Nghệ sỹ làm tiếng động hơn 2000 tập phim kể chuyện

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 31/05/2013 03:00:00 +07:00

(VTC News) - Ít ai biết được hai cha con nghệ sỹ Minh Tâm - Minh Thu là những "người hùng" lặng thầm phụ trách phần âm thanh tiếng động cho hơn 2000 bộ phim.

(VTC News)  - Ít ai biết được hai cha con nghệ sỹ Minh Tâm - Minh Thu là những "người hùng" lặng thầm phụ trách phần âm thanh tiếng động cho hơn 2000 bộ phim.

Con nối nghiệp cha làm “phù thủy âm thanh”

- Hầu hết những bộ phim của nền điện ảnh Việt Nam từ thời kỳ đầu như Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm…đều do cụ thân sinh, NSƯT Minh Tâm, và cho tới những bộ phim sau này là cả hai bố con Minh Tâm – Minh Thu phụ trách phần âm thanh tiếng động, không biết lý do nào đưa cụ thân sinh và cô đến với nghề khá đặc biệt này?

Cụ thân sinh ra tôi đầu tiên là diễn viên lồng tiếng, sau khi từ một người chiến sỹ Tây Tiến về tiếp quản thủ đô năm 1954. Nhưng sau đó khi xưởng phim truyện Việt Nam cần một người làm tiếng động, thì cụ được phân công phụ trách công việc này.

Lúc đầu không ai dạy, chỉ là cụ tự mày mò thôi, nhưng ngày xưa trang thiết bị âm thanh không hiện đại như bây giờ, âm thanh chỉ mang tính tương đối, vì vậy cụ cứ tự làm tất cả mọi việc.

Từ những điều đơn giản ban đầu ấy, cụ say mê tìm tòi, sau mấy chục năm làm nghề cụ được mệnh danh là “phù thủy âm thanh” hay “ông vua tiếng động”.

tiếng động minh thu
Nghệ sỹ Minh Thu - con gái của ông vua tiếng động Minh Tâm

Khi tôi mới đi làm thì bố không cho theo nghề, cụ nói con gái làm nghề này sẽ rất vất vả. Nhưng năm 1985 khi sang Nga làm một phim Tọa độ chết, cụ thấy tới 4 người phụ nữ tham gia phụ trách phần tiếng động. Từ đó cụ mới xóa bỏ định kiến là con gái không làm được việc này, và bắt đầu cho con gái theo nghề.

Sau này chính mình cũng rất vui khi thấy bố tự hào, vì con gái không những chịu khó học theo nghề mà còn rất sáng tạo nữa.

- Cô theo nghề, vì đam mê hay đơn giản chỉ muốn theo nghề của bố?


Ngày xưa tôi theo nghề vì ngưỡng mộ bố, nhưng sau này còn vì đam mê, vì cuộc sống, vì nhiều lý do lắm.

Lúc đầu tôi chỉ như một người đi học nghề thôi, thấy làm mọi việc đều rất khó. Những âm thanh tôi tạo ra chưa chính xác, bộ phận âm thanh chưa hài lòng. Nhưng càng làm lâu càng thấy say mê, và cứ tiếp tục công việc cho đến tận bây giờ.

- Một nghề khá đặc biệt, lại rất ít người làm, hẳn nhiều người sẽ tò mò không biết thu nhập từ nghề có “đặc biệt” hay cao hơn những ngành nghề khác?


Thu nhập từ nghề hoàn toàn chẳng có gì đặc biệt cả. Ngày trước, để sống được bằng nghề là cả một sự chật vật cố gắng, hiện tại bây giờ thì có đỡ hơn vì số lượng phim được sản xuất ngày càng nhiều.

Tuy nhiên mình phải làm nhiều việc hơn, vất vả hơn, chịu khó hơn thì mới đủ sống.
Xem nghệ sỹ Minh Thu phù phép ra âm thanh, tiếng động:

- Được biết nghề làm âm thanh tiếng động ở Việt Nam hiện không có trường lớp đào tạo, không biết vì lý do gì?

Nghề làm âm thanh tiếng động khá đặc thù. Trước hết cần sự cảm nhận âm thanh tốt, cần năng khiếu, cần lòng say mê tự mày mò tìm tòi. Đòi hỏi thì cao, mà thu nhập cho nghề lại không tương xứng, nên cũng khó để có nhiều người muốn theo đuổi công việc này.

Cách đây khoảng 5, 6 năm cũng có một cuộc hội thảo ở trường Đại học sân khấu điện ảnh, mời bố tôi đến dự với mục đích để bàn về việc mở lớp đào tạo, nhưng vì cụ đã già, năm nay 87 tuổi rồi nên không thể soạn giáo án hay lên giáo trình để dậy được.

Thế nên cuộc hội thảo chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu thôi chứ không đi vào thực hiện.

- Liệu khi trường quay hiện đại có thu âm trực tiếp tiếng động được không, hay không thể bỏ qua người làm âm thanh tiếng động?

Không thu được, bởi mic thu tiếng người ta để bên trên, không để bên dưới, như tiếng bước chân đi chẳng hạn, hoặc tiếng động khi quay toàn cảnh mic sẽ không bắt được hết tiếng, dù có hiện đại đến mấy cũng không bỏ qua khâu làm âm thanh tiếng động được.

Có những âm thanh tưởng chừng rất đơn giản như tiếng bước chân của từng loại dép, từng loại giày, tôi phải lấy đúng loại giày dép đó để tạo nên tiếng động; tiếng kẹt cửa của cửa gỗ khác, cửa nhôm kính khác;...hầu hết phải làm thủ công và thu đúng tiếng động thật để đưa vào bộ phim, chứ không dùng máy móc hỗ trợ.

tiếng động minh thu
Dù công nghệ làm phim có hiện đại đến mấy, cũng không bỏ qua khâu làm âm thanh tiếng động được 
"Người hùng" đứng sau hơn 2000 tập phim


- Nhắc đến NSƯT Minh Tâm, nhiều người còn nhớ cách đây khoảng 13 năm, cụ có viết một bức tâm thư với mong muốn được mở lớp đào tạo người làm âm thanh, nhưng dường như bức thư nhanh chóng rơi vào quên lãng?

Đúng vậy, trước đây và cho đến tận bây giờ vẫn vậy, có những đạo diễn biết tầm quan trọng của nghề thì rất trân trọng, nhưng những người trẻ bây giờ có lẽ không còn quan tâm đến việc tiếng động ấy được làm ra bằng cách nào nữa.

Nói vậy thôi chứ cũng không bắt họ như ngày xưa được, thế hệ trẻ bây giờ rất thông minh, nên có lẽ họ không thích những gì cổ hủ.


tiếng động minh thu
Một nghề đòi hỏi sự tỉ mẩn 
- Sao cô không thử đào tạo, hoặc tìm những người cô cảm thấy ưng ý trong quá trình làm việc cùng?

Tôi đã thử, thấy một số người ưng ý, nhưng vì thù lao không đủ sống nên khó thuyết phục họ theo nghề, hay để đủ sống như tôi hiện nay thì mất tới cả cuộc đời nên người ta không theo đuổi được.

Chính vì vậy nên tôi rất lo, lúc nào đó sẽ không còn ai tiếp tục công việc này nữa. Năm nay tôi 61 tuổi rồi, tôi là phụ nữ, không thể làm việc đến khi 70 tuổi như ông cụ nhà tôi được, đến một lúc nào đó có lẽ cũng phải buông xuôi thôi.

 

Năm nay tôi 61 tuổi rồi, tôi là phụ nữ, không thể làm việc đến khi 70 tuổi như ông cụ nhà tôi được, đến một lúc nào đó có lẽ cũng phải buông xuôi thôi.

 
- Gắn bó với nghề cả cuộc đời, mà đến lúc về hưu vẫn không tìm được người kế cận, hẳn cô buồn?


Buồn chứ, nhưng cũng ít người nhận được sự lo lắng của mình. Tôi cũng từng có đề xuất cho đào tạo, nhưng cũng khó, vì kinh phí không có ai lo cho cả.

- Trong suốt 50 năm làm âm thanh tiếng động, NSƯT Minh Tâm làm đến 2000 tập phim, một con số mà có lẽ ngay cả những người làm tiếng động ở nước ngoài không bao giờ nghĩ tới, có khi nào cô ngồi tổng kết đã làm được bao nhiêu bộ phim trong sự nghiệp của mình?


Tôi thì có lẽ làm nhiều hơn ông cụ nhà tôi, vì trong thời gian ông cụ nhà tôi làm hầu hết là phim nhựa, thời kỳ hưng thịnh nhất của phim nhựa chỉ là 12 – 13 phim một năm. Mãi sau này khi phim truyền hình nở rộ cụ mới làm nhiều.

Còn giờ phim truyền hình mỗi năm có rất nhiều phim, mỗi phim hàng trăm tập. Một ngày làm một tập phim, thậm chí hơn một tập, tiến độ căng thẳng có khi một ngày phải hai tập phim.
tiếng động minh thu
"Mỗi một bộ phim đều để lại những kỷ niệm đáng ghi nhớ trong cuộc đời "

- Trong suốt sự nghiệp làm nghề của mình, cô có những kỉ niệm nào đáng nhớ khi tìm âm thanh tiếng động cho phim?

Cách đây không lâu tôi có làm một bộ phim của Pháp, có đoạn hai con trâu chọi nhau, cần phải là tiếng sừng trâu thật, tôi phải về tận Thường Tín mua một đôi sừng trâu về để làm.

Hoặc ngày xưa lúc làm phim Nhật thực làng Hạ, tôi phải đi lấy đất sét người ta khoan từ dưới tầng sâu của khách sạn Melia bây giờ về làm xới chọi trâu.

Còn nhớ hai năm trước, khi bắt tay vào làm tiếng động cho phim Huyền sử thiên đô, tôi phải trực tiếp đi sắm cả đao, kiếm... Hay những cuộc đập phá trong phim chẳng hạn, sơ sẩy chảy máu do mảnh thủy tinh vương vào là chuyện bình thường.

Có nhiều kỷ niệm đáng nhớ lắm.

Có lẽ phải viết một cuốn từ điển về những âm thanh do mình sáng tạo để mỗi lần dùng chỉ việc mở ra (cười), bởi nó nhiều quá. Nhưng mỗi một chặng đường qua đi, mỗi bộ phim mình làm, đều để lại những kỷ niệm đáng ghi nhớ trong cuộc đời.

Xin cảm ơn NS Minh Thu!

Xem thêm những đạo cụ độc đáo làm âm thanh tiếng động cho phim Việt Nam:

An Yên(thực hiện)

Ảnh: Nhạc Dương
Bình luận
vtcnews.vn