Nghị trường “nóng bỏng” với dự án đường sắt cao tốc

Thời sựThứ Tư, 09/06/2010 08:04:00 +07:00

(VTC News)– "Một số ĐB ví von là dự án ĐSCT này sẽ "đánh thức nàng tiên", nhưng chỉ sợ câu đầu tiên mà nàng tiên lúc mở mắt là: Anh ơi, tiền đâu?"

(VTC News) – Thảo luận tại Quốc hội về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh, các đại biểu vẫn tranh cãi rất quyết liệt, nhiều ý kiến chưa đồng thuận nhưng cũng không ít những ý kiến ủng hộ thực hiện dự án …

Quốc hội dành 1 ngày (8/6) để thảo luận về “siêu dự án” đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh. Buổi thảo luận căng thẳng và sôi nổi…


Đường sắt cao tốc sẽ khiến “các nàng tiên được đánh thức”

ĐB Lương Phan Cừ (Đắk Nông) mở đầu buổi thảo luận với sự nhất trí và tán thành chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc (ĐSCT) Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh (ĐSCT).

ĐBQH Lương Phan Cừ (Ảnh: TTXVN) 

ĐB Cừ cho rằng, việc đầu tư dự án là cần thiết, thậm chí còn chậm vì nước ta đang phát triển, đang nhắm đến mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đến năm 2020. Cùng với đó, giao thông là huyết mạch, phải đi trước một bước. Những bài học về sự chậm trễ, mất thời cơ đã cản trở, gây thiệt hại cho phát triển KTXH, giao thông không theo kịp phát triển, dẫn tới ùn tắc, chắp vá, vừa làm vừa sử dụng, giải phóng mặt bằng quá tốn kém…

Cũng theo ĐB Cừ, kinh tế đang chuyển đổi theo hướng tăng dịch vụ, trong đó chú trọng dịch vụ du lịch, phát huy thế mạnh của bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam hơn 3.000 km với khí hậu ấm áp quanh năm, nhất là khu vực miền Trung với nhiều bãi biển đẹp “như những nàng tiên đang ngủ mà chúng ta chưa đánh thức dậy”.

ĐB Cừnhận định, có ĐSCT chạy qua 20 tỉnh dọc theo đường biển miền Trung, các "nàng tiên" sẽ được đánh thức. Qua đó, tiềm năng du lịch sẽ góp phần phát triển một vùng đất còn nghèo khó và thúc đẩy phát triển ở các vùng trọng điểm KTXH ở hai đầu đất nước.

Dự án ĐSCT cũng góp phần giải quyết việc làm, kích cầu sản xuất xi măng, sắt, thép... và phần lớn xây dựng trên cao nên đảm bảo độ an toàn, ít ảnh hưởng đến sinh hoạt, mất đất sản xuất của nhân dân.

ĐB Lương Phan Cừ đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án ĐSCT Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh tại kỳ họp này để làm cơ sở cho Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm tiến hành các bước tiếp theo.

Cùng chung quan điểm này, ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đề nghị Quốc hội tán thành thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án ĐSCT tại kỳ họp này, đồng thời giao Chính phủ chỉ đạo làm báo cáo khả thi của dự án.

ĐB Cuông lạc quan nhìn nhận, đường sắt nói chung, ĐSCT nói riêng mặc dù xây dựng hạ tầng rất tốn kém, thời gian thu hồi vốn dài, nhưng có nhiều ưu điểm vượt trội phục vụ cả đường ngắn đường dài, vận tải hành khách và hàng hóa đều thuận lợi. Đặc biệt ĐSCT có lợi thế vận chuyển hành khách với khối lượng lớn tốc độ nhanh 300 km/h. Tiêu hao năng lượng thấp, thân thiện với môi trường, độ an toàn cao, độ chuẩn xác về giờ chạy trong mọi thời tiết và hành khách đi lại rất thuận tiện, thoải mái.

“Có ý kiến cho rằng ĐSCT khó cạnh tranh với hàng không, nhất là hàng không giá rẻ. Kinh nghiệm ở nhiều nước có ĐSCT cho thấy sau khi có ĐSCT, lượng hành khách đi máy bay giảm hẳn, nhất là đường bay nội địa cự ly ngắn. Còn ở nước ta, khi ĐSCT ra đời, các sân bay nội địa sẽ có khó cạnh tranh vì thời gian từ nơi ở ra sân bay, thời gian chờ đợi làm thủ tục, thời gian bay, thời gian từ sân bay về nơi cần đến sẽ dài hơn so với đi tàu cao tốc và do tính phiền hà về thủ tục lên máy bay”.

ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) bày tỏ mong muốn sớm có được dự án ĐSCT. Theo ĐB này, phải quyết định chủ trương đầu tư sớm ngay từ bây giờ vì nếu chậm di thì mất thời cơ.

Sao phải chùn bước trước 56 tỷ đôla?

Nhiều ĐB lo ngại về nguồn vốn đầu tư dự án quá lớn, ĐB Nguyễn Ngọc Đào(Hà Nội) cho rằng, việc đầu tư 56 - 60 tỷ đôla là “không bị đánh mất” khi con cháu chúng ta, thế hệ mai sau được hưởng lợi và kinh tế phát triển từ đó. “Tôi cho rằng đây là đầu tư cho sự phát triển, con cháu chúng ta nói lời cảm ơn những người ngồi đây hôm nay đã nghĩ cho tương lai con cháu chúng ta. Tại sao phải chùn bước trước 56 tỷ đôla và lộ trình không phải là ngắn mà dài, thu lợi ở đó không phải là ít mà sẽ là nhiều trong tương lai?” – ĐB Đào nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Bá Thanh (Ảnh: TTXVN) 
Chung quan điểm ủng hộ thực hiện dự án ĐSCT, ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) lên tiếng, hơn 10 năm nữa thì dân số Việt Nam chúng ta đã lên đến hơn 100 triệu dân, chưa kể đến lúc đó đất nước cũng sẽ đón hàng chục triệu du khách quốc tế. Núi cao, biển đẹp, sông dài, ẩm thực phong phú, nền văn hóa lâu đời, nhiều di sản văn hóa thế giới, ở đất nước chúng ta chưa có động đất, chưa có sóng thần, chưa có khủng bố, chắc chắn Việt Nam cũng là điểm đến đầy hấp dẫn của du khách quốc tế.

Theo ĐB Thanh, ĐSCT sẽ thu hồi vốn chậm, nhưng nếu có thì nó sẽ có sức lan tỏa, kích hoạt sự phát triển KTXH nói chung.

“Nói 56 tỷ đô la nhưng ta đâu có bỏ ra cùng một lúc, ta làm từng đoạn và chia ra làm nhiều năm, nhanh hay chậm còn tùy tình hình kinh tế của đất nước. Đầu tư lãng phí, để lại nợ nần là có lỗi với con cháu. Nhưng để một đất nước chậm tiến lạc hậu để hệ thống đường sắt, đường bộ Bắc - Nam rất xập xệ, xuống cấp trong ba bốn chục năm, giao thông đi lại với tốc độ rùa bò, từ Hà Nội đi Thanh Hóa có 150 cây số mà hơn 4 tiếng đồng hồ, mỗi năm 7.000-8.000 người chết và bị thương - đó cũng là có lỗi với thế hệ con cháu mai sau”, ĐB Thanh nhìn nhận.

ĐB này còn dẫn chứng, nếu cách đây 20 năm mà ta tập trung lo cho ngành điện, huy động các nguồn lực trong xã hội để lo cho ngành điện thì giờ đất nước cũng không đến nỗi thiếu điện trầm trọng như thế! Do đó, ĐB Nguyễn Bá Thanh tán thành việc sớm xây dựng ĐSCT.

Cũng đứng về phía các ĐB đồng tình với dự án ĐSCT, ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) bày tỏ sự ủng hộ: “Không phải ủng hộ bình thường mà ủng hộ mạnh mẽ”. Theo ĐB Trừng: “Có ý kiến cho rằng nước ta còn nghèo, không nên vay để phát triển ĐSCT, theo tôi đã là nước nghèo chúng ta phải vay để phát triển chứ không còn cách nào khác”.

Chứng minh, ĐB Trng nêu, dư nợ quốc gia của ta vẫn trong vòng an toàn, hàng năm ta vẫn trả nợ, các tổ chức cho vay tin tưởng nên vẫn tiếp tục cho vay, nghĩa là Việt Nam là… con nợ tốt! Chúng ta phải coi đây là một cơ hội – không bỏ lỡ cơ hội này.

Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: “Bấm nút kỳ này rất lo”

Không lạc quan như những ĐB trên, ĐB Sùng Thị Chư (Yên Bái) cho rằng, đây là dự án rất lớn phải tốn nhiều tiền của, số vốn xây dựng đường sắt chủ yếu đi vay nước ngoài cho nên chúng ta phải "liệu cơm để gắp mắm". “Nếu không đời con cháu mai sau sẽ nai lưng ra để trả nợ - đây là ý kiến của nhiều ĐB Quốc hội và phản ánh suy nghĩ của không ít người dân đến với các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp” – ĐB Chư nói.

ĐBQH Sùng Thị Chư (Ảnh: TTXVN) 

Theo ĐB Chư, cần cân nhắc kỹ dự án này: Tại sao đến nay chỉ có 11 nước trên thế giới làm ĐSCT mà không phải là nhiều nước làm, kể cả một số nước có nền kinh tế khá hơn Việt Nam? Chiều dài của các ĐSCT của các nước đó đa phần từ 95 - 417km, trong khi chiều dài ĐSCT ở Việt Nam là 1.750km?

ĐB Chư vẫn lo ngại về khoản kinh phí khổng lồ chiếm đến 2/3 GDP của Việt Nam, trong khi hiện nay tỷ lệ nợ đọng Chính phủ đã lên tới 42% GDP - “Để mang về một công trình quá đắt và gây gánh nặng cho đời con cháu mai sau sẽ phải trả, trong khi nợ quốc gia đang dần đến tiệm cận sát đến ngưỡng an toàn”.

ĐB này cũng đề nghị Chính phủ nên giải trình thêm những khó khăn để các ĐB biểu Quốc hội có thêm căn cứ và cân nhắc việc có quyết định chủ trương đầu tư dự án này hay không. “Theo tôi việc đầu tư ĐSCT Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh là cần thiết nhưng chưa phải là cấp thiết trong thời điểm này. Tôi đề nghị tại kỳ họp này và cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII chưa nên quyết định chủ trương đầu tư dự án này” – ĐB Chư thẳng thắn.

Trước đó, ĐB Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) cũng đề nghị Quốc hội thảo luận kỹ và thông qua ít nhất tại 2 kỳ họp, thậm chí là tại 2 khóa Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết (Ảnh: TTXVN) 
Không đồng tình với việc thông qua dự án trong thời điểm này, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nêu ý kiến: “Tôi cho đây là một sự đánh tráo khái niệm, đường sắt có ưu thế hơn vậy chúng ta phát triển đường sắt - chúng tôi đồng ý. Đường sắt còn lạc hậu chúng ta phải hiện đại hóa, nhưng đường sắt và ĐSCT là hai khái niệm khác nhau, hiện đại và cao tốc là hai chuyện khác nhau. Chúng tôi cho rằng tất cả những báo cáo này đại biểu phải xem xét hết sức thận trọng”.

Về hiệu quả của dự án, ĐB Thuyết nhận định là… rất thấp. “Cuối cùng, có một số ĐB ví von là dự án ĐSCT này sẽ "đánh thức nàng tiên" - tôi thấy ví von rất lãng mạn, nhưng tôi rất hồi hộp xem câu đầu tiên mà nàng tiên lúc mở mắt ra nói gì? Chắc là sẽ hỏi: Anh ơi, tiền đâu? - Như thế rất nguy hiểm!”. ĐB Thuyết cũng khẳng định: “Chắc chắn tôi không tán thành dự án này”.

Cũng đóng góp ý kiến thẳng thắn cho dự án, ĐB Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam) đánh giá cao dự án này, nhưng lại cho rằng… “Hãy dừng lại dự án này như báo cáo ban đầu để con cháu chúng ta thay mặt chúng ta làm tiếp. Đời chúng ta suy nghĩ cho con cháu thế này là đủ, hãy tập trung mọi nguồn lực để làm cho được mấy việc: Một là trong vòng mươi năm tới giải quyết một cách triệt để vấn nạn giao thông ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, giải quyết bằng được con đường cao tốc Bắc - Nam, thậm chí xây dựng đường trên cao để tránh mùa mưa lũ ở miền Trung, cải tạo đường sắt khổ đôi 1m45 để có thể chạy tới 200 cây số/ giờ - tôi nghĩ đó là món quà rất quý dành cho thế hệ sau”.

ĐB Hà Tuấn Hải (Phú Thọ) cũng đề nghị chưa nên quyết định đầu tư ĐSCT ít nhất là từ nay đến năm 2020, theo đó, dành vốn đầu tư cho giao thông vùng sâu, vùng xa để thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền. Đầu tư giao thông nội thị các thành phố lớn để giải quyết vấn nạn ách tắc giao thông hiện nay.

ĐB Dương Trung Quốc (ĐN) cho rằng, chúng ta chưa vội vàng, còn cần thời gian tranh thủ ý kiến XH, của người dân, tất nhiên chúng ta cần ý kiến cao xa hơn dân nhưng cần phải có sự đồng thuận. “Tôi nghĩ không nên quá vội vàng”.

Kết thúc 1 ngày thảo luận về dự án ĐSCT Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh, ĐB Lê Việt Trường (An Giang) đề nghị nên để Quốc hội kỳ sau xem xét chủ trương đầu tư dự án ĐSCT Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh. ĐB Giang đọc câu thơ bày tỏ: “Rằng hay thì thực là hay. Nhưng mà bấm nút kỳ này rất lo”.

Kết luận ngày thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, Quốc hội sẽ giao Ủy ban TVQH chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổng hợp lại ý kiến, lựa chọn vấn đề để đưa vào Nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp này về chủ trươngđầu tư xây dựng dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh, sau đó sẽ gửi lại các ĐBQH cho ý kiến trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Việc chuẩn bị này, giao Ủy ban TVQH chủ trì cùng đoàn Thư ký và một số cơ quan hữu quan chuẩn bị nội dung thể hiện trong Nghị quyết. Ủy ban TVQH sẽ họp trước 14/6


Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn