Nghề nào nguy hiểm nhất Việt Nam?

Thời sựThứ Năm, 28/02/2013 11:41:00 +07:00

(VTC News) – Theo thống kê, trong năm 2012, có ít nhất 50 thợ khai thác mỏ, xây dựng thiệt mạng, chiếm đa số trong tổng số người chết vì tai nạn lao động.

(VTC News) – Theo thống kê, trong năm 2012, có ít nhất 50 thợ khai thác mỏ, xây dựng thiệt mạng, chiếm số đông trong tổng số người chết vì tai nạn lao động.

Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa cho hay, trong năm 2012, trên toàn quốc đã xảy ra 6.777 vụ tai nạn lao động làm 6.967 người bị nạn. Trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người là 552 vụ, số người chết 606 người.

Số vụ tai nạn có 2 người bị nạn trở lên là 95 vụ, số người bị thương nặng là 1470 người, nạn nhân là lao động nữa: 1824 người.

Theo báo cáo, 10 địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người nhất là TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng và Bình Thuận.

Riêng tại Hà Nội đã xảy ra 152 vụ làm 37 người chết, 117 người bị nạn, trong đó có 80 người bị thương nặng. Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 1568 vụ khiến 106 người thiệt mạng.

Số liệu thống kê trên cho thấy, so với năm 2011, số vụ tai nạn lao động và số nạn nhân được thống kê trong năm 2012 tăng mạnh.

Đáng chú ý, trong năm 2012 Bạc Liêu vẫn là tỉnh không để xảy ra tai nạn lao động chết người. Đây là năm thứ 4 liên tục tỉnh này không để xảy ra tai nạn chết người.

Theo thống kê, trong năm 2012, có ít nhất 50 thợ khai thác mỏ, xây dựng thiệt mạng, chiếm đa số trong tổng số người chết vì tai nạn lao động. 

Lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn nghiêm trọng trong năm 2012 vẫn là lao động giản đơn trong khai thác mỏ, xây dựng, thợ gia công kim loại, thợ cơ khí, thợ vận hành máy, thiết bị.


Cụ thể, trong năm qua đã có 50 thợ khai thác mỏ, xây dựng thiệt mạng, chiếm 8,25% trên tổng số người chết vì tai nạn lao động. Số lao động giản đơn (trong khai thác mỏ, xây dựng, công nghiệp…) bị thiệt mạng trong năm 2012 là 31 người, chiếm 5,11% trên tổng số người chết vì tai nạn lao động.

Ngoài ra, có 15 thợ vận hành máy, thiết bị sản xuất vật liệu sản xuất và 12 thợ lắp ráp, vận hành máy bị thiệt mạng vì tai nạn lao động trong năm qua. Đó cũng chính là những ngành có nhiều lao động tử nạn nhất năm 2012.

Cũng theo số liệu báo cáo của các địa phương, chi phí do tai nạn lao động xảy ra trong năm 2012 (chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương…) là 82,6 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản là 11 tỷ đồng, tổng số ngày nghỉ (kể cả nghỉ chế độ) do tai nạn lao động là 85.683 ngày.

Trong 552 vụ tai nạn lao động chết người xảy ra trong năm 2012, Bộ lao động – Thương Binh và Xã hội đã nhận được biên bản điều tra của 149 vụ. Trong đó, có 2 trường hợp người sử dụng lao động bị đề nghị truy tố do vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về an toàn lao đọng để xảy ra tai nạn lao động.

Trường hợp thứ nhất: Vụ tai nạn lao động do sập cốt pha xảy ra vào 10h sáng ngày 5/11/2012 làm 2 người chết tại công trình xây dựng Khu nhà ở, dịch vụ thương mại và trường học Nam Đô (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) do công ty cổ phần Vinaconex làm chủ đầu tư.

Trường hợp thứ hai: Vụ tai nạn lao động do điện giật xảy ra vào 15h ngày 25/3/2012 làm 2 người chết tại trạm bơm điện Tổ hợp tác Xuân Mai, ấp 6, Kinh Môn, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp do ông Nguyễn Văn Dẻo làm trưởng trạm.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) không báo cáo tai nạn lao động theo quy định. Trong năm 2012, mới chỉ có 19.311 doanh nghiệp tham gia báo cáo (chiếm 5,1% tổng số doanh nghiệp trên toàn quốc).





Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn