Nghịch lý: “Nóng” thời trang vỉa hè, vắng hoe hàng hiệu

Kinh tếThứ Sáu, 05/11/2010 03:40:00 +07:00

(VTC News) - Trái ngược với cảnh nhộn nhịp của các hàng quần áo vỉa hè, chớm đông, không khí mua sắm tại các thương hiệu thời trang nổi tiếng vẫn khá ảm đạm...

(VTC News) - Hoàn toàn trái ngược với cảnh nhộn nhịp của các hàng quần áo bán ngoài vỉa hè, chớm đông, không khí mua sắm tại các thương hiệu thời trang nổi tiếng vẫn khá ảm đạm...


Mùa đông năm nay đến sớm hơn mọi năm nên không ít người đổ xô ra đường mua quần áo ấm, chăn, ga, gối đệm. Tuy nhiên, theo các chủ cửa hàng, lượng khách vào xem thì nhiều, mua ít bởi lượng hàng tồn kho còn nhiều và mẫu mã chưa kịp đổi mới.

Quần áo mùa đông không “theo kịp” thời tiết

Anh Giáp, quản lý bán hàng của Nhabeco trên phố Chùa Bộc, cho biết: Nếu như mọi năm, bao giờ cũng hết tháng 11 (Dương lịch) trời mới bắt đầu lạnh. Nhưng năm nay dường như không có mùa thu, giai đoạn chuyển đổi giữa se lạnh sang lạnh hẳn rất ngắn ngủi vì vậy, các hãng thời trang chưa kịp ra nhiều mẫu mã mới để đáp ứng  thị trường và nhu cầu của khách hàng.

Quần áo đang bày bán trên kệ của Nhabeco hiện nay đều là những mẫu đã ra từ đầu năm, kiểu dáng không có nhiều thay đổi, theo hướng “ăn chắc mặc bền”, giá cả hầu như vẫn giữ nguyên. Áo khoác ấm, chất vải tốt thường rơi vào khoảng 550.000 đồng/chiếc. Áo khoác mỏng hơn, chất lượng kém hơn có giá khoảng 300.000 đồng/chiếc.

Đầu đông, thị trường quần áo chưa có nhiều kiểu dáng mới.

Theo anh Giáp, hiện tại do hàng tồn đọng còn khá nhiều nên các hệ thống cửa hàng Nhabeco vẫn duy trì bán xen kẽ cả mẫu mới và mẫu cũ. “Không khí mua bán có sôi động hơn so với ngày thường nhưng doanh thu tăng không nhiều, giao dịch ít. Người mua vẫn chưa cần thiết “rinh” về những chiếc áo dày, vì thế với thời tiết như mấy hôm nay, áo mỏng vẫn bán rất chạy”, anh Giáp nói.

Khi thời tiết đã bắt đầu se lạnh, các con phố chuyên bán hàng thời trang như Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Bạch Mai, Xuân Thủy, Hàng Đào… luôn tấp nập người ra vào, tuy nhiên phần lớn là người dân đi chơi, xem nhiều, mua ít.

Chị Nguyễn Thị Hằng, nhân viên bán hàng của Shop Men trên phố Bạch Mai, than thở: Ngày nào đông, cửa hàng cũng chỉ bán được khoảng 20 chiếc. Buổi tối từ 20h đổ đi đông khách nhất, tuy nhiên, người đi xem hàng là chính. “Đầu mùa khi chưa có nhiều mẫu mã đẹp, hầu hết khách hàng đi mua sắm quần áo theo kiểu “dò xét”, nắm bắt, khảo sát thị trường lchứ chưa hẳn là mua, có hôm còn không bán được chiếc nào”.

Khách hàng đi xem, thăm dò là chính chứ chưa có ý định mua hàng.

Theo chị Hằng, quần áo thời trang mùa đông năm nay, giá tăng lên khoảng 100.000 đồng/chiếc. Nếu như năm ngoái, chỉ cần có trong tay khoảng 300.000 đồng, khách hàng có thể lựa chọn được một chiếc áo ấm, nhưng năm nay, giá áo phao, áo gió rẻ nhất khoảng 500.000 đồng. Áo thu đông nam phổ biến khoảng 300 – 400.000 đồng/chiếc, đặc biệt kiểu áo liền khăn đang được nhiều nam giới ưa chuộng nhất hiện nay có giá 410.000 đồng/chiếc.

Nghịch lý: Hàng vỉa hè “nóng”, hàng hiệu vắng hoe

Chùa Bộc, Tây Sơn, Nguyễn Chí Thanh, Thanh Xuân, Khuất Duy Tiến có thể coi là những tuyến phố mua sắm quần áo nhộn nhịp nhất của Hà Nội. Mỗi khi thành phố “lên đèn”, rất đông người dân đổ xô về đây mua sắm… hàng vỉa hè.

Chỉ một số quần áo được treo sơ sài trên mắc còn thì phần lớn hàng vỉa hè nơi đây được chất đống trên nền đất. Dễ thấy, với tâm lý mua sắm tiết kiệm, khá nhiều người vẫn chuộng những mặt hàng này bởi giá cả ưu đãi, thoải mái lựa chọn theo kiểu “thuận mua vừa bán”.

Đầu đông, nhiều chị em tấp nập đi mua hàng thùng (Ảnh: Lê Trang)

Bạn Nguyễn Thị Hoa, ĐH Ngoại thương Hà Nội, vừa bới tung đống đồ lên vừa hồ hởi: “Mình tranh thủ mua thêm mấy cái áo nữa, sợ vào “vụ”, hàng quần áo sẽ tăng giá”.

Ngoài ra, một số shop thời trang tại đây cũng “cẩn thận” phân loại hàng tồn kho để nhanh chóng thanh lý. Những ngày này, trên nhiều tuyến phố, các bảng hiệu, băng rôn đề giảm giá ngập tràn khắp nơi. Theo đó, quần áo có chất lượng, mẫu mã tương đối thì được tái sử dụng, trưng bày với nhãn mác mới, còn những chiếc quá “nát” sẽ được đổ đống sale off từ 20 đến 50%.

Hoàn toàn trái ngược với cảnh nhộn nhịp của các hàng quần áo vỉa hè, không khí mua sắm tại các thương hiệu thời trang nổi tiếng vẫn khá ảm đạm.

Có mặt tại cửa hàng Việt Tiến (203 Chùa Bộc, HN) khoảng 20h30, xung quanh không có một khách hàng. Nhân viên bán hàng – anh Phạm Văn Chung cho biết: Có thể do nhu cầu thị trường bão hòa, lượng khách năm nay giảm hơn khoảng 40% so với cùng thời điểm này năm ngoái. Bình thường, có những ngày, cửa hàng anh bán được 10 – 15 bộ vest, nhưng năm nay chỉ bán được khoảng 5 bộ, trong khi giá cả vẫn không thay đổi, trung bình từ 1,1 – 1,4 triệu đồng/bộ vest, mẫu mã lại nhiều hơn.

Cách đó không xa, thương hiệu Blue Exchange cũng trong tình trạng ế ẩm. Chị Nguyễn Thị Hạnh, nhân viên thu ngân tại đây thở dài: “Năm nay bán chán… doanh thu không thể bằng mọi năm, thậm chí giảm hơn hẳn một nửa”. Về lý do vắng khách, theo chị Hạnh: Một phần có thể do thời tiết thất thường, có hôm trời rét lạnh nhưng ngay ngày hôm sau lại nắng ấm, một phần khác, do hàng mới chưa ra, còn nhiều mẫu của năm ngoái như áo nỉ, áo kaki…


Nhiều thương hiệu quần áo lớn đề biển "sale up to 50%" nhưng lượng khách ra vào vẫn rất vắng vẻ.


Tại shop quần áo Uni, chị Minh – nhân viên bán hàng cho biết: Mẫu mã mùa đông năm nay đa dạng hơn, xu hướng chính là quần cạp cao, chất vải dày dặn (giá dao động từ 150.000 – 400.000 đồng/chiếc), áo đậm màu, sắc nét, giới trẻ vẫn ưa chuộng áo len tay lửng, áo cánh rơi với mức giá hợp lý trên 300.000 đồng. Tuy nhiên, “lượng khách đông hơn hẳn ngày thường nhưng chủ yếu, người dân đi xem là nhiều".

Chăn ga, gối đệm rậm rịch tăng giá


Dù thời tiết mới chớm lạnh nhưng nhiều gia đình đã bắt đầu đi mua chăn, ga, gối, đệm mùa đông khiến thị trường này đang nóng dần lên, nhiều cửa hàng đóng cửa suốt một thời gian dài, nay đã bắt đầu hoạt động trở lại.

Xu hướng chung hiện nay của các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, mỗi năm thay 1 – 2 bộ chăn, ga... vừa đảm bảo vệ sinh sạch sẽ vừa thay đổi không gian mới cho căn phòng.

Lật tìm những vỏ chăn để lựa chọn gam màu ưng ý, chị Thu Hương (khách hàng của cửa hàng chăn, ga, gối, đệm Sunny) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ gần tới mùa rét là chị thay một loạt chăn, ga cho cả gia đình từ giường của cụ ông, cụ bà cho tới giường của các con”. Chị Hương “bật mí”: Luôn mua trước khoảng nửa tháng, chuẩn bị sẵn sàng đón cái lạnh, “sợ đến ngày rét, mọi người đổ xô đi mua, vừa chen lấn mà giá cả lại leo thang”.

Qua khảo sát, tại Sunny, mặt hàng bán chạy nhất là hàng chất liệu cotton giá 1,8 triệu đồng/bộ bao gồm vỏ chăn, ga phủ, và 5 vỏ gối. Các tông màu tươi sáng, lãng mạn như vàng nhạt, hồng nhạt luôn được giới trẻ ưa chuộng, đặc biệt là các cặp đôi sắp cưới có thu nhập trung bình.

Cô Phạm Thị Liên, nhân viên bán hàng tại tiệm chăn, ga, gối, đệm Everon (135 Chùa Bộc, HN) cho biết: Thời gian này vừa bắt đầu mùa rét, lại rầm rộ mùa cưới nên lượng bán tăng đáng kể, đặc biệt là khách mua cả bộ rất nhiều. Ngày cao điểm có khi bán được hơn chục bộ, giá cả một bộ Everon năm nay trung bình trên 3 triệu đồng, cao nhất là 5 triệu đồng.

Các tông màu tươi sáng, lãng mạn như vàng nhạt, hồng nhạt luôn được giới trẻ ưa chuộng, đặc biệt là các vợ chồng mới cưới.


Theo đánh giá  của một số chủ cửa hàng, giá cả chăn, ga, gối đệm năm nay cao hơn một chút so với thời điểm năm ngoái. Mẫu mã đa dạng hơn, nhiều loại hoa văn trang trí to, hoành tráng, màu sắc thiên về gam màu sáng.

Chị Phạm Thị Thủy - chủ cửa hàng chăn gối Canada tại 81 Bạch Mai - nhận xét: Thị trường bông năm nay rất khan hiếm nên đẩy giá thành lên cao. Riêng hãng Kymdan tăng lên khoảng 27%. Canada mặc dù chưa tăng giá nhưng với lượng “cung” hạn hẹp, dự đoán thời gian tới có thể sẽ tăng cao. Hiện tại, một bộ chăn, ga, gối, đệm Canada có giá dao động từ 5 – 15 triệu đồng phù hợp với tầng lớp người dân khá giả, có thu nhập kinh tế ổn định.

Nhân viên bán hàng của Everon trên đường Lê Trọng Tấn cũng tiết lộ: Từ đầu năm đến nay, Everon đã tăng giá 2 lần, hiện tại, giá chăn, ga, gối đệm cao hơn 15% so với năm ngoái và có “tin đồn” rằng: Trong thời gian tới, giá sẽ còn tăng lên nữa.



Bài, ảnh
: Khuê Hạ


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi về số 1405 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gialà bạn đã đóng góp 10.000 đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung.



Bình luận
vtcnews.vn