Nghệ nhân Đinh Keo - người giữ hồn chiêng ở đại ngàn Tây Nguyên

Đời sốngThứ Năm, 23/01/2020 06:46:00 +07:00
(VTC News) -

Dân làng Pyang coi già Đinh Keo là sứ giả văn hóa được Yàng cử xuống, bởi già là người "phục hưng" văn hóa cồng chiêng cho làng, đưa phụ nữ vào các đội chiêng vốn chỉ dành cho nam giới để mạch nguồn này không bao giờ mai một.

Phá lệ dạy chiêng cho nữ giới

Những ngày giáp Tết, trời nắng ấm, những đóa mai rừng nở rộ trên lối vào làng Pyang (thị trấn Kông Chro, tỉnh Gia Lai), nơi có nhà sàn đang tỏa khói bếp của nghệ nhân Đinh Keo, người nổi danh ở vùng Đông Trường Sơn với tài đánh chiêng, chỉnh chiêng và hát sử thi.

Già đon đả mời chúng tôi vào nhà nói chuyện - căn nhà sàn đơn sơ treo đầy giấy khen, giấy chứng nhận nghệ nhân ưu tú. Rót chén trà nóng mời khách, già hồi tưởng về những ngày thơ ấu theo chân cha mẹ tham gia các ngày hội làng, hòa mình vào những bài nhạc rừng, vào tiếng chiêng và tiếng hát sử thi. Men say của những đêm chuếnh choáng với nhịp chiêng và rượu cần bên ánh lửa ngấm vào máu chàng thiếu niên rồi trở thành niềm đam mê suốt đời.

Theo đuổi đam mê, cậu bé Đinh Keo đi theo học hỏi những người đánh chiêng trong làng, đến 16 tuổi thành thạo các bài chiêng truyền thống, tự sáng tác những khúc nhạc, bài chiêng mới để biểu diễn tại hội làng.

Nghệ nhân Đinh Keo - người giữ hồn chiêng ở đại ngàn Tây Nguyên - 1

Nghệ nhân Đinh Keo bên dàn chiêng của mình. 

Chỉ tay về phía vách nhà phủ kín những bộ chiêng, già Đinh Keo bộc bạch: “Ta đến với cồng chiêng như một cái duyên. Tiếng chiêng, câu hát, điệu nhảy truyền thống như ngấm vào máu thịt ngay từ ngày thơ ấu. Ta sưu tầm được khoảng 10 bộ chinh, chiêng với nhiều âm thanh khác nhau, có nhiều bộ được gìn giữ hơn 40 năm và ta coi nó như báu vật của mình. Sau này, thấy ít dùng đến nên ta đem tặng cho người thân, học trò, chỉ giữ lại 2 bộ cồng chiêng và 1 bộ chinh thôi”.

Không chỉ nối tiếng vì tài đánh chiêng, già Đinh Keo còn là người thầy dìu dắt nhiều thế hệ trẻ học đánh chiêng, múa xoang và hát sử thi. Người con Tây Nguyên tự nhận là "ít chữ" này nặng lòng với tinh hoa văn hóa đại ngàn, luôn mong các thế hệ sau vẫn lưu truyền văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ở Tây Nguyên, nhiều làng quan niệm đánh chiêng là đặc quyền của con trai vì chỉ họ mới có sức khỏe, khí oai hùng để đại diện cho dân làng tham dự những ngày lễ lớn. Nhưng làng Pyang thì khác, già Đinh Keo dạy chiêng cho cả đàn bà con gái để nét đẹp văn hóa được lưu truyền, nhận rộng từ đời này sang đời khác chứ không bị mai một.

Ngày trước trong làng chỉ có mình già dạy cồng chiêng cho lớp trẻ, sau họ thành thạo rồi thì thay phiên nhau dạy lại cho các lớp sau. Cứ thế, trong làng giờ có rất nhiều người biết đánh chiêng. Làng Pyang có đội chiêng nhí gồm 30 cháu 10-15 tuổi, đội chiêng nữ gồm 30 người dưới 30 tuổi và đội chiêng nam gồm 30 người thuộc mọi độ tuổi. Đặc biệt, hầu hết đàn ông trong làng Pyang đều biết đánh chiêng.

Ngoài đánh chiêng, nghệ nhân Đinh Keo còn phối hợp với Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Kông Chro dạy học sinh múa xoang, tạc tượng gỗ, hát sử thi, đan lát. “Thấy nhiều người dân, già trẻ lớn bé trong làng ai cũng ham học nên ta vui cái bụng lắm. Ta muốn dành hết tâm huyết của mình dạy cho các thế hệ, chỉ mong tiếng cồng chiêng sẽ được vang mãi trong đại ngàn”, già Keo nói.

Sứ giả văn hóa của Yàng

Từ bao đời nay, trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cồng chiêng góp mặt trong mọi sự kiện của cộng đồng. Tiếng cồng chiêng còn là tiếng nói riêng của dân làng với Yàng trong các buổi lễ cúng, là tiếng bi ai, chất chứa nỗi niềm tiễn đưa người quá cố về cõi vĩnh hằng. Bởi vậy, những người gắn bó lâu dài với chiêng như già Đinh Keo luôn được tin yêu, quý trọng.

Già Đinh Keo có tài chỉnh sửa được chiêng cũ, chiêng hỏng, chiêng lạc tiếng để đảm bảo âm thanh chuẩn nhất. Già kể: “Hồi đó, cả huyện Kông Chro không ai biết chỉnh chiêng cả, người dân có chiêng hư, lạc tiếng phải mang đi nơi khác sửa. Thấy vậy, năm 1976, ta quyết định khăn gói về xã Mrơn (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) để học chỉnh chiêng. Sau 2 tuần học, ta đã biết cách chỉnh, bắt đầu mua dụng cụ về và chỉnh cho nhiều người trong làng”.

Nghệ nhân Đinh Keo - người giữ hồn chiêng ở đại ngàn Tây Nguyên - 2

Già Đinh Keo được người dân trong làng coi là sứ giả văn hóa.

Ở huyện Kông Chro có hơn 850 bộ cồng chiêng, khoảng 400 bộ trong số đó từng qua tay già Keo chỉnh âm. Già cũng truyền dạy kỹ thuật cho nhiều người nhưng vì  nghề này khó nên chỉ ông Đinh Glich - người em bà con của già - có thể chỉnh được.

Vừa thực hiện vài thao tác chỉnh chiêng, già vừa lý giải: “Để chỉnh được chiêng, phải có đôi tai thẩm âm thật tốt, hiểu và chơi được nhiều loại chiêng khác nhau. Nhiều người theo học bao năm nhưng rất ít người học thành là vì vậy. Làm cái gì cũng thế, bản thân mình phải hiểu và yêu nó, dành tâm huyết vào đấy thì mới có thể điều chỉnh được”.

Cũng vì tâm huyết đó, dân làng coi già Đinh Keo là sứ giả văn hóa được Yàng cử xuống. Về hưu sau thời gian công tác tại huyện Kông Chro, già được dân tín nhiệm bầu làm già làng.Ở vai trò này, già thường dùng những câu chuyện đời thường hoặc lời tâm tình để giúp dân hiểu và nhớ các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Vì lẽ đó mà đời sống dân làng Pyang ngày một khởi sắc.

Mới đây, già Đinh Keo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian. Đây là sự ghi nhận kịp thời những đóng góp của già, là nguồn động viên to lớn để già Keo tiếp tục vai trò "giữ lửa" cho văn hóa dân tộc.

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, cho biết: “Nghệ nhân Đinh Keo có rất nhiều đóng góp cho nền văn hóa của làng Pyang nói riêng và huyện Kông Chro nói chung. Nhiều năm qua, ông thường xuyên được mời đi tham gia, giao lưu, truyền dạy văn hóa cồng chiêng cho các thế hệ trẻ tại địa phương. Ông cũng là một người hiếm có của huyện khi có cả tài đánh chiêng và chỉnh chiêng”.

 

THANH HẢI - HIỀN MAI
Bình luận
vtcnews.vn