Uống rượu, đòi sờ ngực phụ nữ, kêu gọi chiến tranh với Nga, nghị sĩ Nhật đối mặt sức ép từ chức

Thế giớiThứ Năm, 06/06/2019 14:15:00 +07:00

Nghị sĩ Maruyama sau khi uống hơn 10 ly cognac có những phát ngôn, hành động không đúng tư cách thành viên Quốc hội, dự thảo nghị quyết của Hạ viện Nhật nêu rõ.

Đảng cầm quyền và phe đối lập Nhật Bản ngày 5/6 trình lên Quốc hội Nghị quyết chống lại nghị sĩ đối lập Hodaka Maruyama sau khi chính phủ xác nhận ông này đã đưa ra phát ngôn gây tranh cãi về giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nga khi tham dự một chương trình trao đổi giữa Nga và Nhật hồi tháng 5.

Theo Japan Times, trong chuyến đi đến một trong số các hòn đảo do Nga kiểm soát ngoài khơi Hokkaido, nghị sĩ 35 tuổi – trong tình trạng đã uống nhiều rượu – hỏi người đứng đầu một nhóm cư dân rằng: “Bạn có nghĩ còn biện pháp nào ngoài chiến tranh (để lấy lại các hòn đảo) không?”

nghisinhat

Hodaka Maruyama nói với các phóng viên hồi tháng 5 là sẽ không từ chức. (Ảnh: Kyodo)

Chính phủ Nhật xác nhận Maruyama đã đến nhà của một gia đình người Nga trên đảo Kunashiri, ngoài khơi Hokkaido, hôm 11/5 và uống hơn 10 ly rượu cognac. Sau khi trở về nơi lưu trú của mình, ông này còn nói những lời như là "có phải chỗ đèn neon là quán bar không? Có phụ nữ ở đó không?" và "Tôi muốn sờ ngực". Khi những người khác cố gắng ngăn cản ông này rời khỏi chỗ, ông ta nói "tôi sẽ không bị bắt vì tôi được miễn trừ."

Nghị quyết dự kiến được Hạ viện Nhật thông qua trong hôm nay 6/6. Dù vậy, nghị quyết này không ràng buộc pháp lý nên Maruyama sẽ quyết định có rời khỏi Hạ viện hay không. Theo thư ký lưỡng viện, đây là lần đầu tiên đảng cầm quyền và phe đối lập Nhật Bản ra nghị quyết buộc một nghị sĩ phải quyết định có từ chức hay không.

Nghị quyết nêu rõ những phát biểu của ông Maruyama đi ngược lại Hiến pháp từ bỏ chiến tranh của Nhật Bản, hành vi của ông phản cảm ảnh hưởng đến chương trình trao đổi cũng như gây tổn hại đáng kể đến lợi ích quốc gia. "Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc kết luận rằng (Maruyama) không đủ tư cách là thành viên của Quốc hội", nghị quyết nói.

Trong một cuộc họp của Hạ viện, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chỉ trích phát biểu của ông Maruyama và cho rằng “đó là điều vô cùng đáng tiếc khi phát ngôn đã làm tổn thương sâu sắc những người dân hòn đảo.” Ông khẳng định phát ngôn “hoàn toàn khác với chính sách của chính phủ nhằm tìm đến một giải pháp thông qua đàm phán ngoại giao”.

Maruyama, 3 lần được bầu làm nghị sĩ đại diện cho một khu vực ở tỉnh Osaka, đã nhiều lần nói rằng ông sẽ không từ chức. Ông đã bị trục xuất khỏi đảng Nippon Ishin no Kai. Sau khi các đảng đối lập đệ trình một bản kiến nghị chung vào tháng trước kêu gọi ông từ chức, Maruyama nói với các phóng viên rằng, Quốc hội, nơi cho phép tự do ngôn luận, đã "ký tên vào lệnh tử hình của chính mình" với động thái này.

Các bình luận của Maruyama đã gây tranh cãi khi Nhật Bản đang thảo luận về cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ lâu dài đối với quần đảo, được biết đến ở Nhật Bản là Lãnh thổ phía Bắc và ở Nga là Nam Kurils. Tranh chấp đã ngăn họ ký hiệp ước hòa bình để chính thức kết thúc Thế chiến II. Sau khi phát xít Nhật bại trận năm 1945, Liên Xô giành quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo, nhưng Nhật Bản vẫn luôn khẳng định chủ quyền với 4 đảo cực nam của quần đảo này.

Theo Japan Times, ông Abe, người coi sự trở lại của quần đảo là một trong những ưu tiên hàng đầu, đang tìm kiếm một bước đột phá trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn