Nghiên cứu ứng dụng, thương mại hóa thành công các thiết bị phẫu thuật trong điều trị y tế

Khoa học - Công nghệThứ Bảy, 30/12/2017 08:39:00 +07:00

Thiết bị phẫu thuật Dao mổ điện cao tần 400W và máy Laser Carbon dioxide phẫu thuật siêu xung do kỹ sư Lê Huy Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Laser - Viện Ứng dụng công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ) nghiên cứu chế tạo đã được ứng dụng rất thành công tại nhiều bệnh viện lớn trên toàn quốc.

IMG_1686 4

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo cấp cao tham quan và nghe giới thiệu về Thiết bị Phẫu thuật do kỹ sư Lê Huy Tuấn nghiên cứu chế tạo (Ảnh:NVCC)

Thiết bị cháy hàng không đủ bán

Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thế nhưng việc các nghiên cứu khoa học sau khi được nghiệm thu rất khó khăn để áp dụng vào thực tiễn luôn là vấn đề thường trực. Làm thế nào để những kết quả đó không nằm lại mãi ở trên giấy tờ mà được áp dụng, chuyển giao công nghệ, hoặc thương mại hóa sản phẩm là mục tiêu mà các nhà khoa học luôn hướng tới.

Đã có nhiều năm nghiên cứu về các thiết bị kỹ thuật phục vụ trong điều trị y tế, kỹ sư Lê Huy Tuấn hiểu rất rõ điều này. Ông cũng là một trong số ít những nhà khoa học đã tạo được uy tín cho những sản phẩm của mình, đưa chúng đến với thực tế cuộc sống.

Được biết, hiện nay, hai thiết bị làm nên tên tuổi của KS Lê Huy Tuấn là Dao mổ điện cao tần 400W và máy Laser Carbon dioxide phẫu thuật siêu xung đã được lắp đặt và sử dụng tại rất nhiều bệnh viện (BV) đầu ngành thuộc trung ương và địa phương như: BV Việt Đức, Việt Xô, TƯ Quân đội 108, BV Quân đội 103, BV 354, BV Công an 198, BV Mắt TƯ, BV Hồng Ngọc,… Không chỉ có vậy, thiết bị còn được đưa tới phục vụ tại Trường Sa và các nước bạn như CHND Lào, Campuchia,…

Theo KS Lê Huy Tuấn, thiết bị được đặt hàng rất nhiều, hiện ông và các đồng nghiệp vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của khách hàng đối với hai sản phẩm này.

IMG_0542 (1) 3

KS Lê Huy Tuấn và đồng nghiệp tại triển lãm trưng bày sản phẩm Tự hào trí tuệ Lao động Việt Nam lần thứ II - 2017 (Ảnh:NVCC)

Trong buổi trò chuyện với VTC News, KS Lê Huy Tuấn chia sẻ: “Trong gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực này, chúng tôi đã nghiên cứu, phát triển khá nhiều các công trình y học. Trong những năm gần đây, nhu cầu phẫu thuật ngoại khoa và phẫu thuật da liễu thẩm mỹ gia tăng với tốc độ lớn, do đó, hai thiết bị này được nhóm nhất trí lấy làm sản phẩm chủ đạo, đáp ứng nhu cầu của ngành y tế và người bệnh.

Đây là hai thiết bị đã được chúng tôi nghiên cứu và đưa vào ứng dụng từ nhiều  năm về trước và nhận lại những phản hồi tích cực. Không chỉ vậy, sau những năm tháng sống và làm việc rất dài, nhiều khách hàng vẫn vẫn nhớ và tiếp tục mua sản phẩm do chúng tôi làm ra – đó là phản hồi tốt nhất mà chúng tôi đã có được.

Ngoài ra, sự công nhận của Bộ Y tế đối với Trung tâm Công nghệ Laser và các sản phẩm được đưa vào ứng dụng trong cuộc sống qua giấy phép và các bằng khen cũng là động lực giúp chúng tôi tiếp tục nghiên cứu khoa học và phát triển thêm những sản phẩm mới trong thời gian tới đây.”

Nhà khoa học vẫn luôn gặp khó

Chia sẻ về quá trình thương mại hóa hai thiết bị này, KS Lê Huy Tuấn cho hay, ban đầu, sản phẩm mới ra mắt đã gặp phải rất nhiều khó khăn:

“Nhóm nghiên cứu phải triển khai, lắp đặt các thiết bị đầu tiên ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Thêm vào đó, thiết bị mới ra mắt vấp phải trở ngại rất lớn tại các bệnh viện lớn bởi thương hiệu, uy tín của thiết bị chưa có.

Đồng thời, trong quá trình sử dụng, thiết bị cũng hé lộ nhiều khiếm khuyết đòi hỏi đội ngũ nghiên cứu phải khắc phục: điện mạng mất ổn định, cường độ phẫu thuật cao dẫn đến thiết bị bị nóng. Các bác sĩ phẫu thuật cũng góp ý thêm như thiết bị cần có bàn đạp điều khiển phẫu thuật, nhiễu loạn từ các thiết bị khác trong phòng phẫu thuật tới dao mổ điện và ngược lại hay là các kết nối phẫu thuật nội soi phải linh hoạt,…

IMG_0518

Ứng dụng thiết bị Laser Carbon dioxide phẫu thuật siêu xung trong điều trị Da liễu - Thẩm mỹ tại Thẩm mỹ viện Xuân Hương (Bùi Thị Xuân – Hà Nội) (Ảnh: NVCC)

Một vấn đề khác luôn thường trực đối với nhóm nghiên cứu, không chỉ thời gian đó mà cả bây giờ, đó là nguồn tài chính hạn hẹp, chi phí cho mua sắm nguyên vật liệu tốt, chất lượng, chi phí công tác lớn. Việc bị ảnh hưởng bởi nguồn tài chính khiến cho sản phẩm dù được thị trường mến mộ nhưng lại chỉ sản xuất được hạn chế, và nguồn thu cũng hạn chế, nhà khoa học cũng khó khăn hơn trong hoạt động công tác trực tiếp tại các bệnh viện, cơ sở y tế,…”

Ông cho biết, vượt qua những khó khăn đó, nhóm nghiên cứu đã bốn lần nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện công năng và chất lượng của hai thiết bị nói trên. Tuy thế, ông cũng bày tỏ mong muốn được Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Ứng dụng Công nghệ đầu tư thêm kinh phí, các điều kiện cần thiết cho quy mô sản xuất mở rộng các thiết bị này cả về số lượng và chất lượng cung cấp cho thị trường.

IMG_0117

KS Lê Huy Tuấn tại phòng thí nghiệm nghiên cứu chế tạo, lắp ráp sản phẩm (Ảnh: NVCC)

“Vấn đề khó của các nhà khoa học vẫn là nguồn kinh phí và chính sách của ngành thuế, Mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ về chính sách ưu đãi thuế thế nhưng, đối với các nhà khoa học và doanh nghiệp khoa học công nghệ, nguồn thu so với nguồn chi vẫn còn thấp hơn rất nhiều. Không những cần được hỗ trợ về vốn, tôi cũng mong muốn được hỗ trợ về thuế nhằm tạo điều kiện, khuyến khích trong sản xuất và chuyển giao công nghệ tới các cơ sở y tế trong nước và xuất khẩu.

Có sự đầu tư đủ tầm, các sản phẩm này không chỉ thành công ở trong nước như hiện nay mà còn có thể đưa ra thị trường ngoài nước, cạnh tranh trong thị trường quốc tế.” – KS Lê Huy Tuấn tâm sự.

Theo GS.TS Lê Hùng Lân - Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ:

“Kết quả ứng dụng trong thực tiễn trong nhiều năm qua đã khẳng định sự đánh giá chất lượng sản phẩm và khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu này của Viện Ứng dụng Công nghệ.

Tuy nhiên, để thương mại hóa quy mô lớn các kết quả nghiên cứu, nhân rộng nhiều hơn nữa trong cả nước và quốc tế còn phải trải qua những bước tiếp theo của quá trình đầu tư phát triển đủ lượng và chất và cần có sự ủng hộ của Nhà nước và các Ban, Ngành liên quan khuyến khích sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghệ này.

Qua thành công của sản phẩm Dao mổ điện cao tần 400W và máy Laser Carbon dioxide phẫu thuật siêu xung, chúng tôi nhận thấy tiềm năng thị trường đầu ra của sản phẩm là rất lớn, không chỉ bó gọn trong ngành y tế mà cả trong giáo dục đào tạo, an ninh quốc phòng, công nghiệp chế tạo,…”

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn