Nghĩa địa vô danh và câu chuyện người vớt xác nghĩa hiệp

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 27/01/2014 05:22:00 +07:00

Một mảnh đất nhỏ nằm bên bờ sông Hồng, đoạn qua phường Nhật Tân, (Hà Nội), là nơi chôn cất của không biết bao nhiêu xác chết không người nhận. 

Nghĩa địa vô danh ấy đã tồn tại hơn 30 năm nay. Chính tay một người đàn ông nghĩa hiệp đã vớt những cái xác lên chôn cất cẩn thận và vẫn tận tụy chăm sóc, hương khói hàng ngày.

 

Ngôi nhà trống huơ trống hoác của gia đình anh Dũng.

Chúng tôi tìm đến nghĩa địa vô danh ấy vào một buổi chiều mùa đông rét như cắt. Con đường dẫn ra nghĩa địa trơn trượt, heo hút sau một trận mưa rào lạnh buốt của ngày rét tăng cường. Xung quanh chỉ thấy sông nước và cỏ cây mênh mông, rờn rợn, cảm giác ghê sợ ám ảnh tâm trí, vậy mà anh Nguyễn Văn Dũng, chủ nhân của nghĩa địa ấy đã sống cùng những nấm mồ vô chủ hơn ba mươi năm nay để làm cái công việc khiến ai cũng phải rùng mình: vớt xác chết và chăm sóc nghĩa địa cho những người dưng.

Theo anh Dũng, nghĩa địa vô danh này được hình thành từ những năm 1980. Ngôi mộ đầu tiên là của một cô gái trẻ chết khi mới 18 tuổi. Anh có nghe các cụ nhà anh kể lại rằng: "Năm 1966, khi nước lũ sông Hồng dâng cao, người dân sống quanh sông Hồng phát hiện một xác chết trôi nổi giữa sông. Họ đã gọi các cụ nhà anh đến vớt xác cô gái trẻ lên và tổ chức chôn cất ngay bên bờ sông Hồng. Kì lạ thay, chỉ sau một đêm, ngôi mộ của cô gái đã được mối xông thành ngôi mộ lớn. Dân làng không biết cô gái xấu số đó là ai và từ đâu đến, nên họ đặt tên là mộ cô Trôi".

Chẳng biết có phải do cô Trôi linh thiêng níu giữ những người xấu số không bị sông Hồng cuốn trôi mất xác hay không, mà từ đó về sau, những xác chết trôi về bãi Nhật Tân ngày càng nhiều và nghĩa địa này cũng ngày một đầy lên vì lẽ đó. Và cũng chính cô Trôi đã run rủi cho anh Dũng vớt được nhiều xác chết để chôn tại nghĩa địa này.

Gắn với nghiệp vớt xác từ giấc mơ kỳ lạ
Cứ mỗi lần vớt được xác chết, không có ai đến nhận, anh Dũng lại chôn cạnh mộ cô Trôi. Có thời điểm, nghĩa địa lên đến 100 ngôi mộ, một mình anh hương khói, quét dọn không xuể, nhưng về sau, người này mách người kia, họ tìm đến nhận người thân và cất bốc. Hiện nghĩa địa chỉ còn 66 ngôi mộ vô danh nhưng lúc nào cũng được anh Dũng chăm sóc cẩn thận. Ngôi mộ lâu năm nhất cũng 30 năm, mới nhất chỉ cách đây 4 tháng.

Chỉ tay về một ngôi mộ lớn, anh không giấu được sự xót xa: "Đây là ngôi mộ tập thể của 6 hài nhi xấu số mà tôi vớt được trong cùng một ngày, khi các bé vẫn còn nguyên dây rốn. Năm ấy là năm 1990-1991 thì phải, lũ sông Hồng dâng cao lắm".

Anh Dũng sinh năm 1970, thoạt nhìn ai cũng nghĩ là dân xã hội đen bởi cái đầu trọc và dáng người cao to, vạm vỡ. Nhưng có tiếp xúc, có nghe anh nói chuyện mới thấy con người này có một cái tâm rất lớn. Vì nhà nghèo, không có điều kiện đi học nên học đến lớp 4, anh Dũng đã bỏ học đi chăn bò dọc các bãi ngoài sông Hồng.

Thuở ấy, anh và lũ trẻ con vùng bãi hay nghịch ngợm, rủ nhau đi tắm sông và thách nhau lặn sâu dưới nước để lấy bùn. Lần đầu, anh lặn được sâu 5m và lấy được một nắm bùn rất to, khiến bọn trẻ con đứa nào cũng phục, nhưng đến lần thứ hai, đang lặn sâu xuống thì bất ngờ anh mắc phải lưỡi câu dài của thuyền chài ở đâu quăng đến.

Đau đớn, vùng vẫy, anh cố cắn đứt dây câu mà không được, trong cơn tuyệt vọng, anh chỉ biết cào cấu và xé rách vết thương. Anh không nhớ mình đã ngoi lên bờ và dạt vào bờ thế nào, cũng chẳng biết ai đã cứu mình bởi bạn bè lúc ấy vì sợ hãi đều chạy hết, chỉ biết lúc lên bờ anh đã ngất đi vì kiệt sức. Trong cơn mê man, anh có nghe thấy giọng ai đó vang vọng bên tai: "Ta cứu ngươi, nhưng từ nay về sau, ngươi phải cứu người ta". Tỉnh dậy, anh thấy chiếc lưỡi câu vẫn còn mắc nguyên con giun ở ngay bên cạnh.

Từ đó, anh tâm niệm, mình phải làm việc thiện để cứu người. Anh Dũng bảo: "Cô Trôi thiêng lắm, những lần tôi vớt được xác chết đều do cô mách bảo. Từ bé tôi đã thích ra sông chơi, những lúc làm vườn mệt mỏi, tôi lại ra sông ngồi nghỉ ngơi, thư giãn. Cứ lúc nào tôi giật mình, cảm thấy có điều lạ là y như rằng có chuyện".

Lần đầu tiên anh vớt xác là năm 13 tuổi, khi ấy đang nửa đêm, tự nhiên anh nghe như có tiếng người kêu cứu vang vọng bên tai, anh giật mình vội đi ra sông thì thấy hai xác chết lập lờ giữa dòng. Không ngần ngại, anh lao ra dòng nước lạnh buốt, một mình kéo hai xác chết lên bờ. Giữa đêm khuya khoắt, không biết gọi ai, anh đành nằm giữa hai xác chết, ngủ một mạch đến sáng để trông coi. Sáng dậy anh mới đi báo chính quyền để họ đến khám nghiệm tử thi và sau đấy chính anh là người đưa xác chết đi chôn. Thế là liên tục từ ấy, năm nào cũng có xác chết trôi đến bãi Nhật Tân và đích thân anh là người vớt xác rồi chôn cất tử tế.

Anh Dũng còn nhớ như in mùa nước lũ năm 1995-1996, khoảng 3h sáng, tự nhiên anh không ngủ được vì trong lòng thấy nóng ruột, bứt rứt không yên. Anh vội dậy đánh xe bò ra bờ sông chở đất về trồng đào, đột nhiên anh nhìn thấy la liệt những gói mì chính, mì tôm… trôi dọc bờ sông. Anh giật mình nghĩ bụng chắc là có tai nạn đường sông. Anh vội vàng đi ngược lên khoảng 500m nữa thì thấy rất nhiều xác người nổi lập lờ trên mặt sông. Giữa đêm đông lạnh buốt, một mình anh bơi xuống sông, kéo 29 xác người lên suốt từ 3h đến tận 6h sáng hôm sau. Đó là vụ đắm đò thảm khốc nhất ở xã Phú Thượng mà đến giờ vẫn day dứt, ám ảnh tâm trí anh.

Thầm lặng một tấm lòng
Cuộc sống của gia đình anh đều trông chờ vào những gốc đào, đàn lợn, con gà, ruộng rau sạch từ bãi giữa sông Hồng. Những năm đào mất mùa, gà lợn ốm chết vì dịch, tiền ăn còn chẳng có nhưng anh vẫn cố đi vay mượn tiền của bạn bè, anh em hàng xóm để lo chôn cất những xác chết không người nhận. Thậm chí có bao nhiêu tiền thu nhập từ nghề nông, anh đều "đầu tư" hết vào mua xuồng máy, ca nô... và những phương tiện để vớt xác. Ai hỏi, anh chỉ bảo để anh dạo chơi trên sông nước và để anh ra giữa sông Hồng nuôi gà, trồng rau cho vợ bán.

Nghĩa địa vô danh bên bờ sông Hồng.


Gần 30 năm làm nghề vớt xác, anh Dũng đã vớt được 501 xác chết, người cao tuổi nhất cũng phải ngoài 80, ít tuổi nhất là những hài nhi còn chưa cắt rốn. Có nhiều trường hợp người thân đến nhận nhưng cũng không ít trường hợp vô danh. Lúc ấy, anh lại là người đứng ra lo toàn bộ chi phí mai táng. Bằng ấy năm vớt xác, anh không nhận tiền của bất cứ ai, trong khi vợ chồng con cái anh đều chui rúc trong túp lều trống huơ trống hoác, vừa là nơi nuôi lợn, vừa là nơi ở của đại gia đình. Nghĩa địa vô danh bên bờ sông Hồng.

Gần 30 năm làm nghề này đã cho anh nhiều kinh nghiệm khi có thể phán đoán đúng luồng lạch, hướng chảy sông để tìm đúng xác chết bị nước cuốn trôi. Trường hợp nào đến nhờ anh tìm giúp, anh đều tìm được chỉ trong vài ngày.

Chính vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, anh là người tình nguyện đi tìm xác nạn nhân nhưng suốt từ 6h sáng đến 1h chiều ngày thứ ba kể từ khi vụ án xảy ra, anh cũng không tìm được, và lúc ấy anh đã có linh cảm xác nạn nhân sẽ không bao giờ được tìm thấy. Bởi theo kinh nghiệm của anh, chỉ 3-4 ngày là xác đã nổi lên nếu còn nguyên nội tạng bên trong, 13-15 ngày là xác đã tan bởi áp lực của dòng nước chảy, của thuyền bè đi lại trên sông.

Anh cười: "Mình làm việc cốt để cái phúc cho con cháu sau này, chứ lấy tiền của người ta thì sẽ không thể tiếp tục làm được công việc này nữa". Còn nhớ những ngày đầu khi làm công việc ghê sợ này, ai nhìn vào cũng bảo anh khùng, người ác mồm thì bảo anh làm vì tiền, nhưng anh bỏ ngoài tai tất cả. Dù ngày mưa hay nắng, dù đêm hay ngày, có người nhờ vớt xác hoặc có linh cảm chẳng lành là anh lại ra sông.

Mới đây, một cô gái nhảy từ cầu Long Biên xuống tự tử, một thanh niên khác nhảy theo để cứu nhưng không kịp. Người ta đã tìm được xác người thanh niên nọ, còn xác cô gái vẫn bặt tăm. Anh Dũng bảo: "Nay đã là ngày thứ ba rồi, trời lạnh thế này chắc phải 4 ngày xác mới nổi, lúc ấy tôi cũng sẽ đi tìm kiếm xác".

Anh cũng nhờ chúng tôi tìm kiếm thông tin về thân nhân của cô gái để nếu tìm được, anh còn liên hệ để gia đình họ đến nhận xác.

Trước khi chia tay anh ra về, chúng tôi không quên ra nghĩa địa thắp hương cho những người xấu số. Nhìn nghĩa địa nhỏ bé nhưng được xây hàng rào đàng hoàng, sạch sẽ, trước mỗi ngôi mộ đều có bát hương, lọ hoa, đĩa hoa quả được sắp xếp cẩn thận, đủ thấy sự trân trọng của người đang sống dành cho người đã khuất.

Cứ ngày Rằm, mùng 1, anh Dũng lại ra nghĩa địa thắp hương và dọn dẹp, để những nấm mồ vô danh bớt cô đơn, hiu quạnh. Nếu anh bận việc không ra được thì các con anh lại thay bố ra thắp hương. Khi công việc vớt xác cần có người hỗ trợ, lại chính vợ anh, các con anh và những người bạn thân thiết của anh cùng ra giúp đỡ. Làm việc nghĩa hiệp nhưng thầm lặng, họ khiến chúng tôi thực sự xúc động và cảm phục.
 
Bình luận
vtcnews.vn