Nghi vấn trưởng khoa của ĐH Bách khoa Hà Nội sao chép 3 lần 1 đề tài

Giáo dụcThứ Hai, 18/06/2018 15:02:00 +07:00

Những giảng viên tố cáo cho rằng, kết luận của trường về việc Trưởng khoa Lý luận Chính trị của Đại học Bách khoa Hà Nội đã 3 lần sao chép thành các công trình nghiên cứu khác nhau là chưa khách quan, có sự bao che và sẽ tiếp tục đấu tranh tới khi sự việc sáng tỏ.

Mới đây, báo điện tử VTC News nhận được đơn tố cáo từ một số giảng viên, nguyên giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, gửi các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, tố cáo bà Mai Thị Thanh, Trưởng khoa lý luận chính trị Đại học Bách khoa Hà Nội có hành vi sao chép đề tài nghiên cứu khoa học – đạo văn.

3 lần sao chép, biến đề tài của nhóm tác giả thành của riêng

Theo nội dung tố cáo, xuất phát từ đề tài T2005-57 có tên “Phát huy vai trò chủ thể nhận thức của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong học tập môn Triết học Mác – Lê nin hiện nay” do nhóm tác giả 6 người thực hiện, trong đó bà Mai Thị Thanh làm chủ nhiệm, được thực hiện vào năm 2005.

Bà Mai Thị Thanh sau đó đã nhiều lần sao chép, biến công trình nghiên cứu của nhóm tác giả thành các công trình của riêng mình, trong đó, có 2 công trình được ghi danh vào hồ sơ thi thăng hạng giảng viên cao cấp.

Cụ thể, năm 2014 (tức 9 năm sau khi đề tài T2005-57 được nhóm tác giả 6 người hoàn thành), bà Mai Thị Thanh thực hiện Đề tài T2014 – 134 có tên “Giải pháp nâng cao vai trò chủ thể nhận thức trong học tập các môn lý luận chính trị của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội”, đề tài này do bà Thanh chủ biên và đứng tên độc lập.

Theo nội dung đơn tố cáo, 2 đề tài T2005-57 và T2014-134 có sự trùng lặp khoảng trên 60%. Nội dung đơn tố cáo của các giảng viên có đi kèm các trích dẫn, dẫn chứng chỉ rõ nội dung trùng lặp trên từng dòng, từng trang của 2 đề tài này.

1 5

Hai đề tài cách nhau 9 năm, cùng do bà Mai Thị Thanh chủ nhiệm bị tố cáo là có sự trùng lặp, sao chép 

Điều đáng nói là trong phần “tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài” cũng như trong “danh mục 47 tài liệu tham khảo” của đề tài T2014-134 không hề nhắc đến sự tồn tại của đề tài T2005-57.

Cả hai công trình này sau đó đã được nghiệm thu và được Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ghi danh vào hồ sơ thi thăng hạng giảng viên cao cấp của bà Mai Thị Thanh.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, cuối năm 2015, bà Mai Thị Thanh phát hành lần lượt 2 cuốn sách, trong đó có phần nội dung tiếp tục trùng lặp với hai đề tài kể trên.

Cụ thể, theo đơn thư tố cáo, tháng 6/2015, Khoa Lý luận chính trị tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học lý luận chính trị trong các trường đại học không chuyên ngành Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Trong đó, bà Thanh là 1 trong 31 tác giả tham gia viết bài (gửi báo cáo).

Sau Hội thảo, Hội đồng khoa học khoa Lý luận chính trị chưa có bất kỳ một cuộc họp nào bàn về in sách hay in kỷ yếu; đặt tên sách là gì? Tổ chức hay cá nhân nào đứng tên xuất bản, đứng tên chủ biên; chưa chọn Nhà xuất bản nào để in và phát hành.

Dù vậy, ngày 20/11/2015, bà Mai Thị Thanh đã phát hành rộng rãi cho các đại biểu và các giảng viên 1 cuốn sách có tên “Nâng cao chất lượng dạy, học các môn lý luận chính trị trong trường đại học khối ngành kỹ thuật: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do bà Mai Thị Thanh đứng tên chủ biên.

Tiếp đó, cuối tháng 12/2015, bà Mai Thị Thanh lại phát hành rộng rãi tiếp cuốn “Kỷ yếu hội thảo – Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học lý luận chính trị trong các trường đại học không chuyên ngành Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh” do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đứng tên chủ biên.

2 4

Cuốn sách đứng tên bà Mai Thị Thanh chủ biên sau đó được thu hồi để phát hành cuốn Kỷ yếu hội thảo,.

Cả hai cuốn sách trên đều là tuyển tập 31 bài viết của 31 tác giả gửi hội thảo. Tuy nhiên, cuốn sách do bà Mai biên soạn và đứng tên không có Ban biên soạn. Cuốn sách này cũng làm nhiều tác giả có báo cáo gửi Hội thảo kịch liệt phản đối vì không được sự cho phép, chấp thuận của cá nhân tác giả hay tập thể tác giả.

Ngày 14/6/2016, bà Mai Thị Thanh tự ra thông báo thu hồi sách đứng tên chủ biên mình sau 8 tháng phát hành.

Điều đáng nói, theo nội dung đơn tố cáo, cả 2 cuốn sách trên cũng có sự sao chép, trùng lặp đến khoảng 61% kết quả nghiên cứu của đề tài T2014-134.

Như vậy, từ một đề tài nghiên cứu ban đầu được thực hiện bởi nhóm 6 tác giả, bà Mai Thị Thanh đã liên tục sao chép để cho ra thêm 3 công trình nghiên cứu khác nhau, trong đó có 2 công trình đã được nghiệm thu và được Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ghi danh vào hồ sơ thi thăng hạng giảng viên cao cấp cho bà Thanh.

Có sự bao che của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội?

Ngày 12/6/2018, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội có thông báo số 453 kết luận trả lời đơn thư tố cáo về sai phạm của bà Mai Thị Thanh.

Theo kết luận này, kết quả kiểm tra, đối chiếu 2 đề tài T2005-57 và T2014-134 cho thấy, tổng số dòng có nội dung trùng lặp là 454 dòng, tương ứng 16,21 trang, tỷ lệ trùng lặp và 32,42%.

Trong danh mục tài liệu tham khảo của đề tài T2014-134 không liệt kê tài liệu T2005-57, không có thông tin về việc 5 đồng tác giả đồng ý cho phép sử dụng kết quả nghiên cứu trong công trình khoa học khác.

Các thành viên trong hội đồng thừa nhận có sự nể nang, động viên trong đánh giá nghiệm thu kết quả đề tài T2014-134.

12 - Copy 3

 

Tuy nhiên, cũng theo kết luận này, các nội dung trùng lặp chủ yếu ở những khái niệm và phạm trù có tính chất kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, đặc điểm, hạn chế của sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội và giải pháp có tính yêu cầu cơ bản và tất yếu đối với sinh viên và giảng viên giảng dạy chính trị.

Tổ xác minh cũng cho rằng các kết quả chính không trùng lặp mà có sự kế thừa và phát triển thêm. Đề tài T2014-134 có kế thừa, phát triển và khác biệt so với đề tài T2005-57. Đề tài T2014-134 là nghiên cứu cùng loại với đề tài T2005-57 và có thể xem là đề tài nghiên cứu khoa học độc lập.

Tuy nhiên, những người có đơn tố cáo không đồng tình với kết luận này, bởi lẽ, không thể nói rằng những phần trùng lặp của 2 đề tài này chỉ là ở những khái niệm và phạm trù có tính chất kinh điển, 2 đề tài này có sự trùng lặp kỳ lạ (cả về câu văn, dấu chấm, dấu phẩy, xuống dòng, lỗi chính tả…). Đặc biệt, một số cụm từ của đề tài T2005-57 không ăn nhập, logic với đề tài T2014- 134, cũng được sao chép nguyên bản.

Cũng không thể nói có sự trùng lặp về đặc điểm, hạn chế của sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội và giải pháp có tính yêu cầu cơ bản và tất yếu đối với sinh viên và giảng viên giảng dạy chính trị, bởi lẽ 2 đề tài này được thực hiện cách nhau tới gần 10 năm, khách thể nghiên cứu đã có rất nhiều thay đổi.

Việc kết luận "đề tài T2014-134 có kế thừa, phát triển và khác biệt so với đề tài T2005-57" cũng không thỏa đáng bởi trong phần “tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài” cũng như trong “danh mục 47 tài liệu tham khảo” của đề tài T2014-134 không hề nhắc đến sự tồn tại của đề tài T2005-57.

Đề tài T214-134 còn khẳng định, trước đó chưa có công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống về vấn đề này, vì vậy không thể kết luận đề tài T2014-134 “có sự kế thừa và phát triển” đề tài T2005-57.

Như vậy, đối với kết luận trên, những giảng viên tố cáo cho rằng, kết luận này là chưa khách quan, có sự bao che và sẽ tiếp tục đấu tranh tới khi sự việc sáng tỏ.

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn