Nghề y và những nguy cơ phơi nhiễm bệnh

Sức khỏeThứ Bảy, 19/09/2015 01:59:00 +07:00

Vừa qua 19 y - bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội giúp bệnh nhân HIV/AIDS hồi sinh nhưng sau vụ việc này, rất nhiều lo ngại đặt ra về tai nạn nghề nghiệp.

Vừa  qua 19 y - bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội giúp bệnh nhân HIV/AIDS hồi sinh nhưng sau vụ việc này, rất nhiều lo ngại đặt ra về tai nạn nghề nghiệp đối với nhân viên y tế.

Có nhiều tình huống bị phơi nhiễm mà cán bộ nhân viên y tế không lường hết được và tác hại thì dẫn đến bất ngờ. Nhân viên y tế thường xuyên phải tiếp xúc với máu và các dịch sinh học của người bệnh.

Do nhịp độ làm việc khẩn trương, căng thẳng và các phơi nhiễm dưới da với máu xảy ra tần suất cao. Bác sĩ ngoại khoa, kỹ thuật viên xét nghiệm, nhân viên làm việc trong ngân hàng máu, phụ mổ, gây mê là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm các vi rút, lây qua đường máu cao hơn các nhân viên y tế khác.

Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết số người người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp phơi nhiễm HIV trên toàn quốc (gồm 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành) năm 2014 cho thấy có 951 người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp, tập trung chủ yếu ở nhóm cán bộ y tế, công an, lao động - thương binh và xã hội, quân đội...
 
Trong số này, có 853 người được khám tư vấn xác định có nguy cơ và được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus (ARV). Trước đó, năm 2013 cũng có 914 người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp với 765 người có nguy cơ và được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV. Điều may mắn là trong số tất cả trường hợp này, không ai bị nhiễm HIV.

Bác sĩ Nguyễn Thành Long giám dốc bệnh viên Nhân Ái nơi điều trị cho nhiều bệnh nhân nhiễm HIV cho biết: Rủi ro thường xảy ra khi cán bộ làm nhiệm vụ chăm sóc và điều trị, xét nghiệm, cho người nhiễm HIV như tiêm chích, phẫu thuật, xét nghiệm máu, đỡ đẻ, nhổ răng, dọn dẹp dụng cụ, làm vệ sinh, vận chuyển rác thải đi xử lý hoặc các chiến sĩ công an trong lúc làm nhiệm vụ bị tội phạm tấn công...

Theo báo cáo của bộ Y Tế Với khoảng 227.000 người nhiễm HIV và tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam cho thấy cán bộ y tế có nguy cơ phơi nhiễm HIV rất cao. PGS-TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết: Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn cán bộ y tế phòng tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền, trong đó có HIV. Dù dự phòng tốt đến đâu nhưng trong môi trường làm việc có nhiều nguy cơ như y tế thì người thầy thuốc luôn phải sẵn sàng cho những tình huống bất ngờ.

Có nhiều tình huống, nhiều trường hợp nhân viên y tế bị phơi nhiễm rất khó tránh vì không thể lường trước được. Một kỹ thuật viên khoa xét nghiệm của BV Bệnh nhiệt đới trung ương từng bị phơi nhiễm HIV khi đưa ống máu của bệnh nhân AIDS vào máy xét nghiệm sinh hóa. Trong quá trình thao tác, nhân viên này để giá đựng huyết thanh va vào thành máy, vỡ ống làm huyết thanh bắn vào mặt và mắt. Trường hợp khác rơi vào một bác sĩ điều trị cai nghiện cho người nghiện ma túy và bị AIDS.

Trong lúc đang tiêm thuốc cắt cơn thì bệnh nhân lên cơn vật thuốc rồi gồng mình, đá chân và gạt tay làm cho xi lanh đang tiêm tĩnh mạch bật trở lại cắm thẳng vào tay của bác sĩ. Dù hiểu được nguy cơ lây nhiễm nhưng phải mất hơn 1 năm sau, nhiều lần xét nghiệm cho kết quả âm tính bác sĩ này mới hoàn hồn vì thoát khỏi tai họa.

Thông thường khi bệnh nhân vào cấp cứu sẽ được tư vấn làm xét nghiệm HIV, có thể vài giờ sau mới có kết quả dương tính hay âm tính. Thậm chí, nhiều bệnh nhân từ chối không làm xét nghiệm này thì nhân viên y tế vẫn phải cấp cứu bình thường. Bất luận bệnh nhân vào cấp cứu có bị nhiễm hay không nhiễm HIV, có hợp tác xét nghiệm hay không thì trong mọi trường hợp đều phải trang bị bảo hộ tối đa, mọi mẫu bệnh phẩm đều phải coi là có nguy cơ lây nhiễm. Đó là y lệnh.

Ngoài phơi nhiễm HIV, nhân viên y tế luôn đối diện với nhiều rủi ro bởi nhiều loại bệnh lây nhiễm khác nhau. Đó là các bệnh lây qua đường máu như viêm gan B và C; bệnh lây qua đường hô hấp: cúm, sởi, quai bị, thủy đậu; bệnh lây qua đường tiếp xúc: bệnh than, Ebola, Herpes, SARS, MERS-CoV…

Thậm chí, có những căn bệnh mới, chưa đánh giá được hết nguy cơ và đường lây truyền trong khi lại rất dễ lây thì vô cùng nguy hiểm và đáng sợ. Bác sĩ Quỳnh Hoa cho biết: Một đồng nghiệp của tôi khi chăm sóc bệnh nhân dại, đúng lúc họ vật vã, nhổ nước bọt bắn vào mắt. Xét nghiệm cho thấy nước bọt của bệnh nhân có rất nhiều virus dại.

Nhân viên này đã phải tiêm phòng dại và theo dõi sức khỏe trong một thời gian dài. Với những tai nạn nghề nghiệp như thế thì không biết đâu mà lần. Chỉ cần không tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch sinh vật, không bị kim tiêm đâm là ổn nhưng với các bệnh lây qua đường hô hấp, việc bảo đảm không hít thở phải mầm bệnh khó khăn hơn.

Khẩu trang y tế không ngăn được tất cả các mầm bệnh, niêm mạc mắt không ngăn được các loại vi rút, vì vậy cần cẩn thận nghiêm ngặt với rác thải y tế.

Theo báo cáo khảo sát của BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, những bệnh lây qua đường máu thì nguy cơ lây phơi viêm gan B là 6%-30% và viêm gan C là 1,8%-3%, cao hơn cả HIV. Khi bị các vật sắc nhọn đâm thì nguy cơ tùy theo vết thương lớn hay nhỏ, tiếp xúc với dịch sinh vật chứa nhiều mầm bệnh hay ít thì nguy cơ có khác nhau.

Chẳng hạn, tiếp xúc với dịch não tủy, dịch màng phổi, màng bụng thì nguy cơ thấp hơn tiếp xúc với máu, dịch rỉ vết thương. Với những bệnh đã có vắc-xin, chúng tôi thường khuyến cáo mọi người, đặc biệt các đối tượng nguy cơ lây nhiễm cao phải đi tiêm phòng. Nhưng viêm gan C và HIV không có vắc-xin nên chỉ có thể bảo vệ mình bằng cách thực hiện chuẩn mực các quy tắc an toàn nghề nghiệp.

Những phiên trực cấp cứu căng thẳng giữa lằn ranh sinh tử của con người, những hiểm nguy rình rập sẵn sàng bung ra của căn bệnh quái ác, của những kẻ thủ ác sẵn sàng tấn công những thầy thuốc chân chính. Trong thời buổi hiện nay do điều kiện sống có nhiều biến đổi phức tạp, gây nên rất nhiều loại bệnh nan y, có nhiều loại vi rút, vi khuẩn bùng phát mà y học chưa ngăn chặn được cũng gây nguy hại cho ngành y tế nhưng đáng lo ngại hơn là phơi nhiễm bệnh từ những người nghiện ma túy bị nhiễm HIV. Nghề y cũng là một nghề nguy hiểm cho nên các thầy thuốc phải cẩn trọng trong mọi tình huống xấu nhất.

Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”

An Phú


Bình luận
vtcnews.vn