Nghỉ thai sản 6 tháng, chồng cũng được... nghỉ sinh

Thời sựThứ Tư, 28/03/2012 09:40:00 +07:00

(VTC News)–Người lao động nữ được nghỉ sinh 6 tháng, trường hợp lao động nữ sau khi sinh con mà bị chết thì chồng được nghỉ để chăm sóc con đủ 6 tháng tuổi...

(VTC News) – Người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sau khi sinh con mà bị chết thì chồng được nghỉ để chăm sóc con đến khi con đủ 6 tháng tuổi…

Đây là một trong nhiều nội dung của Bộ luật lao động (sửa đổi) vừa được UBTVQH thảo luận chiều 27/3. Theo UBTVQH, dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) quy định về thời gian nghỉ thai sản theo 2 phương án, theo đó, phương án 1 quy định người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Trường hợp lao động nữ sau khi sinh con mà bị chết thì chồng được nghỉ để chăm sóc con đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Còn phương án 2 do Chính phủ trình thì quy định người lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường được nghỉ trước và sau khi sinh con là 5 tháng. Người lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm theo chế độ ba ca, làm việc thường xuyên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khăn, vùng dân tộc ít người thuộc danh mục do Chính phủ quy định, người lao động nữ là người khuyết tật được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

UBTVQH  thống nhất với đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng thống nhất phương án 1 nhưng đề nghị trường hợp lao động nữ sau sinh con mà chết thì chồng được nghỉ đến khi con đủ 6 tháng tuổi nhưng cần quy định cụ thể người nuôi con được nhận lương của người mẹ đến khi đứa trẻ được 6 tháng tuổi.

Về ý này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu không đồng tình, theo ông Giàu, chồng được nghỉ khi người vợ mất khi sinh thì cần quy định chặt chẽ cho người trực tiếp nuôi con, bởi “có trường hợp sau 3 tháng người chồng đi lấy vợ khác mà được hưởng lương của vợ là không hợp lý”.

Nghỉ Tết âm lịch 5 ngày

Về thời gian nghỉ lễ, tết, theo dự luật thì tổng thời gian được nghỉ lễ, tết trong năm là 10 ngày, theo đó, nghỉ Tết âm lịch được tăng thêm 1 ngày (từ 4 lên 5 ngày). Cùng với đó, nghỉ Tết Dương lịch 1 ngày, nghỉ 30/4 1 ngày, nghỉ nhân Quốc tế lao động 1 ngày, nghỉ mừng Quốc khánh 1 ngày và nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày.

Với những ngày lễ, tết nêu trên thì người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương. Ngoài ra, đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài ngày nghỉ lễ theo quy định trên còn được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền dân tộc và một ngày Quốc khánh của nước họ.

Về tiền lương và mức lương tối thiểu, UBTVQH đã chỉnh lý theo hướng quy định rõ khái niệm về tiền lương để thống nhất cách hiểu về tiền lương, cơ cấu tiền lương, nguyên tắc cơ bản để trả lương và bắt buộc mức lương trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

Cùng với đó, hướng tới xây dựng một mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và Chính phủ phải điều chỉnh mức lương tối thiểu khi chỉ số giá sinh hoạt thay đổi nhằm bảo vệ người lao động, hài hòa được lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động.

Về làm thêm giờ, có 2 phương án, theo đó, phương án 1 là tổng số không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ tối đa không quá 300 giờ trong một năm; Phương án 2 là tổng số không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ tối đa không quá 360 giờ trong một năm.

UBTVQH tán thành với phương án 1.

Về tuổi nghỉ hưu, UBTVQH thấy rằng, quy định về tuổi nghỉ hưu như dự thảo Bộ luật cơ bản giữ như hiện hành (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) nhưng đã cho phép có thể điều chỉnh đối với nhóm lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo; nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; nhóm lao động làm công tác quản lý để tùy theo điều kiện trong từng giai đoạn, Chính phủ có thể xem xét quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của các nhóm lao động này, tạo điều kiện thực tiễn để xem xét tổng thể tuổi nghỉ hưu trong tương lai.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn