Nghe Mourinho bao biện, HLV Miura có đau lòng không?

Thể thaoChủ Nhật, 18/03/2018 13:54:00 +07:00

HLV Toshiya Miura trở lại Việt Nam làm việc để chứng minh: tất cả định kiến tiêu cực về ông trước đó là hoàn toàn sai lầm.

Cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất trên các diễn đàn bóng đá quốc tế 2 ngày qua là gì? Đó là "di sản bóng đá". Sau thất bại đau đớn tại Champions League cùng Manchester United, Jose Mourinho đã sử dụng định nghĩa "di sản bóng đá" để tự bào chữa cho thất bại của mình.

"Những gì tôi được kế thừa ở MU là thành tích lọt vào trận chung kết Champions League từ năm 2011. Ngay sau đó, MU bị loại ở vòng bảng năm 2012. Bảng đấu năm đó gần giống năm nay, với Benfica, Basel và Otelul Galati. Năm 2013, MU bị loại ở vòng 1/8 trước Real Madrid và tôi chính là HLV của Real năm đó. Năm 2014, MU bị loại ở tứ kết trước Bayern Munich.

skysports-jose-mourinho-premier-league-press-conference-manchester-united_4071207

Jose Mourinho có cơ hội lý giải cho thất bại, nhưng còn Toshiya Miura thì sao?

Năm 2015, MU không được dự cúp châu Âu. Năm 2016, chúng tôi trở lại, bị loại ở vòng bảng, phải xuống chơi ở Europa League và bị loại ở vòng knock-out thứ hai. Năm 2017, tôi giúp họ vô địch Europa League để trở lại Champions League. Năm 2018, MU giành tới 15/18 điểm tối đa ở vòng bảng và bị loại trên sân nhà ở vòng 1/8.

Đó là di sản bóng đá mà tôi nhận được" - Mourinho khẳng định.

Đọc được những dòng này, ông có thấy đau lòng không, Toshiya Miura? Ở thời điểm tiếp quản ghế HLV tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam, "di sản" mà Miura nhận được còn tồi tệ hơn MU của Mourinho nhiều. Nhưng không giống Mourinho, Miura không biện hộ (hay không có quyền biện hộ). Ông chỉ nỗ lực cho đến ngày phải ra đi dù còn mấy tháng nữa mới đáo hạn hợp đồng.

Trước khi Miura đến, tuyển Việt Nam thảm bại ở vòng bảng AFF Cup và vòng bảng SEA Games. U23 Việt Nam không biết mùi dự vòng chung kết châu Á, còn Olympic Việt Nam cũng không có thành tích tốt ở ASIAD.

Miura đến, đưa tuyển Việt Nam lọt vào bán kết AFF Cup, giành huy chương đồng SEA Games. U23 Việt Nam ở kỳ SEA Games 28 ghi được 23 bàn/ 7 trận - thành tích ấn tượng nhất trong lịch sử các kỳ tham dự, đồng thời giành vé dự vòng chung kết U23 châu Á lần đầu tiên. Olympic Việt Nam thắng vang dội 4-1 trước Iran để vượt qua vòng bảng.

miura le thuy hai

Miura phải chung sống với định kiến trong 3 năm ngồi ghế tuyển.

Đen đủi cho Miura, khi thời điểm ông nắm quyền ở tuyển cũng là lúc U19 Việt Nam trở thành hiện tượng truyền thông với lối chơi ngắn, nhỏ, nhuyễn. Thành công của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh khiến một bộ phận người hâm mộ nước nhà muốn các em "chín ép", phải ngay lập tức có mặt trên đội tuyển quốc gia, hoặc đội tuyển quốc gia phải thay đổi để... đá được như các em. 

Gần 3 năm "chèo thuyền" giữa bão tố dư luận, rốt cục Miura cũng không thể xây dựng lối chơi đẹp mắt, nhuần nhuyễn như những gì người xem kỳ vọng. Nhưng ông có công lớn nhất trong việc "khai sáng" cho bóng đá Việt Nam bài học để đời: Không có thể lực, đừng mong chơi được bất cứ thứ bóng đá nào.

Thành công của U19 Việt Nam khiến người xem lầm tưởng chỉ cần đưa nguyên xi một đội hình lên tuyển và tập kỹ - chiến thuật để đá nhuần nhuyễn là xong.

Tuyển Việt Nam của Miura bị chê bai là đá thiếu đầu óc và cậy sức, nhưng nên nhớ, U19 Việt Nam của HLV Hoàng Anh Tuấn và U23 Việt Nam của HLV Park Hang Seo đã đạt được thành công dựa trên nền tảng thể lực sung mãn.

Khi khán giả ngưỡng mộ "không biết tụi nhỏ ăn gì mà khỏe thế", thì tư duy thể lực và các bài tập rèn luyện thể lực đã được ươm mầm và thực hiện dưới thời Miura. Quá trình lột xác về mặt thể lực và lối chơi tối giản (thay vì cứ rập khuôn công thức đá đẹp, đá ngắn) cũng được hình thành dưới sự dẫn dắt của Miura. 

u23-viet-nam-vs-u23-qatar-qatar-khong-hon-iraq-va-du-doan-tao-bao-1

Thành công của U23 Việt Nam được xây dựng trên nền tảng thể lực sung mãn.

HLV Park Hang Seo không nhận công sau chiến tích lịch sử, bởi ông hiểu: 3 tháng cầm quân là quá ngắn để chiến lược gia người Hàn Quốc tạo dựng dấu ấn đậm nét.

Ông thành công, bởi tận dụng rất khéo léo nền tảng của những người tiền nhiệm (ở cả đội trẻ và đội tuyển), đó là vốn kinh nghiệm dồi dào của lứa cầu thủ U23 Việt Nam sau quãng thời gian được HLV Hữu Thắng dùi mài, bản lĩnh can trường của những Quang Hải, Tiến Dũng, Đình Trọng, Đức Chinh,... được HLV Hoàng Anh Tuấn xây dựng, và hiển nhiên, là cả tư duy của Miura.

Trong ngày vui của V-League với sự bùng nổ của hiệu ứng U23 Việt Nam, rất ít người nhớ đến Miura như người lái đò mẫu mực cho thành công trong thuở ban đầu của bóng đá nước nhà. Năm 2014, có một chiến lược gia người Nhật Bản từng đến, tiếp quản một di sản hoang tàn và khi ra đi, ông để lại cho người kế nhiệm những báu vật vô giá.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn