ” từ dưới hàng ghế khán giả càng kiến cho người đẹp mất tự tin hơn. Được giám khảo khéo léo gợi ý, nhưng người đẹp Nguyễn Thị Loan vẫn ngô nghê: “Kiến thức của em còn hạn hẹp, xin ban giám khảo cuộc thi cho em xin phép trả lời ở cuộc thi sau”.

Và đúng là cô đã phải chờ tới cuộc thi sau khi mà những câu hỏi gỡ bí vẫn tiếp tục lúng túng, không có được đáp án thuyết phục.

Thực tế trong lịch sử các cuộc thi Hoa hậu, có nhiều người đẹp không thể làm hài lòng công chúng bằng những câu trả lời đúng ý, gãy gọn. Không phải bởi câu hỏi của giám khảo đưa ra quá khó hay “đánh đố” thì sinh mà chủ yếu là những câu hỏi đòi hỏi sự thông minh, nhạy bén, mong tìm ra được sự tiềm ẩn của trí tuệ, bản lĩnh và khả năng ứng biến của người đẹp.

Có thể vì hồi hộp mà các thí sinh mất bình tĩnh hay sự thiếu hụt trầm trọng về kiến thức xã hội, kỹ năng ứng xử của các "ứng cử viên hoa hậu" đã biến họ thành những thí sinh “gây cười”?.

Ứng xử kém do lỗ hổng kiến thức

Nhiều cuộc thi hoa hậu, người đẹp được tổ chức tại Việt Nam sau đêm trao giải đã nảy sinh rất nhiều chuyện lùm xùm. Những chuỗi tin tức không mấy gây thiện cảm về các tân hoa hậu như: hoa hậu học dốt, hoa hậu với bảng điểm kém, hoa hậu "chân dài óc ngắn"... làm không ít người cảm thấy xấu hổ.

Việc báo chí đăng tải những thông tin về hoa hậu T.T.T.D chưa tốt nghiệp THPT, làm giả học bạ, gian lận trong quá trình làm hồ sơ xin dự thi hoa hậu… từng một thời gian làm dậy sóng dư luận.

Những cụm từ đi kèm với chức danh hoa hậu cao quý của cô đã trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều hơn cả những hoạt động đằng sau chiếc vương miện sau đêm đứng trên đỉnh vinh quang.

Từ những vụ bê bối được đưa ra ánh sáng liên quan đến chủ nhân vương miện Hoa hậu Việt Nam 2008 như: bảng điểm be bét, bỏ học giữa chừng, dối trá... thì con đường phát triển sự nghiệp của T.D cũng không thể bằng phẳng.

Từng được đề cử tham gia hoa hậu thế giới 2008 nhưng với những quy định của Cục nghệ thuật biểu diễn Việt Nam thì T.D không được tham gia vì tại thời điểm đó cô chưa tốt nghiệp cấp 3. Liên tiếp thời gian sau đó, người ta đổ xô lên án cô tân hoa hậu này vì cho rằng đã  lừa dối khán giả, không xứng đáng là đại diện cho phụ nữ Việt Nam… Nhưng dư luận lại quên mất lỗi đầu tiên là thuộc về ban tổ chức khi đã không đặt ra những tiêu chí rõ ràng ngay từ đầu cuộc thi.

Gần đây sự việc người đẹp T đăng quang một cuộc thi Hoa hậu được đánh giá ở mức "ao làng" cũng khiến dư luận một phen nổi sóng. Những danh xưng "hoa hậu scandal", hoa hậu "chân dài não ngắn"... được  gắn với cô hơn danh xưng mà cô có được khi “đem chuông đi đánh xứ người”.

Không chỉ sở hữu ngoại hình xinh đẹp, quyến rũ, vô số những món đồ thời trang hàng hiệu mà T còn thành  “hiện tượng” vì luôn có những phát ngôn gây “sốc”.

Dù cuộc thi mà hoa hậu T tham dự chỉ được gắn mác “ao làng”, thiếu chuyên nghiệp so với các cuộc thi nhan sắc trong nước khác nhưng rõ ràng khi đã mang danh hoa hậu, cô cũng cần phải khoác lên mình những trọng trách xã hội.

Xuất phát điểm với tư cách là người mẫu,... dường như những gì mà T mang lại cho cộng đồng chỉ như “muối bỏ biển” so với những scandal và phát ngôn ngờ nghệch của cô. Người nhẹ nhàng thì lắc đầu ngao ngán, thương cảm vì cô quá non nớt, người khó tính thì xem đây như một "cú tát trời giáng" vào mặt họ khi T đã làm mất đi hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Người ta vẫn hy vọng rằng, qua thời gian, cùng với sự tôi luyện, T sẽ dần trưởng thành và đẹp hơn trong mắt dư luận. Nhưng dường như với vốn kiến thức hạn hẹp và suy nghĩ quá thấp như hiện tại, e rằng cô rất khó khăn để thoát được hình ảnh "chân dài óc ngắn".

Những cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam liên tục bùng nổ. Tuy nhiên, càng có nhiều danh xưng hoa hậu bao nhiêu thì công chúng lại càng trở nên hoài nghi với kiến thức, trình độ hiểu biết và kỹ năng ứng xử của họ. Khi sắc đẹp không đồng hành với tài năng thì làm sao nhan sắc Việt có thể tự tin bước ra thế giới để so tài cùng những người đẹp khác.

Điều chỉnh 6 giải phụ

Trước đó, thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn  đã có văn bản kết luận chỉ đạo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012, trong đó cho phép  BTC cuộc thi điều chỉnh các giải thưởng phụ bao gồm 06 giải như sau: Người đẹp tài năng nhất; Người đẹp biển (thay thế cho giải Người có hình thể đẹp nhất); Người có gương mặt đẹp nhất; Người đẹp áo dài; Người có làn da đẹp nhất (bổ sung); Người có mái tóc đẹp nhất (bổ sung);

Bỏ giải Người trả lời ứng xử hay nhất.

Theo đại diện BTC thì  trong cuộc thi năm nay, đêm chung kết vẫn có phần thi ứng xử cho 5 thí sinh lọt vào vòng cuối cùng. Tuy nhiên, điểm của phần thi này chỉ góp phần quyết định các giải thưởng cao nhất chứ không có việc trao giải Người ứng xử hay nhất như dự kiến ban đầu.

 


Theo Người đưa tin

Bình luận
vtcnews.vn