Nghi vấn 'đội lốt' hàng Việt Nam: Ông chủ Asanzo nói gì?

Kinh tếThứ Hai, 24/06/2019 07:59:00 +07:00

Theo Chủ tịch Tập đoàn Điện tử Asanzo, sản phẩm của Asanzo chỉ nhập linh kiện từ Trung Quốc, không nhập nguyên chiếc.

Liên quan đến lùm xùm quanh nghi vấn "Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam", ngày 23/6, PV VTC News đã có buổi làm việc với ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Điện tử Asanzo.

Chỉ nhập linh kiện, không nhập nguyên chiếc

64940025_362329714483784_4848371053245759488_n

Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Điện tử Asanzo cho biết, sản phẩm của Asanzo chỉ được nhập linh kiện từ Trung Quốc, không hề nhập nguyên chiếc.

"Người tiêu dùng đang hiểu lầm chúng tôi, họ nghĩ chúng tôi nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc sau đó về lột tem và dán tem nhãn "made in Việt Nam" vào để bán. Quy trình xé tem nhãn Trung Quốc để dán tem nhãn Việt Nam để bán là không hề có, chúng tôi chỉ nhập linh kiện chứ không nhập nguyên chiếc.

Chúng tôi có hơn 2.000 nhân viên, vậy chúng tôi đầu tư 2.000 con người này để làm gì, chẳng nhẽ chỉ để bóc và dán tem thôi sao? Nếu vậy thì vô lý hết sức. Chủ trương hiện nay của chúng tôi là sẽ tiếp tục nội địa hoá các sản phẩm, minh chứng là nhà máy tại Quận 9 sẽ được khai trương vào ngày 26/6 tới", ông Tam khẳng định.

Ông Tam cho biết, 3 linh kiện chính của tivi được nhập từ Trung Quốc là: sườn, bo mạch, và màn hình. 3 linh kiện này chiếm khoảng 70 - 80% sản phẩm. Còn lại như: điều khiển, xốp chống sốc và bao bì đóng gói thì được sản xuất tại Việt Nam

"Những chi tiết nhỏ như: điều khiển, xốp chống sốc hay bao bì thì tại Việt Nam đều làm được hết. Cái nào ở Việt Nam sản xuất được thì chúng tôi không nhập từ nước ngoài. Sở dĩ không thể sản xuất được sườn hay màn hình chiếu sáng là do những linh kiện này khi sản xuất rất độc hại", ông Tam nói.

asanzo3 3

 Linh kiện sườn tivi được nhập từ Trung Quốc (bên trái) và sản phẩm tivi hoàn chỉnh sau khi lắp ráp được dán tem nhãn "made in Việt Nam".

Ông Tam cho rằng, hình ảnh mà một số báo đăng tải sản phẩm tivi có tem nhãn "made in China" thực chất chỉ là tem nhãn của linh kiện sườn tivi. Sau khi lắp ráp, tem nhãn của linh kiện sườn sẽ bị phần bo mạch và phần khung nhựa che lại. Tem nhãn hoàn chỉnh được dán sau tivi sẽ được ghi "made in Việt Nam".

"Thật ra, việc các công ty nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Chúng tôi đã dán tem niêm phong bên ngoài sản phẩm, bảo hành trong 3 năm. Người tiêu dùng không được phép bóc tem này ra, nếu không hãng sẽ không chịu trách nhiệm. 

Tôi nghĩ, người tiêu dùng không nhất thiết phải quan tâm những vấn đề quá chi tiết bên trong sản phẩm, và chúng tôi cũng không bắt buộc phải công bố, quan trọng là chúng tôi đã bảo hành với người tiêu dùng. Những thứ tôi đã nêu ra như vậy, mọi người đánh giá tivi của chúng tôi có thể được ghi xuất xứ Việt Nam hay không?", ông Tam hỏi. 

Cũng theo ông Tam, bản chất công ty đơn thuần là nhập chi tiết của các công ty khác lắp ráp lại, nhưng điều quan trọng là công ty chịu trách nhiệm trực tiếp với người tiêu dùng.

Lắp ráp theo công nghệ Nhật Bản?

Sau khi người đứng đầu Tập đoàn Asanzo cho biết ở sản phẩm tivi của Asanzo, 70% linh kiện được nhập từ Trung Quốc và 30% nhập tại Việt Nam. Sau thông tin này, nhiều người đặt ra thắc mắc, vậy "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" ở đâu?

65090174_2240444092932881_5242512389454168064_n

Ông Tam cho rằng các quy trình lắp ráp, kiểm soát chất lượng đều được thực hiện theo công nghệ Nhật Bản.

Về vấn đề này, ông Tam lý giải: "Chúng tôi có biểu ngữ "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" là vì các quy trình lắp ráp, kiểm soát chất lượng đều được thực hiện theo công nghệ Nhật Bản. Cụ thể, phòng nghiên cứu của chúng tôi là phòng đưa ra quy trình lắp ráp từ công ty Nhật Bản, quy trình để lắp ráp các linh kiện với nhau.

Ở bo mạch, các con chíp được kết nối với nhau theo kỹ thuật Nhật Bản. Việc kiểm soát chất lượng và bảo hành tivi cũng được tư vấn và chuyển giao công nghệ bởi các chuyên gia Nhật Bản. Tất cả quy trình là từ người Nhật và công ty Nhật chuyển giao".

Với những lý giải trên, ông Tam cho rằng sản phẩm mang thương hiệu Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam và công nghệ Nhật Bản là có căn cứ, phù hợp với thông lệ thị trường và không trái pháp luật Việt Nam.

Theo ông Tam, mục tiêu của Tập đoàn Asanzo là đem đến những sản phẩm tivi và máy lạnh có chất lượng và giá cả hợp lý cho người tiêu dùng Việt Nam. Vì vậy, công ty đã sử dụng những linh kiện của Trung Quốc để lắp ráp cho các sản phẩm tivi và máy lạnh tại Việt Nam.

Ngoài ra, công ty còn tập trung vào những giá trị trong hoạt động phân phối, bảo hành và chăm sóc khách hàng phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng Việt.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn