Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Tâm sự xót xa của bác sĩ không cứu người

Sức khỏeThứ Hai, 27/02/2017 07:53:00 +07:00

Có một nghề làm bác sĩ mà ở đó họ chưa bao giờ được cứu người sống mà luôn phải đối mặt với người chết, ăn ngủ cùng với tử thi, họ âm thầm lặng lẽ đem lại công lý cho xã hội.

Chúng tôi đến Trung tâm Pháp y Hà Nội (35 Trần Bình – Cầu Giấy – Hà Nội) đúng vào dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2).

Nơi đây luôn bao trùm một không khí ảm đạm. Không cờ hoa rực rỡ, không nói cười rộn ràng, tất cả đều diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ như chính công việc mà họ vẫn làm hằng ngày.

Trung tâm Pháp y Hà Nội là một đơn vị mới tại Việt Nam, được tách ra từ một khoa của Bệnh viện Xanh-Pôn (Hà Nội). Các y, bác sĩ tại đây đa phần đều được chuyển từ nhiều bộ phận khác nhau đến làm việc.

images785682_1_son

 Bác sĩ pháp y tử thi luôn phải đối mặt với những xác chết giúp cơ quan điều tra hé lộ vụ án. (Ảnh: Báo Gia Lai)

Trải qua bao vất vả về nghề nghiệp, bỏ qua bao mặc cảm, định kiến của xã hội, các y, bác sĩ tại đây vẫn ngày ngày làm tốt công việc của mình, là cán cân pháp lý, đưa ra những kết luận giám định, giúp đỡ cơ quan tố tụng tìm ra sự thật, mang lại sự bình yên cho xã hội.

Tại Trung tâm Pháp y Hà Nội, chỉ có 2 kíp trực để mổ tử thi. Mỗi ngày, các bác sĩ tại đây luôn phải thực hiện giải phẫu cho 3 đến 5 vụ, ở khắp các quận, huyện trong thành phố Hà Nội. Vì thế, công việc luôn bận rộn, những ca trực kéo dài triền miên, thậm chí họ cũng chẳng mấy khi được đón Tết cùng gia đình.  

Trao đổi với PV VTC News, bác sĩ Trịnh Xuân Hà, Trung tâm Pháp y Hà Nội cho biết, không ít lần anh gặp những chuyện dở khóc, dở cười vì nghề mình đang làm.

“Có lần về quê giỗ họ, các cụ trong họ hỏi mình làm gì, mình cũng thật thà đáp “cháu là bác sĩ pháp y”. Thế là tất cả mọi người buông bát đũa xuống. Họ bảo, làm gì không làm lại làm cái nghề đó, ngồi ăn toàn nghĩ đến xác chết, tử thi… Rồi chẳng ai nói với ai câu nào, mọi người đứng lên đi thẳng.

Thậm chí, tại gia đình do mình đi làm nhiều ngày chẳng có thời gian về nhà, nhiều lúc con cái còn chẳng nhận ra bố ấy. Vợ con cũng chẳng sung sướng gì khi mình theo đuổi công việc này. Bởi trong sâu thẳm suy nghĩ chưa ai bỏ được định kiến xã hội về pháp y. Những lúc như thế, mình thấy rất tủi thân.

Bạn bè khi xưa học chung trường, họ làm ở bệnh viện nọ, Sở Y tế kia, họ luôn tự hào giới thiệu với bạn bè và gia đình về điều đó. Còn bản thân mình thì chẳng dám nói gì cả, bởi một phần cũng do công việc rất rùng rợn, chẳng dễ dàng gì để chia sẻ. Niềm hãnh diện khi xưa học ngành y bao nhiêu thì nay lại muốn giấu kín bấy nhiêu”, bác sĩ Hà tâm sự.

IMG_20170227_071517

 Bữa tối vội vàng của các bác sĩ pháp y trước khi lên đường làm nhiệm vụ. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo B.S Hà, những đêm đi làm về, phải đợi thật khuya khi vợ con đi ngủ rồi, anh mới dám lật từng tấm ảnh của tử thi ra xem xét để làm kết luận giám định.

Bởi anh luôn sợ những hình ảnh đó ám ảnh vào đầu con trẻ thì chẳng bao giờ xóa được. Rồi những đêm nằm nghĩ lại, nhiều lần máu bám đầy quần áo khi phải tạo hình cho những nạn nhân chết không toàn vẹn. Từ bao giờ, những hình ảnh đó cứ theo anh mãi. Thậm chí, những nỗi ám ảnh đó chẳng bao giờ nguôi, chúng luôn hiện lên trong cả đời sống, bữa cơm, thậm chí cả giấc ngủ. 

unnamed

 Các bác sĩ tại Trung tâm Pháp y Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Ngày nay, xã hội thường mặc cảm với pháp y, nói đến họ là nghĩ đến nghề mổ xác, nên tất cả các tổ chức giám định pháp y trên toàn quốc đều lâm vào tình trạng thiếu người, trong khi các trường đại học y thì không có khoa đào tạo chuyên ngành riêng, sinh viên ra trường từ chối làm pháp y, bác sĩ được điều động sang cũng tìm mọi cách bỏ đi, số các bác sĩ muốn vào công tác trong pháp y hầu như không có, những người làm lâu lại muốn bỏ nghề. 

Thêm vào đó, hiện nay, ngành y tế có quy định rõ ràng về vấn đề bảo vệ môi trường cho các cơ sở y tế, nhưng pháp y thì lại chưa có quy định tương tự, giám định pháp y vẫn luôn luôn gắn với cụm từ "con nuôi" của ngành y tế nên chưa được quan tâm đúng mực.

Trao đổi về vấn đề này, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y Hà Nội cho biết, nhiều năm qua mặc dù cơ quan treo biển tuyển dụng, luôn sẵn sàng đón những bác sĩ trẻ về làm việc nhưng chẳng ai dám tham gia.

“Nhiều năm qua, Trung tâm luôn sẵn sàng tuyển dụng đón các y, bác sĩ mới vào nhưng ngặt nỗi chẳng ai nộp hồ sơ vào đây. Lần trước có mấy bác sĩ, y tá trẻ mới ra trường còn hăng hái lắm, xung phong xin vào đây nhưng được đúng vài ngày, họ xin đi không một lời từ biệt

20170224_154128

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y Hà Nội chia sẻ về những khó khăn của nghề pháp y. (Ảnh: Tiến Phòng).

Một phần do tính chất công việc vất vả, nguy hiểm, suốt ngày phải đối mặt với tử thi, xác chết nên những bác sĩ trẻ sẽ ám ảnh. Thêm nữa, nếu như các bác sĩ thông thường có thể mở phòng khám, làm việc ngoài giờ tăng thu nhập, nghề bác sĩ pháp y thì chẳng làm gì được cả. Cùng mất thời gian đào tạo như nhau nên các bác sĩ trẻ họ luôn quay lưng với ngành này”, B.S Yến chia sẻ.

Theo tìm hiểu, ngoài hoạt động đặc trưng của giám định pháp y là khám nghiệm tử thi, mổ xác nhưng ngoài công việc đó, tại Trung tâm Pháp y Hà Nội còn có những công việc như giám định thương tích trên người sống, giám định sức khỏe, giám định AND, độc chất. Tất cả những việc làm ấy đều giúp ích rất nhiều cho các cơ quan tố tụng trong việc giải quyết những vụ án.

Tuy khó khăn vất vả nhưng những y, bác sĩ tại đây đều có một lòng tin, một khi đã chọn theo ngành này thì ai cũng chấp nhận hi sinh cả.

Các bác sĩ thông thường làm việc để cứu sống bệnh nhân, còn những con người thầm lặng lại làm việc để tìm ra nguyên nhân cái chết, tìm ra những uẩn khúc xung quanh, nói lên điều mà nạn nhân muốn nói sau cuối nhưng không có cơ hội.

Video: Khai quật tử thi, truy tìm kẻ giết người trong đêm siêu bão

Tiến Phòng
Bình luận
vtcnews.vn