Nghi vấn xe cấp cứu 'dù' gắn biển xanh tỉnh Hòa Bình

Thời sựThứ Tư, 31/10/2018 07:16:00 +07:00

Sau vụ xe cứu thương biển xanh va chạm giao thông, người dân nghi ngờ một số ô tô chưa đủ điều kiện vận chuyển cấp cứu hoạt động tại Bệnh viện Hòa Bình

Dư luận còn băn khoăn về vụ ô tô cứu thương mang biển xanh tỉnh Hòa Bình BKS 28M – 000.29 khi đang chạy hướng từ Hòa Bình đi Hà Nội đã xảy ra va chạm với taxi đi chiều ngược lại trên đường mới Hòa Lạc- Hòa Bình chiều 14/10.

Điều đáng nói, xe cấp cứu mang biển xanh - biển số chỉ cung cấp cho xe cấp cứu thuộc bệnh viện, nhưng bên hông xe tại nạn lại dán logo vận chuyển cấp cứu Hà Sơn (của một doanh nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn Hà Nội) số GPHĐ: 278 HNO-GPHĐ.

Kính phía sau ô tô này in số điện thoại tổng đài miễn phí 0218 115 cấp cứu Hòa Bình.

1

Xe ô tô cứu thương mang biển xanh va chạm giao thông chiều 14/10. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, chiếc xe đã xảy ra va chạm giao thông trước đây thường xuyên có mặt trong khuôn viên Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.

Trả lời về vấn đề này, bà Đinh Thị Tới - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho hay, bệnh viện có duy nhất một xe biển xanh của bệnh viện.

Hiện tại, bệnh viện chưa ký hợp đồng với đơn vị dịch vụ vận chuyển cấp cứu nào cả. Bệnh viện chưa chọn được đối tác để ký, đơn vị nào đủ điều kiện, có nhu cầu vẫn cứ làm cạnh tranh lành mạnh.

Trả lời phóng viên về hoạt động của dịch vụ vận chuyển bệnh nhân tại bệnh viện, vị đại diện Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cũng hay, trước đây bệnh viện có ký hợp đồng với đơn vị vận chuyển Hà Sơn.

Tuy nhiên, cách đây hơn tháng (tháng 9/2018) đã thanh lý hợp đồng với đơn vị vận chuyển do không đáp ứng được yêu cầu của bệnh viện.

Bệnh viện cũng đã tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ. Có 2 đơn vị tham gia dự thầu, trong đó có đơn vị vận chuyển cấp cứu Hà Sơn nhưng đều không đáp ứng được yêu cầu đảm bảo các điều kiện theo quy định, phù hợp với thực tế bệnh viện. Việc này Bệnh viện cũng có thông tin chính thức trên trang website của bệnh viện.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đơn vị vận chuyển người bệnh Hà Sơn được Sở Y tế Hà Nội cấp phép nhưng chỉ với 1 xe cấp cứu.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Hà Nội, xe cấp cứu Hà Sơn hoạt động khá rầm rộ.

2

3 xe cấp cứu không tên đơn vị vận chuyển đỗ tại khuôn viên Bệnh viện đa khoa Hòa Bình sáng 24/10.

Bên cạnh đó, theo phản ánh, có khoảng 4 xe cấp cứu mang tên Hà Sơn cũng đang hoạt động tại Hòa Bình, chủ yếu tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.

Để làm rõ thông tin của những bệnh nhân phản ánh, có nhiều xe dán logo vận chuyển Hà Sơn hoạt động tại Bệnh viện Hòa Bình mang đầu số cấp cứu 115 của Hòa Bình, ngày 24/10, phóng viên đã tiếp cận khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.

Tại đây, có 4 xe cấp cứu đang đỗ tại sân bệnh viện, nhưng chỉ duy nhất 1 xe ô tô có tên đơn vị vận chuyển, 3 xe còn lại chỉ dán dòng chữ “vận chuyển cấp cứu” mà không có tên đơn vị vận chuyển và logo dán bên xe, số điện thoại liên hệ vẫn được giữ nguyên.

Trong khi theo quy định, xe cứu thương đã được cấp phép phải ghi rõ tên cơ sở, giấy phép, thông tin liên hệ trên thân xe nếu không sẽ bị xử lý theo quy định.

Để kiểm tra, phóng viên đã gọi vào số tổng đài miễn phí 0218 115 nhưng không có người bắt máy, còn khi gọi tới số hotline của Sở Y tế Hòa Bình thì được trả lời không biết số máy trên được giao cho đơn vị nào (?!).     

3 3

Phòng điều hành xe cấp cứu 115 tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.

Thông tư 64/2017/TT-BCA quy định, biển xanh chỉ cấp cho một số cơ quan Nhà nước nhất định như: Các cơ quan của Ðảng; Văn phòng Chủ tịch nước, các đơn vị sự nghiệp công lập… 

Tương tự, đầu số gọi khẩn cấp 115 chỉ cấp cho ngành Y tế, cũng giống như đầu số 113 cấp cho Cảnh sát trật tự phản ứng nhanh, 114 cấp cho Cảnh sát PCCC.

Trong trường hợp này những chiếc xe cấp cứu đang đỗ tại sân Bệnh viện Hòa Bình có thể coi là xe cấp cứu “dù”(!?).

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn