Nghe tụng kinh, cụ ông quyết nhịn ăn để theo… tử thần

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 17/09/2014 06:08:00 +07:00

(VTC News) - Ông D. đã ra đi cùng khuôn mặt rất thanh thản sau 15 năm vật vã, đau khổ với bệnh tật.

(VTC News) - Ông D. đã ra đi cùng khuôn mặt rất thanh thản sau 15 năm vật vã, đau khổ với bệnh tật.


Kỳ 5 (Kỳ cuối): Cụ ông nhịn ăn theo... tử thần


Tôi và ông Nguyễn Văn K. (Phật tử của Ban cầu siêu chùa T., Kinh Môn, Hải Dương) đến nhà ông Nguyễn Văn D. (Phú Thứ, Kinh Môn). Con cháu trực hệ của ông đã tụ tập đông đủ.

Ông D. nằm còng queo trên giường, trong một căn phòng nhỏ ở tầng trệt của ngôi nhà 4 tầng khang trang. Chiếc bàn thờ tương đối đơn giản đã được gia chủ chuẩn bị sẵn, với kẹo bánh, hoa quả, 3 chén rượu, 9 ngọn nến, một thẻ hương.

Bàn thờ lập ngay đầu giường, nơi ông Nguyễn Văn D. đang nằm rên rỉ, kêu khóc. Ông K. lấy tấm ảnh Phật Tổ Như Lai đặt lên chỗ trang trọng nhất của bàn thờ.

Trong khi ông K. chuẩn bị mọi việc, thì các Phật tử rải rác đến, tụ tập đông dần ở phòng khách. Đủ cả Phật tử nữ lẫn nam, già lẫn trẻ. Có người đeo tràng hạt, nhìn là biết ăn chay trường, một lòng theo Phật, có người là đàn ông, tướng đạo mạo, không có biểu hiện gì là người mê tín dị đoan, mấy chị mới độ ngoài 30 tuổi, ăn mặc sang trọng, son phấn hợp thời, tóc nhuộm đỏ cháy.

Sư thầy T. chủ trì buổi tụng kinh hộ niệm cho ông D. 

Các Phật tử được gia chủ đón tiếp chu đáo, long trọng. Họ ngồi nói chuyện rì rầm. Tôi dỏng tai nghe thì thấy mọi câu chuyện của họ đều xoay quanh những sự linh ứng kỳ lạ, tức là những người được tụng kinh giải nghiệp đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản.

Một số Phật tử tưởng tôi là con cháu nhà ông D. nên sai vặt lung tung, còn gia đình ông D. lại nghĩ tôi là người của Ban cầu siêu nên tiếp đãi rất chu đáo.

Buổi tụng kinh kỳ lạ

Giờ tụng kinh đã điểm cũng là lúc sư thầy chùa T. có mặt. Các Phật tử cùng gia đình chạy ra đón, ai nấy tay chắp trước ngực, cúi đầu kêu “bạch thầy”. Sư thầy cũng lễ phép chào lại.

Gia chủ vây quanh, sư thầy dặn dò kỹ lưỡng gia chủ rằng, từ sau buổi tụng kinh giải nghiệp, cho đến khi ông D. qua đời, gia chủ không được sát sinh (giết gà, mổ lợn…), ăn chay càng nhiều càng tốt, không thì ít nhất một tuần nên có một bữa ăn chay.

Dặn dò gia chủ xong, sư thầy lấy tấm bùa màu đỏ in những hình thù khó hiểu ra, hỏi họ tên, tuổi cụ thể của ông D., rồi lấy bút lông viết vào tấm bùa bằng chữ Hán.

Trong quá trình sư thầy chuẩn bị, các Phật tử lôi áo nâu sồng mang theo ra mặc, rồi xắp xếp chỗ ngồi. Sư thầy đứng bên ông D. quan sát một lượt, thì thầm vài câu với ông, rồi kéo chiếc ghế nhựa ngồi trước ban thờ mới dựng ngay đầu giường nơi ông D. nằm.

Sư thầy mở tấm bùa đọc rì rầm vài câu, rồi gấp lại, đặt lên bàn thờ. Các Phật tử ngồi dưới chiếu, vây quanh giường ông D., tràn cả ra ngoài phòng khách. Con cháu ngồi hàng sau cùng ở phòng ngoài. Sư thầy phát cho mỗi người một cuốn kinh. Những cuốn kinh đã được gấp trang, để mọi người biết sẽ tụng những bài kinh nào. Đúng lúc đấy, ông D. bỗng khóc rống lên. Tiếng khóc của ông thê lương, nghe thật sợ hãi.

 

Tiếng mõ vang lên, tiếng đọc kinh của sư thầy thánh thót, cùng với tiếng đọc kinh đều đều, vang vọng, lúc trầm, lúc bổng của mấy chục Phật tử. Chỉ có tiếng kinh vang lên giữa thinh không trong trẻo.

Kỳ lạ thay, khi tiếng kinh vang lên, thì ông D. nằm im như pho tượng đặt trên giường, mắt ông lim dim, cặp môi hơi mấp máy. Chẳng rõ có phải ông cũng đang tập trung niệm theo mọi người hay không.

Tôi cũng hòa mình cùng với các Phật tử, giở cuốn Kinh rồi tâm trạng bị cuốn vào Tâm Kinh Bát Nhã Ba-la-mật-đa: “Này ông Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thụ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế.

Này ông Xá Lợi Tử! Tướng không của mọi pháp không sinh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt, cho nên trong chân không, không có sắc, không có thụ, tưởng, hành, thức, không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không có nhãn giới, cho đến không có ý – thức – giới, không có vô – minh, cũng không có cái hết vô – minh, cho cả cái già, chết cũng không có cái hết già, chết không có khổ, tập, diệt, đạo, không có trí – tuệ, cũng không có chứng đắc, vì không chỗ chứng đắc…”.

Càng đọc, tôi càng có cảm giác bị cuốn vào những triết lý vô thường của nhà Phật, rồi thấy mọi thứ như hư không, đầu óc trống rỗng hoàn toàn.

Tâm trí, cảm xúc đang như tan chảy, bỗng tiếng tụng im bặt. Tiếng mõ vang lên cốc cốc. Các Phật tử vái lạy. Lúc này, tôi chợt choàng tỉnh. Sư thầy lấy tập bùa đặt trên bàn thờ bảo tôi đem ra giữa sân, chỗ sạch sẽ để đốt.

Tôi vừa đốt xong những lá bùa và tập giấy vàng thì cũng là lúc cuộc tụng kinh giải nghiệp hoàn thành. Chiếc xe con đỗ ở ngay cổng đã nổ máy, gia đình cùng các Phật tử tiễn chân sư thầy đầy lưu luyến.

Tấm bùa sư T. bảo PV đốt 

Về cõi siêu sinh

Ngay sau ngày tụng kinh giải nghiệp cho ông D., ông K. được phân công việc đi lại với gia đình để xem xét sự chuyển biến của ông D. Mỗi ngày ông K. ngồi bên ông D. độ chục phút, kể những câu chuyện về Phật, rồi truyền những lời răn của nhà Phật đến tai ông D.

Ngay sau buổi tụng kinh giải nghiệp đầy huyến bí ấy, tôi về ngay Hà Nội. Ngày nào tôi cũng điện thoại cho ông K. và người thân trong gia đình ông D. để nắm được tình hình sức khỏe của ông.

Kỳ lạ thay, sau buổi tụng kinh giải nghiệp ấy, ông D. không khóc lóc, gào thét nữa. Bình thường, mỗi khi mỏi lưng, vai, đói, buồn tiểu tiện, hoặc chẳng có lý do gì, ông D. cũng khóc rống lên. Thậm chí, đang đêm, ông cũng gào khóc rất lớn, tiếng khóc nghe ma quái, khiến cả xóm ghê sợ, mất ngủ.

Lạ nhất là việc ông D. từ chối ăn cơm, các món mặn cũng lắc đầu. Trước hôm tụng kinh giải nghiệp, ông có thể nuốt 3-4 bát tô cơm đầy, thậm chí nuốt cả xương gà mà không cần nhai, cũng chẳng biết no là gì.

Nhưng sau buổi tụng kinh giải nghiệp, mỗi bữa ông chỉ húp bát con cháo loãng. Ăn xong, ông lại nhắm nghiền mắt ngủ ngon lành. Ai cũng tin, con ma đói nhập vào hành hạ ông đã bị những tiếng tụng kinh đầy tha lực đuổi đi.

Các Phật tử Ban cầu siêu làm lễ giải nghiệp cho ông D. khi ông đã qua đời 

Một buổi chiều, 15 ngày sau lần chứng kiến buổi tụng kinh giải nghiệp cho ông D. của các Phật tử chùa T., tôi đã nhận được một cuộc điện thoại khiến tôi thấy lạ lùng nhất trong đời làm báo của mình. Ông K. thông báo ông D. đã ra đi cùng khuôn mặt rất thanh thản sau 15 năm vật vã, đau khổ với bệnh tật. Sau 15 năm sống không ra sống, chết không ra chết, giờ ông đã nhẹ nhàng về cõi siêu sinh.

Để chứng kiến tận cùng câu chuyện kỳ lạ này, tôi đã bắt xe về Hải Dương. Trước giờ khâm liệm, các Phật tử chùa T. và sư thầy đã có mặt. Gạt nước mắt thương đau, con cái, họ hàng ngồi khoanh chân hành lễ, cùng đọc kinh tiễn linh hồn ông D. về với Phật. Ngay lúc đó, ông D. đã được coi là con của Phật, đã quy y cửa Phật và có pháp danh hẳn hoi.

Cũng trong đêm ấy, mấy Phật tử được phân công tiếp tục theo xe tang xuống tận Đài hóa thân Hoàn Vũ (Hải Phòng) để trợ niệm cho ông D. lúc hỏa thiêu. Một chút tro cốt tượng trưng đựng trong hũ sành, để sớm mai con cháu, họ hàng, làng xóm đưa ông ra đồng.

Chia tay sư thầy T., sư bảo rằng: “Ông cụ D. đã phải gánh quả ở ngay kiếp này vì hành động sát sinh. Cuối đời, được nghe tiếng kinh kệ, ông đã giác ngộ. Ông đã nhận thức của hành vi sai trái của mình, đã một lòng hướng theo Phật, nên được Đức Phật nâng đỡ, mà siêu thoát nhẹ nhàng. Chúng sinh cần biết quay đầu vào bờ, không lúc nào là muộn cả…”.
Cư sĩ Đồng Văn Thân (chuyên nghiên cứu Phật giáo nguyên thủy): Đức Phật dạy chúng ta: “Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”. Nhiều người mắc trọng bệnh, nằm liệt bê bết hàng chục năm mà không ra đi được, ấy là vì họ vẫn còn bị mê hoặc bởi chân tướng vũ trụ nhân sinh.

Với những người theo Phật, đã ngộ rồi, thì thế giới này rất là khổ, sống ở thế giới này quả thật không có ý nghĩa gì. Đức Phật dạy chúng ta rằng, ngay trong đời này chúng ta phải tu thiện, tu phước, phải tích công đức.

Là con người chúng ta không thể làm công việc sát sinh. Chúng ta làm những việc tốt để làm gì? Để khi lâm chung, chúng ta có được phước báu. Phước báu chính là thần trí sáng suốt, không bị mê hoặc, không điên đảo, mịt mờ.

Nếu không có được thần trí sáng suốt lúc ra đi, thì nhất định sẽ bị đọa vào ba đường ác. Việc thọ thân, chuyển kiếp vào đường nào chính là do ý niệm của người đó trước lúc ra đi.

Đức Khổng Tử nói: “Vật dĩ loài đủ nhân dĩ cũng phân”. Chúng ta có tâm hợp với pháp giới nào thì sẽ tái sinh vào pháp giới đó. Người thích được đến với Phật thì sẽ đến được Phật đường. Đã đi theo Phật thì không có gì phải sợ hãi nữa, cái chết thực sự là một điều hạnh phúc.


Phong Nguyệt
Bình luận
vtcnews.vn