Nghệ sỹ rơi lệ tiếc thương Văn Hiệp

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 09/04/2013 06:28:00 +07:00

(VTC News) - "Cách đây hai ngày, ông vẫn cười tếu táo khi tôi đến thăm rồi hỏi: "Điêu ngoa gian ác đến đấy à?" - Vân Dung và bạn bè NS Văn Hiệp thương tiếc ông.

(VTC News) - "Cách đây hai ngày, ông vẫn nhận ra tôi, cười tếu táo khi tôi đến thăm rồi hỏi: "Điêu ngoa gian ác đến đấy à?" - Vân Dung và các nghệ sỹ thương tiếc danh hài Văn Hiệp.

Nghệ sĩ Vân Dung: "Bố Văn Hiệp của tôi" ga lăng và chân thành

Nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn trìu mến gọi Vân Dung là "Điêu ngoa gian ác" - kiểu tính cách những nhân vật mà Vân Dung hay diễn.  
Sáng nay, bạn bè báo tin bác Văn Hiệp qua đời, biết là phải chuẩn bị sẵn tinh thần cho sự ra đi này của người mà chúng tôi vẫn yêu mến gọi là “bố” sau những tháng ngày bác chống chọi với bệnh tật, nhưng vẫn không giấu được nỗi buồn.

Vừa mới ngày hôm kia tôi còn tới thăm bác. Trước khi vào thăm con trai bác có dặn trước là giờ bố không nhận ra ai nữa đâu.

Vậy mà không ngờ, khi tôi vừa bước chân vào bác đã ngẩng lên rồi nói rõ lắm: "Điêu ngoa gian ác đến đấy à?". Rồi lại nở nụ cười hiền hậu và sảng khoái như khi vừa rít xong một hơi thuốc lào.


Thế là bác vẫn nhớ tôi, vẫn nhớ con “điêu ngoa gian ác” hay gọi bác là “bố”, hay được bác cưng chiều như đứa con gái của mình thật.

Tôi nhìn bác gầy quá mà rưng rưng nước mắt: Bố dậy đi quay với bọn con đi, không được nằm đây nữa, dậy đi quay đi, còn bao nhiêu phim đang chờ bố kia kìa.

Bác chỉ cười bảo tại mày đến làm tao cười mà tao mệt quá. Xong lại nằm xuống, gầy lắm và yếu đi nhiều.

Gia đình phát hiện ra bác bị ung thư phổi hơn nửa năm rồi, nhưng bác thì lạc quan lắm, chẳng bao giờ nói bệnh của mình, lúc nào cũng cười nói cho mọi người an tâm.

Tôi thấy mình may mắn, được cùng bác đóng bao nhiêu tiểu phẩm hài, được cùng đi bao nhiêu chuyến công tác, những kỉ niệm đáng nhớ về người nghệ sĩ già cũng nhiều.

Hình ảnh “bố Văn Hiệp” trong mắt "đứa con gái điêu ngoa gian ác" này là một người rất ga lăng, vui tính và chân thành.

Bác còn hơn cả một người đồng nghiệp, như một người cha hiền từ không bao giờ chấp các con cả, có cái gì cũng nhường nhịn nên chúng tôi hay trêu bác ga lăng như thanh niên vậy.

Lúc nào hút thuốc lào cũng bắt bọn tôi ra ngoài, nói khói thuốc lào độc lắm, chúng mày đi hết ra ngoài đi, không được đứa nào ở đây cả. Tôi thì hay tếu táo: Kệ, con cứ thích ở đây ngửi khói thuốc của bố đấy, khiến bác lại cười xòa trìu mến.

Có những khi đi đóng phim, thậm chí không đủ ghế cho diễn viên ngồi, bác ôm cái điếu cày ngồi luôn xuống đất, bắt bằng được tôi phải ngồi ghế, rồi nói bố ngồi bệt quen rồi, chúng mày ngồi ghế đi không phải nhường bố.

Rồi cứ đứa nào trong đoàn mà đau ốm là gọi điện hỏi thăm ngay, quan tâm như người trong gia đình, giọng nói thì lúc nào cũng thân tình yêu quý.

Tôi nhớ rõ nhất hình ảnh của bác Văn Hiệp cách đây vài năm, khi đóng một cái clip ở trên Nhà hát Lớn. Tôi vào vai người bán báo, bác đóng vai một tay chơi, phải đóng cảnh yêu quý nhau, hai bác cháu đóng vui lắm. Điều hiện lên rõ nhất trong tâm trí tôi là hình ảnh bác chạy nhảy hết sức nhí nhảnh ở quanh trường quay, thấy vui như trẻ thơ vậy.

Cuộc sống thì vất vả, thương yêu các con hết mực, mà cuối đời lại đau đớn rồi ra đi trong bệnh tật.

Cứ nhìn quanh làng hài miền Bắc cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay các nghệ sĩ, có hai cây đa cây đề lớn là bác Văn Hiệp và bác Phạm Bằng, thì giờ một người đi mãi rồi…

Diễn viên - NSƯT Tự Long. 
NSƯT Tự Long: Nhớ một thời Gặp nhau cuối tuần


Những tháng ngày tôi được làm việc nhiều nhất với bác Văn Hiệp là thời gian bắt đầu chương trình Gặp nhau cuối tuần. Có lẽ không chỉ tôi mà tất cả các nghệ sĩ khi ấy đều ấn tượng với “bố Văn Hiệp”, một người đàn ông tốt bụng và cởi mở, luôn hết lòng giúp đỡ người khác.

Cách đây hai ngày, tôi có cùng với Vân Dung và một số người nữa đến chơi với bác, bác cũng hơi lẫn rồi, nói không được tròn vành rõ chữ nhưng vẫn rất tếu táo. Bác còn nói “Bố vẫn còn mấy tiểu phẩm để khi nào khỏe thì đi diễn đấy chúng mày ạ”.

Thế mới biết bác lạc quan tới những ngày tháng cuối đời như thế nào.


Tôi tin rằng, có một thời Gặp nhau cuối tuần ấy và cả những năm tháng sau này, khán giả vẫn luôn nhớ về một trưởng thôn Văn Hiệp đầy trìu mến và thân thương.

Nghệ sĩ Quốc Quân: Hút điếu cày của bác Văn Hiệp

Nghệ sĩ Quốc Quân từng hút thuốc lào với bác Văn Hiệp. 
Phải nói bác Văn Hiệp không chỉ đồng nghiệp, là một người mà chúng tôi vẫn trìu mến gọi là “bố”, mà còn là người thầy mà chúng tôi rất yêu quý nữa.


Tôi học cùng lớp với con trai bác Văn Hiệp, là anh Thắng, thế nên hay sang nhà bác chơi lắm. Hồi đó tôi còn tập tành hút thuốc lào, nên dùng chung điếu cày với bác.

Nhà bác Văn Hiệp có duy nhất một cái bật lửa, nhưng không phải bằng xăng hay bằng gas, mà lại cháy bằng điện, nên thích sang đó lắm.

Tôi với anh Thắng học cùng nhau, anh Thắng ngày nào cũng qua đón tôi đi học. Hồi đó hai anh em hay đi thử vai để đóng phim cùng nhau nữa. Anh Thắng cũng đóng nhiều phim, nhưng sau này không theo nghiệp của bố nữa cũng khá tiếc.

Tôi còn nhớ nhất khi anh Thắng bỏ nhà đi, cái thời tuổi trẻ còn nhiều bồng bột, bác Hiệp sang tìm tôi nhờ đi tìm và khuyên giải anh Thắng trở về, nhìn bác lúc ấy thương lắm… Đến giờ nhớ lại ánh mắt khắc khổ khi ấy vẫn còn thương.

NSƯT Doãn Châu: Tiếc vì Văn Hiệp không được phong tặng danh hiệu gì


NSƯT Doãn Châu, nguyên giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, là người bạn chí cốt gần 60 năm của nghệ sĩ Văn Hiệp. Ông ngậm ngùi nhớ người bạn từ thuở ấu thơ:

Tôi chơi với Văn Hiệp từ năm 1954,  nghĩa là đã cùng nhau đi qua gần 60 năm cuộc đời. Tôi còn nhớ tôi đã viết một bài rất dài về chân dung của Văn Hiệp cách đây chưa lâu, như một cuộc tổng kết cuộc đời người nghệ sĩ hiền từ và nhân hậu ấy.

Sau khi giải phóng Thủ đô, tôi học cùng Văn Hiệp từ hồi lớp 5 cho đến phổ thông. Rồi cả hai tham gia ở ban kịch trường Việt Đức. Ngay từ hồi đó Văn Hiệp đã bộc lộ tư chất hài và tình yêu đối với nghệ thuật.
 

Lên lớp 10 thì hai chúng tôi rủ nhau thi vào trường sân khấu. Đến năm 1964 được phân công về Nhà hát Kịch nói Việt Nam. Tôi và Văn Hiệp đã có một quãng đời dài gắn bó với nhau, trên con đường nghệ thuật, và cả những năm tháng bom đạn ác liệt nơi chiến trường.
văn hiệp
Nghệ sĩ Văn Hiệp ra đi để lại niềm thương nhớ cho người bạn già Doãn Châu. 
Hòa bình lập lại, tôi về Nhà hát Kịch công tác đến năm 1985, sau khi làm xong Bài ca Điện Biên thì Văn Hiệp chuyển công tác sang bộ phận khác rồi về hưu.

Nếu nói về kỉ niệm, thì có lẽ kể trong nhiều tháng, nhiều ngày cũng không hết, chỉ vẽ lên một Văn Hiệp hết lòng hết sức vì nghệ thuật, chịu thương chịu khó nhưng lại thiếu may mắn, thế là đủ.

Gần 40 năm cống hiến cho nghệ thuật, với hàng nghìn vai diễn lớn nhỏ đủ các thể loại, nhưng Văn Hiệp vẫn lận đận đến cuối đời việc được phong tặng danh hiệu NSƯT hay NSND .

Tôi còn nhớ tôi từng lên Bộ Văn hóa đòi danh hiệu cho Văn Hiệp, nhưng hội đồng duyệt đánh giá Văn Hiệp diễn không chuyên nghiệp, nên không phong tặng những danh hiệu cao quý ấy.

Đến tận năm ngoái, khi tôi vẫn còn trong hội đồng xét duyệt, tôi vẫn đấu tranh nhưng Văn Hiệp thì đã chán không còn viết đơn xin xét duyệt nữa.

Văn Hiệp đã chia sẻ với tôi mọi niềm vui, mọi nỗi buồn cả trong công việc và cuộc sống trong suốt gần 60 năm là bạn bè ấy.

Người bạn già đã đi qua một cuộc sống cay đắng vất vả đến những phút cuối cùng của cuộc đời…


Lễ viếng nghệ sĩ Văn Hiệp sẽ được tổ chức vào hồi 10h00 - 11h30 thứ 5 ngày 11/4/2013 tức ngày 02/03 Âm lịch tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng.

NSƯT Lê Chức là người viết điếu văn và đọc điếu văn tại lễ tang của nghệ sĩ Văn Hiệp.

Thuần Vũ

Bình luận
vtcnews.vn