Ngày Tết vào rừng Xuân Sơn ăn lợn thả rông

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 04/02/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Khi lợn bố và lợn mẹ đẻ, họ tìm đến ổ bắt lợn con, dùng gai bồ kết rạch xước da rồi xát muối vào người chúng, để chúng không đi xa.

(VTC News) - Ngày giáp Tết, thầy thuốc, thợ săn nổi tiếng một thời Đặng Văn Hồng chạy ra tận Việt Trì mời tôi cùng mấy anh bạn vào rừng Xuân Sơn thưởng thức món lợn cực ngon như đã hứa từ mấy tháng trước. Đông sắp tàn, xuân đã về, núi rừng nở hoa, chim kêu vượn hót líu lo, mà ngồi giữa rừng hoang thưởng thức món lợn ri sống hoang đã trong rừng, trên núi đá vôi thì còn gì ngon bằng.

Cõng lợn uống chợ.

Bến Thân là bản có 100% người Dao, thuộc xã Đồng Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ). Theo cụ Đặng Văn Ón, 80 tuổi, thì xưa kia, thung lũng có con suối Thân chảy qua là rừng hoang, chỉ toàn khỉ vượn, hổ báo. Cách đây 50 – 60 năm gì đó, cụ Ón cùng mấy chục người cuốc bộ vượt mấy dãy núi từ Sơn La về phát rừng, lập bản.

Ngày đó, rừng rú hoang rậm lắm, chẳng có bóng người, trăn to như cây chuối, bò lổm ngổm trong rừng. Muốn ra xã, phải vạch rừng cuốc bộ cật lực một ngày, xuống cuối nguồn con suối Thân.

Tuy nhiên, giờ đã có con đường do nông trường trồng rừng mở vào được hơn 10 km, còn vài km đường bé xíu do dân mở, tuy trơn trượt, dốc ngược, song vẫn đi được bằng xe máy. Tuy nhiên, chúng tôi đi xe máy mà chậm hơn đồng bào cuốc bộ.

Người Dao bản Bến Thân sống giữa rừng già bạt ngàn, nên kiểu nuôi lợn của họ cũng cực kỳ độc đáo.

Thực chất, đây là giống lợn ri của các dân tộc vùng cao phía Bắc. Tuy nhiên, đồng bào không phải nuôi dưỡng gì cả. Đồng bào chỉ việc kiếm một đôi, gồm một con đực và một con cái, đem chúng vào một khu rừng nào đó gần nhà rồi thả.

Chỉ cần thả đôi lợn đực và cái vào rừng, chúng có thể tự kiếm ăn, sinh để. 
Thi thoảng cho ăn chút muối, chúng sẽ không đi xa. 

Đôi lợn này sẽ luôn bên nhau. Chúng dũi đất, tha cành làm ổ trong rừng y như lợn rừng, rồi tự kiếm ăn. Thức ăn của chúng là các loại côn trùng như giun, dế, ốc và các loại lá cây, củ, quả. Theo anh Hồng, khu vực quanh Bến Thân toàn là núi đá vôi, có hàng ngàn loại cây thuốc quý, bổ dưỡng, nên loài lợn này ăn vào, thịt chúng cũng cực kỳ bổ, thậm chí còn có hương vị của thuốc.

Giống lợn này đẻ khỏe như… ốc bươu vàng. Mỗi lứa chúng đẻ đến cả chục, thậm chí là 20 lợn con. Những chú lợn con mới đẻ chỉ to bằng ngón chân cái, song đã có thể chạy nhảy và kiếm ăn ngay được. Giống lợn này chỉ theo bố mẹ độ chục ngày là tự tách ra kiếm ăn riêng. Cả lũ lợn con đi kiếm ăn thành đàn như lợn rừng, đến khi nào trưởng thành, có thể sinh sản mới tự tách đàn.

Chọc tiết. 
Cạo lông. 
Thui. 

Điều đặc biệt là loài lợn này tuy tự kiếm sống trong rừng, song chúng không bao giờ đi xa, chỉ quanh quẩn ở một khoảng cách nhất định. Lợn rừng cũng thường đánh dấu lãnh địa bằng nước tiểu. Có thể loài lợn này vẫn còn bản năng của lợn rừng, cũng dùng nước tiểu để đánh dấu lãnh địa. Vì chúng không đi xa, nên muốn xem đàn lợn đã lớn chưa, đồng bào Dao ở đây chỉ việc vào rừng tìm chúng hoặc ban đêm lần vào ổ của chúng để xem.

Đồng bào Dao ở đây còn có một cách khiến đàn lợn không bao giờ đi xa. Khi lợn bố và lợn mẹ đẻ, họ tìm đến ổ bắt lợn con, dùng gai bồ kết rạch xước da rồi xát muối vào người chúng. Ngoài ra, họ còn mang thức ăn pha muối vào cho chúng ăn. Ăn muối một lần, chúng nghiện, nên không đi xa nữa. Thi thoảng, đồng bào lại mang muối vào rắc cho chúng ăn để chúng không quên vị mặn mà bỏ cánh rừng.

Vì tập quán thả lợn tự do trong rừng, nên nuôi chúng không tốn công tốn của. Chính vì không được chăm bẵm, không cho ăn nhiều nên lợn lửng thuộc thoại siêu chậm lớn. Mỗi năm, chúng chỉ tăng tối đa 10kg, và sau đó hầu như không tăng nữa. Những con lợn lửng nặng 30-40kg, béo nần nẫn thực ra là lợn lửng được nuôi bằng cám công nghiệp.

Có thể chế biến lợn lửng thành nhiều món hấp dẫn. 

Chính vì ăn cỏ cây, lại chậm lớn nên thịt chúng rất ngon. Tôi đã được thưởng thức món này nhiều lần ở miền núi, nhưng ngon nhất vẫn là lợn lửng ở vùng Thanh Sơn, Tân Sơn của Phú Thọ. Lợn lửng ở Thanh Sơn, Tân Sơn nổi tiếng ngon nhất nước, nhưng lợn lửng ở Bến Thân có lẽ ngon nhất Phú Thọ.

Thịt lợn lửng ở Bến Thân thơm, bùi, đằm, ngọt, hầu như không có mỡ. Đồng bào Dao ở đây có nhiều cách chế biến lợn lửng thành đặc sản như tiết canh, luộc, hấp, nướng, hun khói, xào… Ngon nhất vẫn là tống các loại gia vị, cây thuốc lấy trong rừng vào bụng rồi treo cả con quay trên than hồng.

Hôm chúng tôi vào bản Bến Thân, cũng gặp một lái lợn người Việt Trì. Anh này tên Cường, lái xe Minsk kèm theo chiếc lồng vào tận Bến Thân để săn tìm lợn lửng. Anh Cường cho hay, mua lợn lửng không khó, nhưng mua được lợn ngon là cả vấn đề. Phải vào chỗ thật sâu, thật xa, nơi đồng bào chăn nuôi thả rông, mới mong kiếm được lợn ngon. Ngày giáp Tết, đám lái buôn càng sục sạo mạnh để kiếm lợn ngon cung cấp cho nhà hàng đặc sản, hoặc bán cho cán bộ làm quà biếu sếp. Giá lợn lửng xịn trong những ngày giáp Tết lên đến 200 ngàn, thậm chí 300 ngàn đồng/kg lợn hơi, đắt hơn cả lợn rừng.

Đồng bào chưa biết làm giàu từ con lợn lửng đặc sản. 
 
Tôi hỏi anh Cường: “Sao lợn lửng có giá thế mà người ta không nuôi để kinh doanh?” Anh Cường cười: “Nếu họ khôn lanh nuôi để kinh doanh thì sẽ chẳng còn giống lợn lửng nữa đâu cậu ạ, toàn lợn giả lửng đấy”.

Theo lời anh Cường, ở nhiều bản, nhiều gia đình cứ nuôi mãi một con lợn lửng. Lợn già rụng hết lông cũng không bán, trả giá cao mấy cũng không bán, hỏi tại sao, họ nói để làm ma.

Để mua được lợn lửng của đồng bào, đám lái buôn phải có nghệ thuật. Nếu nói rằng mua lợn về để bán lại thì họ không bao giờ bán, cho dù có trả giá cao đến mấy, bởi vì họ dùng lợn lửng để cúng các loại ma trong nhà và ngoài rừng trong những ngày lễ, Tết. Tất nhiên, tập tục này chỉ phổ biến ở những vùng sâu, song chỉ ở những vùng sâu này mới có lợn lửng đúng chất thực sự.

Đồng bào vùng sâu dù còn nghèo, song nhất định không bán con lợn lấy bạc triệu. Thế nhưng, họ có thể vui vẻ mổ lợn đãi khách. 

Thế nhưng, dân chuyên đi mua lợn lại có nghệ thuật riêng. Nếu bịa ra chuyện mua lợn về làm lễ cúng bái, đãi khách xa, mừng cưới hỏi… thì sẽ mua được với giá rẻ. Thậm chí, nếu mời anh ta vài chén rượu, rồi chuyện trò thân tình, thấy “hợp cái bụng” họ có thể biếu không. Nếu gặp phụ nữ thì không thể nịnh bằng rượu được mà phải nịnh bằng gói kẹo, gói mì tôm hoặc phải tìm hiểu xem họ thích cái gì.

Chúng tôi theo thầy thuốc kiêm thợ săn người Dao Đặng Văn Hồng đi ngược suối Thân, trèo qua dãy núi đá vôi vào rừng. Anh Hồng chỉ cho chúng tôi xem ổ của lợn. Nhưng chúng tôi loanh quanh tìm mãi không thấy chú lợn nào, chỉ thấy dấu chân của lợn chi chít quanh khu vực. Anh Hồng chu miệng phát ra tiếng kêu gọi lợn, kiểu như đồng bào vùng xuôi gọi gà. Không ngờ, lát sau, đã thấy đàn lợn mấy chục con lũn cũn chạy về. Anh Hồng rắc muối xuống đất, chúng chen nhau dũi đất liếm vị mặn. Anh nhanh tay tóm một chú lợn xách về cắt tiết đãi khách.

Trong những chuyến công tác vào các bản làng nằm sâu trong rừng, tôi gặp rất nhiều lợn lửng, chúng chạy thành từng đàn, tự kiếm ăn trong rừng, trên các sườn đồi, sườn núi. Lợn lửng quả thực có giá trị kinh tế cao, tư thương lùng mua suốt ngày, song đồng bào dân tộc chưa có ý thức biến nó thành thứ hàng hóa, đem lại lợi ích kinh tế. Họ vẫn nuôi chúng với tính chất tự cung tự cấp, nên chưa thu lợi nhiều từ lợn lửng.

Ước gì tôi có ngọn núi, có mảnh rừng, tôi sẽ thả rất nhiều cặp lợn lửng cha mẹ vào đó. Vài năm sau, thành triệu phú là cái chắc. 

Có thể nói lợn lửng là “sản phẩm” của thói quen chăn nuôi lạc hậu, song lợn lửng sẽ có giá trị kinh tế rất cao, sẽ trở thành con vật xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao nếu biết cánh tận dụng, phát huy.

Đồng bào Dao ở Bến Thân cũng như những xã của Thanh Sơn, Tân Sơn (Phú Thọ) thường sở hữu cả chục ha đất đồi, đất núi mà cũng chẳng biết làm gì ngoài trồng ngô, sắn. Ngô sắn chỉ trông vào nước trời nên vẫn mãi nghèo. Rồi cả chục ha rừng được Nhà nước giao trông nom cũng không biết tận dụng bằng cách thả thật nhiều lợn lửng vào đó.

Sau bữa nhậu ê hề lợn lửng cùng đồng bào Dao ở bản Bến Thân, giữa đại ngàn Xuân Sơn, tôi chợt ước mình cũng có một quả núi, một cánh rừng. Tôi sẽ thả vài chục đôi lợn lửng vào đó, vài năm sau thành triệu phú là cái chắc!


Quốc Hội


 

“Chung sức vì đồng bào nghèo cả nước” - Ủng hộ đồng bào nghèo cả nước qua cổng thông tin 1400.

Nhắn tin theo cú pháp UHgửi 1409 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực vì đồng bào nghèo cả nước.



Bình luận
vtcnews.vn