Nghị lực thần kỳ của người đàn ông mù

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 13/01/2011 06:03:00 +07:00

(VTC News) - Có thể nói, người đàn ông mù Nguyễn Văn Liên đã thành đạt ở mọi lĩnh vực, hơn hẳn hàng triệu người mắt sáng.

(VTC News) - Có thể nói, người đàn ông mù Nguyễn Văn Liên đã thành đạt ở mọi lĩnh vực, hơn hẳn hàng triệu người mắt sáng.

Kỳ 3: Khát vọng làm giàu cho người mù

Anh Liên quan niệm, cái quan trọng nhất để một con người thành công là nghị lực và đam mê. Khi đã có hai tố chất này, kết hợp với hoàn cảnh nữa, thì làm gì cũng thành công. Và với người mù, thì hai yếu tố nghị lực và đam mê càng phải mạnh mẽ.


Chính vì quan niệm như thế mà anh Nguyễn Văn Liên làm việc gì cũng thành công. Tôi vào phòng riêng của anh, thấy trong tủ chứa đủ các loại bằng khen, giấy khen, huy chương...

Có thể nói, người đàn ông khiếm thị Nguyễn Văn Liên này là người “văn võ toàn tài”. Là một người làm kinh tế giỏi, làm nghề giỏi, thể thao giỏi và làm nghệ thuật cũng giỏi nốt.

Anh Nguyễn Văn Liên - người đàn ông mù có nghị lực thần kỳ. 

Hồi tham gia vào Hội Người mù huyện Ninh Giang, anh chỉ học xoa bóp bấm huyệt độ hơn tháng, đã thành thạo hơn cả thầy dạy. Trong cuộc thi hành nghề xoa bóp bấm huyệt, anh đã vượt lên cả ngàn hội viên trong toàn tỉnh đoạt giải “Bàn tay vàng”.

Nghe anh kể chuyện Hội Người mù huyện Ninh Giang cử đi tham dự giải điền kinh toàn tỉnh mà khâm phục nghị lực phi thường của anh. Trước đó, anh chẳng tham gia sự kiện thể thao gì, cũng chẳng bao giờ tập thể dục. Nhưng Hội biết anh là người có ý chí rất cao nên cử anh tham gia, được giải thì tốt, chẳng được thì thôi.

Thời hạn giải điền kinh cho người khuyết tật toàn tỉnh còn có một tháng, nên ngày đêm anh chạy thục mạng ở sân vận động của xã. Anh cứ nhằm hướng tiếng vợ gọi mà chạy đi chạy lại.

Chỉ tập chạy có một tháng, mà anh đoạt giải nhất, vượt qua cả những hội viên là vận động viên khuyết tật quốc gia. Được giải nhất tỉnh, nên Hội Người mù tỉnh Hải Dương đã cử anh tham gia giải toàn quốc vào tháng sau. Vì thời gian tập luyện quá gấp rút, chỉ có một tháng, nên trong giải Paragame năm 2005 anh chỉ được huy chương đồng. Nếu được tập luyện nhiều hơn, chắc chắn anh sẽ đoạt giải cao hơn.

Chiếc huy chương đồng giải Paragame toàn quốc. 

Những ngày mới bị mù hoàn toàn, không biết làm gì, anh Liên ngồi nghe đài để học hát chèo và dân ca. Chỉ học hát theo đài vào ngày thứ 7 và chủ nhật, mà anh chàng mù này đoạt huy chương bạc toàn quốc trong cuộc thi Tiếng hát từ trái tim 2006.

Vì quá mê chèo, nên hồi làm ông chủ cơ sở mây tre đan, có tiền, anh Liên đã thành lập một đội hát chèo ở xã An Đức quê anh. Ban ngày, anh lo công việc ở cơ sở sản xuất, đêm đi dạy hát cho bác bà, các chị, các em, toàn là nông dân chân lấm tay bùn. Anh tự bỏ tiền thành lập và duy trì hoạt động của đội chèo này.

Đội chèo của anh Liên mù không những nổi tiếng nhất huyện Ninh Giang mà còn cả tỉnh Hải Dương. Hễ trong huyện có dịp liên hoan, lễ lạt gì, không thể thiếu tiết mục của đội chèo gồm các bà, các chị, các anh nông dân. Vào những ngày lễ, ngày tết, đài phát thanh xã, huyện liên tục phát những làn điệu chèo do anh Liên và đội chèo của anh thể hiện.

Qua mấy năm “truyền bá văn hóa hát chèo”, hiện các thôn trong xã An Đức đều đã có đội chèo do anh thành lập, giảng dạy. Không những thế, nhiều xã ở các huyện kế bên như Gia Lộc, Bình Giang, thậm chí cả Phù Cừ (Hưng Yên), cũng mời anh Liên mù đến thành lập đội chèo và dạy hát cho họ.

Giải B cuộc thi Tiếng hát từ trái tim. 

Thi thoảng, cán bộ xã, những người yêu chèo, lại đánh xe sang tận Ninh Giang mời anh đến địa phương giúp đỡ họ. Mỗi chuyến đi lập đội chèo, dạy hát thường kéo dài cả tuần, song không bao giờ anh lấy một đồng tiền công nào. Việc anh bỏ công sức là để thỏa niềm đam mê chèo, muốn phổ biến loại hình nghệ thuật cổ này cho bà con nông dân, chứ không hề vì tiền bạc.

Hiện tại, anh Liên giao công việc kinh doanh nhà nghỉ cho vợ và cô em gái. Vợ quản lý ngôi nhà nghỉ ở xã Hoàng Hanh, em gái quản lý ngôi nhà ở xã Đức Xương, còn anh toàn tâm toàn ý phát triển Hội Người mù huyện Ninh Giang và đi khắp nơi dạy nông dân hát chèo và dân ca.

Tôi hỏi anh Liên: “Anh là người rất chịu khó, sáng tạo, vậy anh có thêm ý tưởng gì để làm giàu trong tương lai nữa không?”. Anh Liên bảo: “Với một người mù như tôi, dựng được cơ ngơi như thế này là đủ rồi. Tôi không có nhiều khát vọng làm giàu cho riêng mình nữa, mà ấp ủ tạo công ăn việc làm cho anh chị em hội viên của mình”.
 

Anh Liên và gia đình hạnh phúc, với người vợ đảm và đàn con ngoan, học giỏi. 

Anh Liên đã thành công trong việc xây dựng các cơ sở tẩm quất, bấm huyệt cao cấp để phục vụ khách hàng nhiều tiền, mang lại lợi nhuận cao hơn. Tại các cơ sở này, ngoài bấm huyệt, khách còn được xông hơi, ngâm các bài thuốc dân tộc. Chính vì thế, các cơ sở tẩm quất người mù của Hội do anh lập ra hút khách rất đông, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho anh chị em khiếm thị trong huyện. Đây là mô hình duy nhất có ở Hội Người mù tỉnh Hải Dương.

Tuy nhiên, tham vọng của anh Liên dành cho Hội còn lớn hơn nhiều. Anh muốn xây dựng một xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ mà công nhân là những người khiếm thị trong Hội. Anh muốn các hội viên có được công việc ổn định, thu nhập cao. Ý tưởng có rồi, nhưng hiện chưa đủ vốn và mặt bằng. Nếu có sự giúp sức của Nhà nước, thì khả năng thành công là rất cao.

Có thể nói, người đàn ông mù Nguyễn Văn Liên đã thành đạt ở mọi lĩnh vực, hơn hẳn hàng triệu người mắt sáng. Anh có một công việc ổn định ở Hội Người mù với mức lương hơn 2 triệu đồng, có hai nhà nghỉ với thu nhập vài chục triệu mỗi tháng, có thời gian để theo đuổi đam mê dạy hát chèo, dân ca, và điều đặc biệt là anh có một gia đình hạnh phúc. Người vợ đảm đang, hết mực thương yêu chồng, 3 đứa con ngoan, học giỏi. Cả 3 cháu đều là học sinh giỏi toàn diện. Riêng cháu lớn, đang học lớp 11 là học sinh giỏi cấp tỉnh.


Đặng Toan

Bình luận
vtcnews.vn