Nghệ sĩ Giang còi: Xem hài Tết mà như xem phim cấp 3

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 23/01/2019 10:57:00 +07:00

"Trong các bộ phim hài Tết, ái tình bị đẩy lên một cách lố bịch, phản cảm khiến nhiều người có cảm giác như đang xem phim cấp 3" - Nghệ sĩ Giang còi chia sẻ.

-  Có nhiều khán giả sau khi xem một số đĩa hài Tết trong những năm gần đây đã phải thốt lên, chẳng khác nào phim khiêu dâm.

Tôi cũng có cảm giác thế. Nếu chụp những hình ảnh trong các phim hài đó rồi đăng lên thì chắc chắn người ta nghĩ đó là tạp chí Playboy.

Trong lý thuyết điện ảnh, có hai thứ hấp dẫn người xem nhất là bạo lực và ái tình. Bạo lực thì các nhà làm phim Việt thường né tránh. Chính vì thế, họ tập trung chủ yếu vào ái tình. Ái tình ở đây không phải tình dục mà đôi khi, đó chỉ là một nụ hôn nhỏ, một chàng trai day dứt chạy theo một bóng hình. Tuy nhiên, nói thật, tôi chưa thấy một nụ hôn nào trên màn ảnh Việt mà đẹp cả.

Trong các bộ phim hài Tết, ái tình bị đẩy lên một cách lố bịch, phản cảm khiến nhiều người có cảm giác như đang xem phim cấp 3.

giangcoi 6

 

- Gần đây, các nhà sản xuất, đạo diễn ngày càng có xu hướng đưa những "hot girl" ăn mặc mát mẻ vào phim. Theo anh, vì sao lại có xu hướng này?

Các nhà sản xuất phim chưa đặt yếu tố nghệ thuật lên hàng đầu, mà coi trọng yếu tố doanh thu. Họ phải chọn những cô gái xinh đẹp, có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội, đôi khi không cần quan tâm tới việc họ diễn xuất như thế nào.

Những cô gái trẻ đẹp thì thèm khát sự "nổi tiếng". Họ làm tất cả để có thể tạo được sự chú ý, kể cả khoe thân nơi công cộng. Người nghệ sĩ có khi làm việc cật lực cả chục năm có khi chả ai biết đến, nhưng một cô gái nào đó tự dưng cởi áo ngoài đường sáng hôm sau có khi lại được cả chục triệu người biết mặt gọi tên. 

 
Khoe thân một cách bừa bãi như trong các phim hài Tết hiện nay các cô gái trở thành trơ trẽn, lố bịch, phản cảm.

Nghệ sĩ Giang còi

So với việc cởi áo ngoài đường, họ cởi áo trong phim hài Tết vừa được khoe thân, vừa được nổi tiếng, lại vừa được tiền, tội gì họ không làm.

Tôi không phê phán các người đẹp. Xinh là niềm mơ ước của tất cả phụ nữ. Được xuất hiện cạnh người đẹp là niềm khao khát của tất cả đàn ông. Tuy nhiên, nếu là diễn viên thì xinh đẹp thôi chưa đủ. Họ phải biết diễn và biết khoe cái đẹp của mình một cách khéo léo, chứ cứ khoe thân một cách bừa bãi như trong các phim hài Tết hiện nay sẽ trở thành trơ trẽn, lố bịch, phản cảm.

- Có người ví, phim hài Tết nhảm nhí, khiêu dâm cũng giống như thực phẩm bẩn. Anh nghĩ sao về sự ví von này?

Tôi nghĩ sự ví von đó có khi còn nhẹ. Thực phẩm bẩn nhiều lúc ăn vào là cơ thể con người đưa ra lời cảnh báo, khiến chúng ta dừng sử dụng ngay.

Còn hài bẩn lại khác. Nó đầu độc thẩm mỹ công chúng, đặc biệt là giới trẻ một cách từ từ, dần dần mà chính họ cũng không nhận ra.  Sự đầu độc thẩm mỹ không gây ra cái chết bất ngờ mà lâu ngày có thể biến con người trở nên lệch lạc.

Những tác phẩm này được đăng lên mạng xã hội. Nó tiếp cận công chúng hàng ngày, hàng giờ, hàng năm và âm thầm quét sạch mọi giá trị về cái đẹp, biến tâm hồn không chỉ một vài người mà hàng chục triệu người, không phải ở một thế hệ mà vài thế hệ trở nên méo mó.

50570696_390424518192606_9158639131583053824_n 4

 

- Theo anh lý do vì sao trong những năm gần đây, hài bẩn lại liên tục nở rộ?

Vì người nghệ sĩ chạy theo lợi nhuận. Họ sẵn sàng làm những tác phẩm cẩu thả, chiều lòng nhà tài trợ, miễn sao phải bỏ ra ít tiền nhất mà thu về được nhiều nhất.

Công chúng là đối tượng bị những phim hài bẩn đầu độc nhưng họ cũng có trách nhiệm không nhỏ trong việc các phim hài Tết bẩn đang nở nộ như hiện nay. Họ quá dễ dãi khi thưởng thức nghệ thuật, dễ xem, dễ cười, dễ hài lòng để mặc cho những thứ giá trị bẩn ăn mòn tâm hồn mình.

Tuy nhiên, gần đây cũng có dấu hiệu đáng mừng khi ngày càng có nhiều người lên tiếng thể hiện sự bức xúc với những bộ phim hài Tết dung tục, phản cảm. 

Tôi nghĩ đó là điều đáng mừng, chứng tỏ nhận thức của khán giả lên rất nhiều. Ngày xưa khán giả "đói', người nghệ sĩ cho họ ăn gì họ ăn nấy, họ chưa cần ăn ngon, mà chỉ cần ăn no thôi. Những tiểu phẩm cợt nhả một tý, cười đùa một tý là họ đón nhận rồi. Bây giờ thì khác, họ yêu cầu người nghệ sĩ có những sản phẩm đạt chất lượng để họ có bữa tiệc về mặt tinh thần tốt hơn.

Những tác phẩm hài không đạt chất lượng lập tức sẽ bị công chúng gán cho những cái tên như "hài nhảm", "hài bựa", "hài bẩn". Những cái tên đấy xuất phát từ chính sự bức xúc của người xem, chứ có phải người trong nghề hay nhà nghiên cứu ngôn ngữ học nào đặt ra đâu.

- Thế còn trách nhiệm của cơ quan quản lý thì sao thưa anh?

Tôi nghĩ, để tình trạng phim hài Tết nở rộ như hiện nay một phần xuất phát từ sự nhu nhược của cơ quan quản lý. Họ không quyết liệt xử lý những tiêu cực.

Tuy nhiên, họ cũng khó can thiệp khi những quy định về pháp luật của chúng ta chưa được chặt chẽ. Hội đồng duyệt phim có những tiêu chí để xét duyệt các tác phẩm phim ảnh nhưng rất khó áp dụng.

50758781_517634718745440_4711885320520466432_n 5

 

Tôi lấy ví dụ đơn giản, chúng ta cấm các nghệ sĩ ăn mặc hở hang khi lên sân khấu nhưng như thế nào là hở hang. Chúng ta có quy định người nghệ sĩ không được mặc váy ngắn bao nhiêu centimet không, hay hở chân bao nhiêu thì đủ, hở ngực bao nhiêu thì vừa mà nếu có thì ai lấy thước mà đo?

Tuy nhiên tôi nghĩ, cùng với sự phát triển của xã hội, những phim hài Tết bẩn như hiện nay sẽ không còn sức sống. Tôi tin, từ các năm sau, các nhà làm phim sẽ cẩn thận hơn khi thực hiện những tác phẩm của mình.

- Trong năm nay, anh có đóng phim hài Tết?

Tôi có tham gia một số bộ phim hài Tết trong vai trò diễn viên và là đạo diễn của 3 bộ phim. Những bộ phim này sẽ đều được phát sóng trên các kênh truyền hình.

Tôi không phải là NSƯT, NSND hay ngôi sao nhưng tôi luôn cố gắng giữ hình ảnh của tôi trước mặt công chúng, từ lời ăn tiếng nói. Khán giả sẽ không bao giờ thấy tôi chửi bậy trên sân khấu, trên phim hay nơi công cộng. Nếu có gì uất ức lắm tôi cũng chỉ dám về nhà, tự chửi và tự nghe thôi (cười).

Có thể tôi chưa đủ tài năng để diễn hay nhưng tôi cố gắng diễn sạch.

Cảm ơn anh về những chia sẻ trên!

Thu Giang
Bình luận
vtcnews.vn