Ngỡ ngàng con đường 4.500 tuổi 'đi ngang hai thế giới'

Khám pháThứ Hai, 17/01/2022 16:27:00 +07:00

Mạng lưới "đường cao tốc" cổ đại tại Bán đảo Ả Rập cho thấy 4.500 năm trước họ sở hữu một nền văn minh phức tạp và phát triển hơn chúng ta nghĩ.

Nghiên cứu từ Đại học Tây Úc cho thấy từ thời đại đồ đồng sớm, cư dân ở Tây Bắc bán đảo Ả Rập đã xây dựng những "đại lộ danh dự", là một mạng lưới đường cao tốc cổ đại kết nối các khu chôn cất xa hoa, nhưng đồng thời là con đường giao thương huyết mạch đối với người sống.

Ngỡ ngàng con đường 4.500 tuổi 'đi ngang hai thế giới' - 1

Các ngôi mộ lỗ khóa dọc hai bên các "đường cao tốc". (Ảnh: Đại học Tây Úc)

Rõ ràng người Ả Rập không phải vất vả băng qua sa mạc mịt mù trong những thương vụ đường dài. Theo Phys.org, các nhà nghiên cứu xác định được một mạng lưới "đường cao tốc" phức tạp trải rộng diện tích 160.000 km2, với hơn 17.800 ngôi mộ hình lỗ khóa ven đường.

Hệ thống xa lộ này cũng kết nối nhiều ốc đảo và đồng cỏ, bảo đảm cho thương nhân những "trạm dừng" phong phú trên suốt chặng đường băng qua sa mạc.

Khu vực dày đặc di tích nhất là đoạn đi ngang các quận AlUla và Khaybar ở Ả Rập Saudi, nơi chứa tới 11.000/17.800 ngôi mộ nói ven đường, ngoài ra còn có nhiều kiến trúc cổ đại khác.

Nối liền với hệ thống đường sá đáng kinh ngạc này là các đường mòn nhỏ hơn dẫn vào sâu bên trong các ốc đảo và đồng cỏ, nơi người ta có thể lừa các con vật cưỡi và tải hàng đi uống nước và tìm thức ăn.

Tiến sĩ Matthew Dalton, tác giả chính của nghiên cứu cho biết những phát hiện trên cho thấy cư dân Bán đảo Ả Rập 4.500 trước đã kết nối với nhau về mặt kinh tế xã hội hơn nhiều những gì chúng ta nghĩ trước đây.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí The Holocene.

(Nguồn: Báo Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn