Nghệ thuật từ những ẩn ức chiến tranh

Tổng hợpThứ Sáu, 18/10/2013 02:19:00 +07:00

Có lẽ vì sinh ra và lớn lên ở nơi này, chứng kiến những ẩn ức chiến tranh từ sự kiện rải thảm bom của không quân Mỹ...

Không phải ai xem cũng ngay lập tức hiểu tư tưởng nghệ thuật của Bàng Nhất Linh cũng như cách sắp đặt trong triển lãm "Sinh năm 1983/ Khâm Thiên". Nhưng có lẽ, câu chuyện về những kỷ vật thời chiến trong triển lãm này, tự nó đã nói lên được quá nhiều điều.

Lần thứ nhất tôi đến xem triển lãm của Bàng Nhất Linh, đứng tần ngần giữa sảnh của L’Espace ngắm những kỷ vật nằm im lìm, lạnh lẽo cảm thấy không có mấy cảm xúc. Phần vì ở đó, người đi lại nhiều quá, phần vì lúc ấy không hiểu câu chuyện của từng đồ vật nên tôi chán. Sau này nói chuyện với một họa sĩ đàn anh của Linh, nghe anh phân tích về nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật thị giác, tôi lò dò quay lại. Tôi quay lại vì tò mò với những hiểu biết vụn vặt vừa cóp nhặt được và cũng vì nghĩ rằng mình nên có trách nhiệm, trách nhiệm của một khán giả trước nỗ lực của người nghệ sĩ. 
Và tôi biết mình đã làm đúng.

 

Kỷ vật thời chiến
Bàng Nhất Linh sinh năm 1983 trên con phố Khâm Thiên. Có lẽ vì sinh ra và lớn lên ở nơi này, chứng kiến những ẩn ức chiến tranh từ sự kiện rải thảm bom của không quân Mỹ trong chiến dịch Linebacker II năm 1972 đã ám ảnh những người xung quanh mình mà từ sớm Linh đã quan tâm tới đề tài chiến tranh. Linh kể, ngày xưa nhà ở phố Khâm Thiên thân quen với một nhóm bộ đội, thấy mình thích đề tài này nên có gì người ta cũng kể, thấy những đồ vật từ thời chiến thì mang về cho. Mãi sau này khi viết dự án cá nhân, Linh mới đưa nó vào như phần mở đầu. 
Ngoài các kỷ vật thời chiến, triển lãm còn có văn bản trên tường, một video art và Linh cố tình chọn cách trưng bày như thế tại L’espace để phá tính hàn lâm, đưa triển lãm đến gần với đời sống. Ở đó, một phần tàn tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ lẫn vào nhịp sống hiện đại. Có những người thờ ơ lướt qua nó, có những người tẩn mẩn ngắm nghía nó, lại có những đứa trẻ hiếu kỳ leo lên chiếc bập bênh được làm từ đuôi một chiếc máy bay chiến đấu để nghịch ngợm… Mỗi một khán giả đến xem, đi qua hay tò mò ngó vào đều trở thành một phần của triển lãm.
Linh nói, những kỷ vật chiến tranh này chỉ là một phần của dự án nghệ thuật. Linh đã sưu tầm nó được hơn bảy năm những mãi hai năm gần đây mới có ý định làm triển lãm. Và cá nhân tôi đã thực sự bị hút vào những câu chuyện hấp dẫn của những kỷ vật ấy, những dòng chữ khắc trên thân lọ hoa, cúp lưu niệm, chiếc đĩa, khung ảnh được làm từ vỏ đạn pháo hay từ xác những chiếc máy bay: “Ninh Bình chiến thắng - chiếc thứ 2700”, “Thái Bình chiến công đầu tiên - 1965”, “Kỷ niệm ngày 23 - 2 - Xuân 1969”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Chào xuân thống nhất”, “Việt Nam toàn thắng”…  
Triển lãm của Linh được chia làm hai phần, một phần “Vũ khí” là những kỷ vật được làm từ vũ khí chiến tranh là các vỏ đạn pháo. Phần kia là “Mục tiêu”, tức là xác của những chiếc máy bay Mỹ do quân dân chúng ta bắn rơi. Từ trong bom đạn, sau khi đất nước hòa bình, những tàn tích chiến tranh ấy đã được chính bàn tay của người lính, người dân ta biến đổi lại hình hài, cho nó một linh hồn mới. 

 

Những kỷ vật này khi đến tay Linh cũng mang theo nhiều câu chuyện thú vị. Đa phần, những đồ vật này được tạo tác bởi những người khéo tay trong các đơn vị bộ đội hoặc bà con dân làng. Linh chỉ vào một chiếc lọ trên đó khắc dòng chữ “Thái Bình - Chiến công đầu tiên - 1965” ví dụ: “Có những lọ hoa trông thô xấu vậy nhưng có số phận khá kì lạ. Như chiếc lọ này là của một bác lính cao xạ năm nay đã ngoài 50 tuổi. Năm 1962, lấy vợ được 20 ngày thì bác đi lính. Bẵng đi 3 năm trời biền biệt không được về nhà. Lúc ấy tâm trạng buồn bã, nhớ nhà bèn cưa một vỏ pháo ra làm lọ hoa tặng vợ. Cứ hễ lúc nào rảnh rỗi thì dùng đá và một số đồ trong quân khí ra đập, khắc. Sau khi làm xong nhờ đồng đội về phép mang về cho vợ. Không ngờ vừa gửi xong thì bác có quyết định được về nhà. Bác về nhà đến ba tháng sau, lọ hoa mới về đến tay vợ”.
Những đồ vật làm từ “Mục tiêu” cũng rất độc đáo, chẳng hạn như khung ảnh cưới. Một nhóm pháo binh ở Hà Tây sau khi bắn rơi máy bay thì nhặt mấy mảnh xác về làm kỷ niệm. 15 ngày sau, một trong số người lính ấy cưới và dùng chính mảnh máy bay ấy gò, khắc thành khung ảnh. Một số mảnh khác thì được nung chảy làm thành lọ hoa, cúp lưu niệm tặng cho các đơn vị có công. Trong số ấy, có một chiếc bình hoa được làm từ mảnh xác máy bay thứ 3700 bị bắn rơi, bên trên có dòng chữ “Quân khu thủ đô kính tặng - 3700”. Được biết, đó không phải là chiếc duy nhất, chiếc thứ hai hiện được một người phụ nữ Pháp, Raymonde Dien, người đã dũng cảm xả thân chặn đoàn tàu chở vũ khí sang Việt Nam, cất giữ và trưng bày ở nhà.

Những điều bình dị có thật
Bên cạnh những chiếc bình hoa, chạm khắc đơn giản, thô sơ nhưng nét khắc khỏe khoắn rất đặc trưng của người miền Bắc thì có những chiếc bình được chế tác cầu kỳ, công phu do người miền Nam làm như chiếc bình cô gái ôm con mèo. Người làm chiếc bình này là một người lính Việt Nam Cộng hòa. Ông nhồi cát vào trong vỏ đạn pháo để lấy độ cứng rồi chạm lên đó. Chiếc bình rất điệu với hình khối mềm mại, chi tiết, kỳ công. Lại có những chiếc lược, ca uống nước hay hình cô gái mặc bikini rất đẹp, rất đời thường, rất lính. 

 

Ngắm nhìn những vật dụng giản dị được tạo nên từ vũ khí hủy diệt này, tôi muốn ví nó như những mầm sống nảy sinh từ sự chết chóc hay thi vị nó như một sự tái sinh kì diệu, một sự hoán đổi nhân văn của con người… Nhưng chủ nhân của những kỷ vật này lại khác. Giữ một thái độ điềm tĩnh, bình thản, Linh bảo nghe thế to tát quá, ghê gớm quá, kinh khủng quá. Thật ra cuộc sống luôn giản dị, rất bình thường. Những tính từ bóng bảy kia, e chỉ là một thứ vỏ bọc đường. Thực tế, trong chiến tranh, khi con người bị dồn vào tình huống cùng tận, họ cũng có những cách rất “con người” để vượt qua. 
Thời chiến tranh, bom rơi đạn lạc phá hủy toàn bộ mọi thứ, người ta buộc phải dùng chính những thứ vũ khí đó để tái sử dụng, biến chúng thành đồ vật để dùng, để mà tồn tại. Đơn giản như khi đồng đội hi sinh, muốn tìm thứ gì làm bát hương mà không có thì họ cưa vỏ đạn ra, biến nó thành bát hương, thành lọ hoa cầu siêu thoát cho đồng đội. Hoặc đi xa nhà, nhớ người yêu nơi hậu phương mà chẳng có gì để gửi về thì dùng xác máy bay làm cái lược, cái khung ảnh làm quà. Đơn giản vậy thôi.

 

Quá trình Linh sưu tầm những kỷ vật này theo anh không vất vả như mọi người nghĩ. Với mối quan hệ rộng, công việc lại đòi hỏi đi từ tỉnh này đến tỉnh khác nên cũng thuận lợi cho việc sưu tầm. Khó khăn chủ yếu là khi tìm được thì làm sao để sở hữu được nó mà thôi. Bởi lẽ, nhiều kỷ vật đã gắn bó với chủ nhà nhiều năm, người ta không muốn bán. Những khi như thế, Linh giới thiệu cho họ những gì anh đang làm. Hiểu mục đích, có người đồng ý để anh giữ, có người ban đầu từ chối sau chủ động gọi điện lại. Hiện Linh sở hữu khoảng hơn 100 đồ vật khác nhau. Tất cả được giữ tại nhà riêng. Linh cười bảo, bây giờ nhà riêng của anh sắp biến thành cái kho và sắp không còn chỗ cho những tác phẩm mới nữa.
Trở lại với chuyện tôi quyết định lần nữa quay lại cuộc triển lãm, thật không uổng công bởi từ đó tôi đã có buổi trò chuyện thật lâu với chủ nhân của nó về số phận của những kỷ vật chiến tranh, về triển lãm, về nghệ thuật sắp đặt và thị giác. Đúng là với nghệ sỹ, những đồ vật này chỉ là một phương tiện để biểu đạt cho tư tưởng nghệ thuật của họ. Vì thế, Xem – Ngắm là chưa đủ, phải Đọc nữa. Sự đọc ấy cũng cần thời gian, sự thấu hiểu, tựa như khi người ta đọc một tác phẩm văn học vậy, cũng phải bóc tách từng lớp nghĩa.

Hà Trang
Bình luận
vtcnews.vn