Nghệ nhân trẻ đau đáu ước mơ Việt hóa Origami

Tổng hợpThứ Ba, 30/07/2013 11:31:00 +07:00

Ít ai biết rằng, cách đây gần chục năm, hội chơi Origami đã ra đời, với tên gọi Vietnam Origami Group (VOG)...

Đầu tháng 7, có một nghệ nhân Origami của Việt Nam được tờ báo điện tử Huffington Post của Mỹ vinh danh cùng các tác phẩm đậm chất Việt. Một câu chuyện lạ, vì ở Việt Nam, Origami vốn thường được coi là thú chơi lúc rảnh rỗi của trẻ nhỏ. Trên thế giới, đặc biệt là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ có nhiều nghệ nhân xếp giấy đã có triển lãm riêng và sống được với nghề. Tuy nhiên, ở Việt Nam, bộ môn này còn quá mới mẻ. 
Ít ai biết rằng, cách đây gần chục năm, hội chơi Origami đã ra đời, với tên gọi Vietnam Origami Group (VOG), cứ cuối tuần tập hợp nhau lại để chia sẻ kinh nghiệm, dạy nhau cách gập các mẫu mới. Và rất nhiều người chơi từ niềm đam mê thông thường đã từng bước trở thành nghệ nhân thực thụ. 

 

Khi giấy nói thay tâm hồn 
Nguyễn Hùng Cường, học viên cao học Đại học Bách Khoa chính là người được báo chí Mỹ vinh danh. Anh chàng có vẻ ngoài gầy guộc, khuôn mặt có phần nhút nhát, ít nói. Nhưng khi đôi bàn tay thuôn dài như nghệ sĩ bắt đầu sáng tác, dường như giấy đã nói thay những gì Hùng Cường muốn chia sẻ. Lựa chọn chất liệu giấy dó vốn được sử dụng trên tranh Đông Hồ, Nguyễn Hùng Cường đã tái hiện lại những tác phẩm mang phong cách đồng quê, côn trùng, động vật… Theo Cường giải thích, xơ giấy trên giấy dó dài và có độ bền cao, dễ dàng tạo hình tác phẩm, và dường như cũng thể hiện được cái hồn, sự mộc mạc của những tác phẩm mang phong cách đồng quê. Một chú mục đồng với ống sáo vắt ngang miệng và chú trâu màu nâu đất, đó là tác phẩm ấn tượng mà Hùng Cường đã sáng tác khi muốn nói với thế giới về Việt Nam quê hương mình. 
Để lựa chọn được chất liệu giấy ưng ý này, Hùng Cường đã thử nghiệm qua nhiều chất liệu khác nhau. Việc khám phá nguyên liệu đã giúp Cường nhận ra ưu, nhược điểm của từng loại giấy, từ đó tìm kiếm loại giấy phù hợp nhất với chủ đề, phong cách của mình. Đề tài đồng quê, côn trùng mang hơi hướng vintage cần chất giấy mộc mạc, có tông màu nâu vàng và những đường gân tự nhiên. Loại giấy dó Cường chọn mỏng, mịn kiểu hiện đại, không hoàn toàn giống với chất liệu trên tranh Đông Hồ truyền thống. Việc gấp nếp không dễ, nhưng nhờ xơ giấy dai, tác phẩm có sức sống bền bỉ, khả năng tạo hồn cho khuôn mặt, động tác nhân vật khá dễ dàng. “Khỉ đột” là tác phẩm mà Hùng Cường ưng ý nhất trên chất liệu này. Khuôn mặt của chú khỉ đột mang đậm chất rừng núi, các giác quan trên mặt đều có biểu cảm riêng. Những bắp cơ săn chắc của khỉ cũng hiện lên khá rõ rệt, giúp việc tạo dáng dễ dàng hơn. 

 

Từ những thử nghiệm đầu tiên, Cường đã mạnh dạn gấp nhiều mẫu khác từ giấy dó: cá mập, voi, bọ cạp đuôi rắn, rùa, chim đại bàng, hoa lan... Những hình khối 3D kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, chụp ảnh phù hợp nên tác phẩm đạt tính thẩm mỹ cao. Bên cạnh đó là những tạo hình thú vị trên chất liệu giấy hai mặt hai màu sắc khác nhau. Đó là mặt nạ hề và hình ảnh những chú gấu quý hiếm được thế giới cho vào danh sách bảo tồn. 
Khi gấp giấy, Nguyễn Hùng Cường, chàng trai trẻ sinh năm 1989 lại càng trở nên trầm tư hơn, với sự tập trung cao độ. Với nhiều người, Origami là loại hình giải trí rất hữu hiệu, đặc biệt khi sáng tác một mẫu mới: tự do bay bổng, tự do tìm kiếm một thứ gì đó mang màu sắc của riêng mình. Cậu cũng thú thực, giấy đã nhiều lần nói thay cho tính cách kiệm lời của mình. 

 

Một phong cách Origami đậm màu showbiz 
Khác với phong cách mộc mạc của Nguyễn Hùng Cường, Đào Cương Quyết – một nghệ nhân Origami trẻ khác lại yêu thích những hình ảnh liên quan đến thế giới giải trí. Chàng cựu học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự từng có bộ sưu tập hình gấp giấy chủ đề Michael Jackson và hiện đang theo đuổi các mẫu giấy gấy lấy ý tưởng từ phim bom tấn. Mới đây nhất, mẫu kỵ sĩ bóng đêm lấy cảm hứng từ series phim Người dơi được Quyết ấp ủ từ lâu, thực hiện trong 6 tháng và vừa mới hoàn thành. Tác phẩm với rất nhiều chi tiết phức tạp, được lắp ghép từ nhiều tờ giấy khác nhau, thể hiện tư duy mang tính hệ thống của chàng trai trẻ. 
Vẻ ngoài của Quyết cũng mang hơi hướng hiện đại, áo phông đính kim loại, giày đinh tán, tóc dựng và vuốt keo. Người sao, của hao hao làm vậy. Tác phẩm của Quyết mang tính thời đại rất cao, phù hợp với những bạn trẻ yêu thích âm nhạc, điện ảnh.  

 

Tuổi đời còn trẻ và đều theo học những ngành liên quan đến kỹ thuật, thú chơi tưởng như tốn thời gian này, trên thực tế đã giúp Hùng Cường và Cương Quyết khá nhiều trong cuộc sống. Các cao thủ Origami có phương châm: “Bạn nhìn thấy gì, tôi tưởng tượng được, bạn tưởng tượng gì, tôi gấp được”. Đi qua những ngày đầu mò mẫm, Hùng Cường và Cương Quyết đã có sự bứt phá, trở thành những nghệ nhân tầm cỡ thế giới với các mẫu sáng tác riêng biệt, được vinh danh trong nhiều cuốn sách Origami trong và ngoài nước. Đã qua giai đoạn gập theo trình tự, họ đã tiến tới trình độ nhìn mẫu hoàn chỉnh có thể tưởng tượng ra các bước gấp, thậm chí sáng tác những mẫu của riêng mình. Nhiều mẫu phức tạp lên tới 400 – 500 bước gập, thể hiện hàm lượng chất xám mà các chàng trai trẻ này dành cho niềm say mê của mình. Trồng trọt chờ ngày gặt hái quả ngọt, Cường và Quyết từng giành những ngôi vị cao nhất trong cuộc thi Origami thế giới năm 2009 với chủ đề gấp loài gấu đang bị tuyệt chủng. 

 

Hãy cùng phóng viên Tạp chí Truyền hình số trò chuyện cùng hai cậu bạn trẻ về con đường thành công trong bộ môn nghệ thuật phức tạp này: 

Những năm tháng ấu thơ bắt đầu làm quen với thế giới Origami của bạn đã trôi qua như thế nào? Kỷ niệm về những hình gấp đầu tiên?
Nghệ nhân Nguyễn Hùng Cường: Từ hồi nhỏ, bố mẹ và thầy cô đã hướng dẫn tôi gấp một số mẫu đơn giản như cái mũ, cái thuyền, ếch nhảy, máy bay, hạc giấy. Nhưng phải đến năm 1997, khi được tặng cuốn sách Origami đầu tiên, có nhiều mẫu phức tạp, tôi mới thực sự mê mẩn môn nghệ thuật này. Sau đó, tôi sưu tập sách Origami giống như người ta tìm kiếm ảnh thần tượng, gặp cuốn nào cũng mua bằng được, tập gấp bằng hết. 
Nghệ nhân Đào Cương Quyết: Tôi cũng đam mê Origami từ nhỏ, nhưng rất tiếc là trước đây, sách về Origami ở Việt Nam rất ít. Sở thích này của tôi bị đứt đoạn một thời gian dài, mãi đến năm 2005, CLB Origami Việt Nam chính thức thành lập thì tôi tham gia ngay. Nhờ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhiều bạn khác, khám phá ra khả năng sáng tạo của chính mình, tôi mới thực sự đam mê bộ môn này. 

 

Chắc hẳn nhiều người sẽ tỏ ra sốt ruột khi nhìn các chàng thanh niên như Cường, Quyết dành nhiều giờ trong ngày để gấp giấy. Có bao giờ mọi người nói các bạn đang lãng phí thời gian? 
Nghệ nhân Nguyễn Hùng Cường: Khi gấp Origami, mình rèn được tính kiên trì và tư duy hình học tốt hơn. Nhờ đó, việc học môn toán, đặc biệt là hình học ở trường tiến bộ rõ rệt. Mình rất buồn vì nhiều người chưa coi Origami là một môn nghệ thuật mà chỉ là trò chơi cho vui. Khi mình gấp những mẫu khó, độ phức tạp cao và giàu tính nghệ thuật, hầu hết người xem chưa đánh giá được đúng giá trị của nó. Thật may mắn, khi bắt đầu có những tổ chức, triển lãm nước ngoài công nhận và trưng bày mẫu của mình, giới truyền thông trong nước bắt đầu quan tâm và biết nhiều hơn đến thế giới của những người chơi Origami tại Việt Nam. 

Nghệ nhân Đào Cương Quyết: Origami là bộ môn khác lạ. Chỉ với một tờ giấy, chúng ta có thể tạo ra nhiều mẫu gấp với đa dạng phong cách. Không như vẽ tranh, tạc tượng, Origami sáng tác bằng một tờ giấy, khi sáng tác xong mở ra, vẫn là một tờ giấy. Riêng tôi đôi khi phá cách, tạo ra một tác phẩm phức tạp, mỗi chi tiết là một tờ giấy khác nhau. Thực ra với Origami truyền thống, một tác phẩm dù phức tạp đến đâu, nếu gấp trên một tờ giấy sẽ được đánh giá cao hơn. 
Nhiều người kêu than là sao tôi có thể bỏ ra hàng giờ, hoặc quá nhiều ngày chỉ để gấp giấy? Tôi trả lời, đó là niềm vui. Sau một ngày đi làm căng thẳng, cầm tờ giấy gấp mẫu nào đó thành công, mình cảm thấy rất thoải mái. 
Những người thân và bạn bè của tôi luôn thích những món quà gấp giấy handmade tôi tặng họ vào các dịp kỷ niệm. Đặc biệt là bạn gái tôi, rất thích những bông hồng bằng giấy… 

 

Khả năng sáng tác các mẫu Origami mới quả thực là kỳ diệu và đầy thách thức.Trước đây, tôi chưa từng nghĩ rằng người Việt Nam có thể tư duy được những mẫu phức tạp, độ chi tiết cao đến vậy. Quá trình đó đã đến như thế nào?  
Nghệ nhân Nguyễn Hùng Cường: Quá trình sáng tác mẫu của mình đến khá tự nhiên, không phải quá khó khăn. Khi mình gấp hàng trăm mẫu của các tác giả khác, việc gấp giấy đã thành phản xạ, thì dần dần, trong đầu sẽ có hình dung về trình tự đó. Thông thường, khi dự định sáng tác mẫu mới, tôi định sẵn trong đầu, bộ phận nào sẽ nằm trên vị trí nào của tờ giấy, vẽ ra cái khung cơ bản trước, từ đó mới phát triển lên thành mẫu gấp hoàn chỉnh. 

Việc tạo ra một phong cách riêng có ý nghĩa như thế nào để định hình tên tuổi trong giới Origami? 
Nghệ nhân Đào Cương Quyết: Sáng tạo trên mỗi tác phẩm gắn liền với đam mê và sở thích của mỗi người. Ngay từ khi còn bé, tôi rất đam mê côn trùng và các câu chuyện thần thoại. Vì vậy, khi bắt đầu cầm tay vào giấy gấp, tôi đã lập tức theo đuổi đề tài côn trùng, thần thoại, giả tưởng. Các thành viên khác của CLB, mỗi người một phong cách khác nhau. Tuy nhiên, để tạo ra chất riêng trong từng mẫu thì đòi hỏi một quãng thời gian dài. Làm sao để khi khán giả xem, họ nhận ra ngay phong cách của nghệ sĩ. 

 Việt Nam Origami Group

Trong tương lai, các bạn sẽ tiếp tục với đam mê này để phát triển thành một sự nghiệp, hay chỉ dừng ở một cuộc chơi thời trai trẻ? 
Nghệ nhân Nguyễn Hùng Cường: Tôi thấy mình vẫn còn phải trau dồi thêm, vì để tạo được những mẫu gấp giàu tính nghệ thuật, tính biểu cảm cao thì cần một thời gian dài tích lũy vốn sống. Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục đi theo con đường Origami chuyên nghiệp, cố gắng sáng tác mẫu mới và viết những cuốn sách Origami của riêng mình. Con đường Việt hóa nghệ thuật Origami của chúng tôi vẫn còn rất dài! 

Diệu Ngân
Bình luận
vtcnews.vn