Nghi án hiệp sĩ chiếm tài sản: Uẩn khúc chưa lời giải

Pháp luậtThứ Năm, 10/10/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Nghi án hiệp sĩ Bình Dương "cưỡng đoạt tài sản" cho đến nay vẫn chưa có hồi kết, các đương sự là những nạn nhân vẫn liên tục kêu oan.

(VTC News) - Nghi án hiệp sĩ Bình Dương "cưỡng đoạt tài sản" cho đến nay vẫn chưa có hồi kết, các đương sự là những nạn nhân vẫn liên tục kêu oan.

» Bị tung ớt bột, hiệp sĩ vẫn tóm gọn 2 tên cướp» Vụ hiệp sĩ bị chém: Người trong cuộc nói gì?» 'Xử' nghi án hiệp sĩ chiếm tài sản: Thiếu thuyết phục

Không hài lòng với kết quả trả lời của lãnh đạo Công an Q.12 (TP.HCM), hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải đã gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng.

Theo đó, ngày 3/10/2013 Đại tá Ngô Kiên - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Bộ Công An đã tiếp nhận đơn khiếu nại của hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải (đơn khiếu nại do Trung tướng Cao Minh Nhạn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phòng chống tội phạm chuyển đến).

Ông Kiên đề nghị Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CA TP.HCM xem xét giải quyết theo thẩm quyền. 

Nội dung đơn khiếu nại, hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải ghi ngày 12/9/2013, đề nghị xem xét sự việc trả lại công bằng cho mình và đồng đội trong Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Thông báo của Cơ quan CSĐT Bộ CA đề nghị CA TP.HCM làm rõ vụ việc hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải khiếu nại. Ảnh: Nguyễn Minh Long 

Hiệp sĩ Hải cho rằng, thay vì mình là người có công trong việc ngăn chặn kịp thời một vụ tống tiền và một vụ lấy trộm phụ kiện xe máy giao cho Công an phường Trung Mỹ Tây (Q.12) nhưng không được tiếp nhận giải quyết mà anh lại bị Công an quận 12 mời làm việc với nội dung "cưỡng đoạt tài sản".

Sau đó một số bài báo đăng tải không rõ ràng khiến hiệp sĩ và đồng đội bị ảnh hưởng uy tín, danh dự nghiêm trọng nhưng không hề có được lời xin lỗi hay đính chính nào.

Liên quan đến vụ việc, cùng một vấn đề nhưng có hai thông báo của hai lãnh đạo công an ký cùng một ngày mà từ hình thức đến nội dung khiến người khác đọc vào lại có cách hiểu khác nhau. 

Hai thông báo cùng ngày 

Trong thông báo kết quả điều tra số 101/TB ký ngày 22/01/2013 gửi đến UBND và công an TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, do Thượng tá Nguyễn Hữu Song - Giám đốc công an quận 12, Thủ trưởng cơ quan CSĐT, ký có kết luận như sau:  

"Căn cứ vào kết quả điều tra thu thập được, nhận thấy Lộc và Hải có dấu hiệu của tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên do Hiệp đang giữ xe ô tô của Lộc nên Lộc phải thực hiện theo yêu cầu của Hiệp bằng cách làm giấy cho Hiệp mượn số tiền 240.000.000 đồng với mục đích lấy lại xe ô tô. 

Khi nhận lại xe ô tô thì Lộc lấy lại số tiền của Lộc đưa cho Hiệp mượn (có giấy mượn tiền là 240 triệu đồng nhưng Lộc chỉ lấy lại có 230 triệu đồng còn 10 triệu đồng Thành lấy lại).

Hiệp chiếm giữ xe ô tô của Lộc mà Dũng thuê mướn để xiết nợ (do Dũng thiếu tiền của Hiệp) là hành vi không phù hợp pháp luật. 

Riêng đối với nhóm hiệp sĩ đường phố phường Phú Hòa, cơ quan CSĐT CA Q.12 nhận thấy đi cùng với Đinh Đắc Lộc ra khỏi địa bàn tỉnh Bình Dương đến Q.12, TP.HCM can thiệp, kiểm tra, chặn bắt Hiệp và Phương (sau đó đưa vào trụ sở công an phường) theo yêu cầu của Lộc là hành vi vượt quá thẩm quyền, vi phạm quy chế hoạt động của câu lạc bộ. 

Công an Q.12 thông báo đến UBND và CA TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương để có biện pháp chấn chỉnh, giáo dục, xử lý đối với nhóm hiệp sĩ nói trên". 

Trong khi đó văn bản thông báo số 100, ngày 22/01/2013, gửi đến các đương sự, cá nhân liên quan và Viện kiểm sát nhân dân Q.12 do Thượng tá Nguyễn Văn Liêm - Phó trưởng CA Q.12, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT, kết luận:  

Hiệp đang chiếm giữ chiếc xe ô tô Innova mà không thuộc quyền sở hữu của mình, không được chủ sở hữu là Đinh Đắc Lộc giao cho quyền quản lý, sử dụng, khai thác là chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, pháp luật nghiêm cấm. 

Nguyễn Văn Hiệp đã có hành vi ép buộc chủ tài sản là Đinh Đắc Lộc phải trả thêm một khoản tiền (dưới danh nghĩa cho vay) để được nhận lại tài sản mà Hiệp đang chiếm giữ trái phép là vi phạm pháp luật.   

Riêng hành vi của Đinh Đắc Lộc, Nguyễn Thanh Hải và nhóm hiệp sĩ câu lạc bộ phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương sẽ được xử lý hành vi theo pháp luật VPHC và thông báo cho cơ quan chủ quản biết”. 

Luật sư Nguyễn Văn Xiển - Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia quận Phú Nhuận, cho rằng dùng cụm từ "hành vi không phù hợp pháp luật" đối với hành vi của ông Hiệp là cách nói khéo, không rõ ràng, nhằm hiểu làm nhẹ tội của ông Hiệp. Theo ngôn ngữ pháp lý thì cụm từ "hành vi không phù hợp pháp luật" dường như không ai dùng đến. 

Theo kết luận điều tra của Thượng tá Nguyễn Văn Liêm ký, thì hành vi vi phạm pháp luật của ông Hiệp đã rõ, thứ nhất tội "chiếm giữ tài sản trái phép của người khác", thứ hai tội "ép bị hại viết giấy mượn nợ để lấy tiền" nhằm lách luật là hành vi "cưỡng đoạt tài sản". Tuy nhiên do ông Lộc sau đó đã lấy lại được tiền và xe nên ông Hiệp may mắn thoát tội hình sự. 

Dấu hiệu của ông Hiệp là hành vi phạm tội chưa đạt nên có thể không khởi tố hình sự nhưng vấn đề vi phạm hành chánh thì ông Hiệp phải bị xử phạt. Thế nhưng, trong cả 3 văn bản hoàn toàn không có ghi dòng nào nói về vấn đề xử phạt đối với ông Hiệp mà chỉ có nói đến việc xử phạt nhóm hiệp sĩ Bình Dương và ông Lộc. 

Cùng một vụ việc nhưng có hai thông báo của hai lãnh đạo công an ký cùng một ngày mà từ hình thức đến nội dung khiến người khác đọc vào lại có cách hiểu khác nhau, PV VTC News nhiều lần liên hệ Ban giám đốc CA Q.12 nhưng tất cả đều báo bận, đang họp. 

Công an bác các yêu cầu bị hại 

Sau khi nhận được quyết định của Thượng tá Nguyễn Văn Liêm, anh Đinh Đắc Lộc đã có đơn gửi đến Thanh tra Bộ Công an phía Nam (V24), Ban giám đốc CA TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương... đề nghị làm rõ 4 vấn đề:

Thứ nhất, trong biên bản kết luận điều tra ghi rằng Lộc ghi giấy nợ dưới hình thức cho Hiệp vay tiền; thứ hai, yêu cầu phía Hiệp phải trả lại 10 triệu đồng còn lại; thứ 3, phụ tùng xe bị "luộc"; thứ tư, đề nghị làm rõ hành vi chiếm giữ tài sản trái phép của Hiệp.

 Trong 1 thông báo mà có quá nhiều lỗi, tẩy xóa số thứ tự (góc trái trên), viết sót tên đương sự và gõ sai tên trong văn bản đánh máy của cơ quan CSĐT CA Q.12. Ảnh: Nguyễn Minh Long

Về phía công an Q.12, sau khi tiếp nhận đơn từ cấp trên giao xuống, đã có buổi làm việc với Lộc. Theo đó, phía công an cử điều tra viên là Thượng tá Nguyễn Văn Hải cùng Võ Chí Hiếu làm rõ đơn thư phản ánh. Điều tra viên cho rằng dùng thuật ngữ "vay" hay "mượn" đều cùng nghĩa với nhau, người miền Nam dùng từ "mượn" còn người miền Bắc dùng từ "vay" nên không có gì phải thắc mắc.  

Thứ hai, số tiền còn lại 10 triệu đồng, công an hỏi Lộc, lúc nhận hai bên trao tiền đưa ở đâu? Anh Lộc trả lời tại quán cà phê Chợt Nhớ, Q.3, TP.HCM. Còn bên công an bảo rằng vậy nếu muốn lấy lại thì đến cơ quan công an quận 3 lấy, chứ không thuộc thẩm quyền công an Q.12. 

Thứ ba, phía công an cho rằng phụ tùng xe bị "luộc" không thể bắt ông Hiệp đền bù được, bởi vì Hiệp nhận xe từ ông Dũng, có thể ông Dũng thay đổi kết cấu, phụ tùng trước đó. Ngược lại, tại sao lúc nhận xe lại từ ông Hiệp, Lộc không ghi nhận tình trạng để khi về nhà một thời gian rồi mới khiếu nại. 

Thứ tư, về làm rõ hành vi ông Hiệp vi phạm hành vi chiếm giữ tài sản trái pháp luật, công an hỏi ông Lộc rằng ông Hiệp chiếm giữ xe của anh Lộc ở đâu, khi nào? Ông Lộc bảo rằng, chiếc xe đó là của mình làm chủ sở hữu có giấy cho thuê xe ông Toản.

Sau đó ông Toản cho ông Dũng thuê, rồi ông Dũng "cấn nợ" cho Hiệp. Mặc dù nhiều lần liên hệ với ông Hiệp và nhờ công an can thiệp nhưng không có kết quả. Phía công an đáp lại, ông Hiệp chiếm giữ tài sản là của ông Dũng nên người khiếu nại chính là ông Dũng chứ không phải Lộc. 

Sau khi kết thúc văn bản phía cơ quan công an ghi có đoạn "đương sự đã được nghe cơ quan CSĐT giải thích và thống nhất nội dung nêu trên", ông Lộc không đồng tình với kết luận nên đề nghị bỏ từ "thống nhất" trong văn bản.

» 'Xử' nghi án hiệp sĩ chiếm tài sản: Thiếu thuyết phục» Uẩn khúc nào sau nghi án hiệp sĩ cưỡng đoạt tài sản?» Trộm dùng súng chống trả hiệp sĩ

Phan Cường

Bình luận
vtcnews.vn