Nghị lực chàng trai da cam chỉ có 1 ngón tay cử động

Sức khỏeThứ Ba, 12/11/2013 06:30:00 +07:00

(VTC News) – Chàng trai da cam Đỗ Hà Cừ dù chỉ di chuyển được 1 ngón tay, nhưng anh đã tự học chữ, làm thơ và lướt web hàng ngày.

(VTC News) – Chàng trai da cam Đỗ Hà Cừ dù chỉ di chuyển được 1 ngón tay, nhưng anh đã tự học chữ, làm thơ và lướt web hàng ngày.


Hơn nửa thế kỷ qua, nhân dân Việt Nam phải gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề của cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ gây ra. Đó là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

da cam
Khó khăn trong sinh hoạt nhưng Đỗ Hà Cừ vẫn tự học chữ, lên mạng. 
Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Rất nhiều gia đình có 3 nạn nhân trở lên; có gia đình cả 15 người con đều là nạn nhân...

Và Đỗ Hà Cừ là 1 trong những nạn nhân da cam ấy. Bố anh, ông Đỗ Ngọc Châu từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị từ năm 1972 đến 1973. Vì ảnh hưởng của chất độc da cam, nên Cừ bị di chứng nặng nề.

Trong căn nhà nhỏ ở phường Quang Trung, TP. Thái Bình, hai ông bà già vẫn thay nhau chăm sóc Cừ. Đáng lẽ, ở tuổi 30, Cừ có thể đi làm, chăm sóc bố mẹ, lấy vợ và có con. Nhưng tiếc thay, 30 năm qua, Cừ chỉ nằm một chỗ. Ai đặt đâu, Cừ ở đấy. Cừ không đi, không ngồi, không di chuyển chân tay trừ 1 ngón tay có thể hoạt động.

Nói chuyện với phóng viên, bà Nguyễn Thị Sơn mẹ Cừ kể: “Năm 30 tuổi, tôi lấy ông nhà tôi. Lúc đó, ông ấy đi bộ đội về và học Đại học Lâm Nghiệp. Sau đó, ông làm ở Bộ Lâm Nghiệp. Nhưng vì Cừ tàn tật nên ông ấy phải chuyển về Thái Bình công tác và làm ở Cục dự trữ nhà nước. Cừ là con lớn, dưới Cừ còn có một đứa nữa năm nay 26 tuổi, may mắn là nó bình thường.

Tôi còn nhớ, lúc sinh ra, Cừ chỉ có 2kg vì thiếu tháng lại vàng da. Đẻ ra, thì cứ cuốn chặt con, có biết đâu con bị liệt. Đến 4 tháng thấy con không cất được cổ, tay chân không hoạt động. Bác sỹ bảo Cừ chậm phát triển. Gia đình đã đưa Cừ đi khám khắp nơi, nhưng bệnh tình không khỏi.

Lúc đó, tôi khóc nhiều lắm, khóc suốt đêm. Và nghĩ không dám sinh thêm nữa.

Cũng có lúc hy vọng sẽ chữa chạy được. Nó đòi chữa nhưng nhiều người bảo không chữa được nên giờ Cừ cũng không đòi đưa đi chữa bệnh nữa”.

Hiện nay, mọi sinh hoạt của Cừ đều do bố, mẹ giúp đỡ. Ăn cũng phải có người đút cho.

Nghe bà Sơn kể về việc nuôi dạy con, mới thấy người đàn bà ấy có một nghị lực phi thường, một sức chịu đựng và tình yêu thương con vô bờ. Trước đó, bà Sơn từng học Đại học Thủy lợi, rồi làm kỹ sư thủy lợi ở Thái Bình.

Bà kể: “Ngày Cừ bé, tôi, bố nó cùng bà ngoại thay nhau chăm sóc. Giờ, tôi về hưu rồi nên có nhiều thời gian chăm con hơn. Vì Cừ tàn tật nên không thể đi học được. Tôi đã suy nghĩ nhiều và quyết tâm dạy Cừ học. Hàng ngày, tôi đọc thơ cho Cừ nghe. Rồi Cừ thuộc từng từ, từng  câu. Sau đó, tôi mới viết từng chữ cái ra bảng dạy cho Cừ. Dạy cho con cũng khó khăn vô cùng vì trí tuệ Cừ  cũng không hoàn toàn bình thường. 6 tuổi mới biết nói”.

Người mẹ ấy đằng đẵng kiên trì dạy con học, dạy con dùng máy tính. Sau đó, Cừ tự mày mò  học thêm.

Cừ tâm sự mà giọng không tròn tiếng: “Từ khi em biết, em đã phải tự hài lòng với bản thân. Cuộc sống hiện tại thì tạm vui vẻ, nhưng tương lai thì mịt mù lắm.  Em không kiếm ra tiền được.  Từ khi em 15 tuổi, em nghĩ mãi, không tìm được cách nào để ra tiền. Em đã thử học tiếng Anh, tiếng Pháp nhưng không học được. Học trước quên sau”.

đầu thu
Công ty VTC Digital phối hợp báo VTC News tặng đầu thu kỹ thuật số VTC cho Cừ. 
Cách đây không lâu, Cừ chủ động gửi thư đến VTC, bức thư viết: “Tôi là người bị liệt toàn thân từ nhỏ nên niềm vui duy nhất của tôi là xem ti vi. Nhưng các kênh truyền hình quảng bá khá đơn điệu nên năm ngoái, bố tôi đã lắp cho tôi truyền hình cáp. Thế nhưng, tôi sắp không được hưởng niềm vui đó nữa rồi vì bố tôi sắp về hưu nên không có đủ tiền để trả thuê bao hàng tháng nữa. Do vậy, tôi rất mong quý công ty, giúp đỡ tôi. Xin cảm ơn”.


Nhận được email này, lãnh đạo công ty VTC Digital cùng báo VTC News đã phối hợp đến tặng và lắp đặt miễn phí đầu thu kỹ thuật số VTC cho Cừ.

Mẹ Cừ kể: “Khi Cừ gửi email, gia đình tôi không biết. Đến khi nhận được phản hồi của quý báo là sẽ đến lắp đầu, Cừ rất phấn khởi”.

Còn Cừ cũng hồ hởi nói: “Em cảm ơn công ty VTC Digital và báo VTC News đã tặng đầu thu cho em. Em không ngờ lại được các anh bên VTC đến lắp sớm như vậy”.

Mẹ Cừ nói, cuộc sống bây giờ của Cừ, bà và chồng có thể lo được nhưng khi ông bà không còn sống, ai sẽ chăm lo cho Cừ. Hiện, mỗi tháng, Cừ được 1,1 triệu đồng tiền trợ  cấp theo chế độ nạn nhân chất độc da cam.

“Tôi chưa dám nghĩ đến ngày mai, yếu nữa thì không biết. Thôi thì, nó đến đâu thì đến. Cừ nó lo mẹ không trông được thì phải vào trại.

Bạn tôi bảo: ‘Tôi mà như bà thì tôi khóc suốt ngày đêm’. Tôi nói: ‘Khóc được 1 tháng, 10 tháng chứ khóc suốt đời thì làm sao nuôi con’. Trời cho mình như thế thì buộc lòng phải cho nó nhẹ nhàng”.

Đấy, người mẹ thương con vô bờ ấy vẫn phải sắt đá để sống với nỗi đau như vậy.

Bài thơ Đỗ Hà Cừ viết tặng mẹ:

MẸ ƠI


Mẹ tôi xuân điểm sáu mươi
Hai mươi chín rưỡi đời người con thơ
Mái đầu tóc bạc lưa thưa
Bàn tay thô ráp sớm trưa vỗ về

Thu đi đông lạnh lẽo về
Bàn tay ứa máu não nề lòng con
Vậy mà mẹ vẫn sắc son
Những khi con ốm cùng con đêm dài

Mồ hôi ướt đẫm tóc mai
Vai mẹ nhỏ bé hao gầy xác xơ
Con xin làm mấy vần thơ
Tặng người nuôi dưỡng giấc mơ tháng ngày
 




Nguyễn Tâm



Bình luận
vtcnews.vn