Ngày Nhà giáo Việt Nam: Nghĩ về “thiên đường du lịch” Sapa

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 19/11/2016 19:40:00 +07:00

Nhưng sau gần 20 năm, thị trấn thay đổi, du khách nườm nượp kéo lên, tắc cả đường ngày cuối tuần, thứ tôi nhận ra là cuộc sống đồng bào ở vùng đất này, dường như vẫn cứ nguyên vẹn như xưa.

Ít có vùng đất nào mà tôi gắn bó sâu đậm như dãy Hoàng Liên Sơn. Mỗi năm, cũng có dăm bảy lần lần lạc bước qua vùng đất “thiên đường du lịch” Sapa. Nhưng sau gần 20 năm, thị trấn thay đổi, du khách nườm nượp kéo lên, tắc cả đường ngày cuối tuần, thứ tôi nhận ra là cuộc sống đồng bào ở vùng đất này, dường như vẫn cứ nguyên vẹn như xưa.

1. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện, xảy ra cách nay dễ đã 15 năm, về một dự án hỗ trợ đồng bào Mông ở một bản xa, cao tít hơn 2.000m so với mặt nước biển, của dãy Hoàng Liên Sơn, nơi chỉ có người Mông, sống với đá xám xịt và những mùa mận, mơ nở hoa trắng như bông tuyết một góc trời. Những người của dự án ấy tâm huyết lắm. Họ đem tiền cho đồng bào, để đồng bào làm cái bể chứa nước sạch. Hôm đồng bào xuống núi nhận tiền, vui như trẩy hội. Lĩnh tiền xong thì dắt díu nhau xuống phố ăn nhậu say sưa túy lúy, hết sạch tiền thì về.

Cho tiền không được, nên cho vật liệu để xây bể nước. Hôm phát xi măng, gạch đá, dân bản cũng kéo xuống trung tâm xã vui như hội. Nhận vật liệu xong, thì gọi đám con buôn đến bán, lấy tiền đi nhậu. Bể nước sạch không thấy đâu cả.

DSC00428

Đêm chợ tình Sapa 

Lần này thì yêu cầu đồng bào phải vác vật liệu lên bản, thì mới cho. Vậy là phải trả tiền công vác vật liệu về nhà, trả thêm công để đồng bào tự xây bể cho nhà mình. Xây xong thì bể nước để không, thả cóc nhái vào đẻ trứng xem chơi. Tiền công thì đem đi nhậu. Bà con vẫn dẫn nước từ suối về dùng, như ngàn năm nay vẫn vậy. Câu chuyện ấy, nó phản ánh rằng, để thay đổi cuộc sống của đồng bào, mà không hiểu được tính cách, tập quán, thì vô cùng khó.

DSC00400

Đợi khách vào bản 

2. Đại ngàn Hoàng Liên Sơn rộng lớn, hùng vĩ, với đỉnh Fansipan ẩn hiện trong mây mờ. Độ cao và khí hậu đặc trưng, tạo ra rất nhiều giống loài quý. Thực vật quanh Fan cực kỳ đa dạng, độc đáo. Vô vàn kỳ hoa dị thảo quý hiếm, đắt tiền. Những cánh rừng Pơ-mu hàng triệu năm tuổi, với những thân pơ-mu ngàn năm tuổi, bị cưa đổ nham nhở. Bao nhiêu năm qua, đồng bào, đặc biệt là người Mông, rất khỏe, lội rừng trèo núi như loài dê, nhẩn nha kéo gỗ ra khỏi rừng như đàn kiến chăm chỉ. Chỉ đến khi, những trận cháy rừng khủng khiếp, thiêu rụi cả ngàn hecta, mới lộ ra rừng rỗng ruột. Chỉ còn trơ lại dấu tích những gốc pơ-mu mà thôi.

Thật đau lòng, khi người Trung Quốc bao năm qua tìm sang thuê đồng bào vào rừng nhổ tiết trúc sâm, tam thất hoang, cỏ nhung, cực kỳ quý hiếm, bán cho họ với giá rẻ như bèo. Giờ, những thứ dược liệu quý hiếm quanh đỉnh Fan có giá cả chục triệu đồng/kg thì chúng đã tuyệt chủng.

IMG_3206

Xếp hàng lên "Nóc nhà Đông Dương" 

Thật khó hiểu khi những thứ dược liệu đắt như vàng ròng đó, bà con cứ nhổ đem bán, mà không nghĩ ra cách khai thác bền vững, rồi trồng trọt, nhân giống, để làm giàu? Tại sao đồng bào cứ nhổ tận gốc, trốc tận rễ, không tha thứ gì, cốt là bán được tiền? Cứ nhổ thì sẽ hết, mà hết rồi thì lấy gì mà ăn? Phải chăng, tư duy sống ngày nào biết ngày ấy đã ngấm sâu vào máu đồng bào rồi?

3. Trở lại thị trấn Sapa, thiên đường du lịch. Những người dưới xuôi lên Sapa làm giàu rất dễ, nhưng đồng bào thì cứ mãi nghèo, mãi đói. Thật lạ! Ngoài một số thiếu nữ Mông, Dao, Giáy xinh đẹp, nhanh nhẹn, học được nghề hướng dẫn viên, có miếng ăn, những chàng trai chăm chỉ với nghề poster (mang vác đồ, dẫn đường), kiếm được chút ít, thì đại đa số đều luẩn quẩn với những công việc chỉ gây phản cảm cho vùng đất xinh đẹp này, đó là bán hàng rong, ăn mày chèo kéo du khách.

DSC00424

Cõng em bán hàng rong trong đêm 

Những em bé chập chững biết đi, nói tiếng Việt còn chưa sõi, nhưng đã biết vài từ tiếng Anh, ngày đeo bám khách bán mấy thứ hàng lặt vặt vớ vẩn có nguồn gốc từ Tàu. Những đứa bé ấy kiếm được tiền mang về, mẹ có miếng thịt ăn, bố có chén rượu, cả nhà no bụng, và thế là cả đời chúng sẽ chẳng tìm ra lối thoát tốt đẹp. Chúng sẽ làm gương cho đám bạn bỏ trường bỏ lớp xuống Sapa đeo bám khách dai như đỉa để bán hàng.

Cụ Hạng Thị Sông (xã Sử Pán, Sapa), 90 tuổi, không nhớ nổi đã bao năm vạ vật ở Sapa với nghề vừa bán hàng rong, vừa ăn mày. Cụ có chuyện tình chấn động cả nước với chàng trai 38 tuổi Giàng A Linh. Mặc kệ dư luận, hai con người ấy cứ yêu nhau. Ngày họ ăn mày, bán hàng rong, kiếm được đồng nào là men rượu với men tình lướt khướt nơi quán rượu. Những con người ở “thiên đường du lịch” này, phải chăng họ sống không cần biết đến ngày mai.

DSC00317

 Trẻ em bỏ học xuống Sapa bán hàng rong

4. Tôi cứ ấn tượng với đám cưới của Lý A Kiều ở bản Vù Lù Sung, trên độ cao 1.700m của dãy Hoàng Liên Sơn, cách trung tâm Sapa 20km. Đám cưới rình rang đến nỗi 10 con lợn béo, vô số gà bị thiệt mạng. Rượu tràn cung mây. Lý Phủ Kinh là bố chú rể, năm nay 37 tuổi mà đã lên chức ông nội được những mấy năm. Ở vùng Sapa mờ sương này, khi tuổi ngoài 30, lên chức ông, chức bà, 50 tuổi lên chức cụ, cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Mọi thứ dường như vẫn cứ như ngàn năm trước, trời sinh voi, trời sinh cỏ. Luật hôn nhân gia đình cũng mãi chẳng giải quyết được nạn tảo hôn.

IMGP1703

 Rất nhiều lợn "bỏ mạng" để phục vụ đám cưới rình rang của người Dao Đỏ ở Sapa

5. Cuối năm nào cũng vậy, lương y Phạm Văn Thanh, thầy lang chữa dạ dày nổi tiếng đất Lào Cai, lại tất tả xin xỏ khắp nơi, lấy quần áo ấm, chở lên núi cho các cháu nhỏ. Mùa đông, khắp dãy Hoàng Liên Sơn tuyết rơi, băng đóng, giá lạnh kinh khủng, nhưng những đứa trẻ cứ phong phanh, thò lò mũi xanh, sù sụ ho đến tội.

Y Tý (Bát Xát) cách Sa Pa cả buổi đi xe. Ở nơi mây mù ấy, các anhí (em gái nhỏ), apakhá (người vợ) Hà Nhì ngày ngày lên nương cuốc đất gieo ngô, vào rừng đốn cây cõng củi chất như núi trước nhà, đàn ông thì quanh năm có nhiệm vụ “trọng đại” là nấu rượu để uống và trông con. Mang áo ấm, chăn ấm, đồ ăn lên cho họ, nhưng lương y Thanh chẳng vui lắm. Thương bọn trẻ đói rét thì cứ phải làm việc ấy thôi, cho đỡ áy náy với lương tâm của mình.

IMG_1119

Anhí (em gái Hà Nhì) mất cả tuổi thơ để đốn củi báo hiếu bố mẹ trước khi đi lấy chồng 

Nhìn những dải núi mênh mông bát ngát để hoang, những thung lũng đất tơi xốp cỏ mọc mà tiếc xót. Đất ấy giâm cây gì xuống cũng sống được. Trồng cây dược liệu thì tốt và chất lượng phải biết. Thế nhưng, họ chẳng chịu làm gì ngoài những việc như giời định từ thuở sơ khai. Những cánh rừng đã bị triệt hạ, những loại dược liệu quý đã bị nhổ sạch, giờ thì đua nhau nhổ loại dây leo như dương xỉ bán cho người Trung Quốc để họ làm gì chẳng rõ.

“Cứ cho họ miếng ăn, thì cả đời họ chỉ chờ miếng ăn do người khác mang đến. Cho họ phương tiện sản xuất, hay gọi là cái cần câu, thì họ đem đi bán, hoặc vứt xó góc nhà. Chỉ có cho họ cái tư duy của nền giáo dục mới thay đổi được từ gốc rễ. Mà đầu tư cho giáo dục thì cực kỳ tốn kém, lâu dài và điều quan trọng hơn là phải có sự tâm huyết của cả hệ thống chính trị địa phương” - lương y Phạm Văn Thanh, người gắn bó sâu đậm với đại ngàn Hoàng Liên bảo vậy.

Tôi lại chợt nhớ đến vùng đất của người Hà Nhì ở ngã ba biên giới, tận cùng Tổ quốc, nơi tiếng gà gáy ba nước cùng nghe thuộc huyện Mường Nhé, Điện Biên. Thật thú vị khi tôi bỏ mấy ngày trời thống kê và đếm được đến cả trăm tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân có nguồn gốc xuất thân từ cộng đồng Hà Nhì mấy ngàn người tít tận rừng xanh núi đỏ. Nếu nói về tỷ lệ tốt nghiệp cao đẳng trở lên, họ là dân tộc “có học” với tỷ lệ cao nhất trong 54 dân tộc Việt Nam, hơn cả người Kinh.

60 năm trước, thầy giáo Nguyễn Văn Bôn, người Hải Phòng, cùng các đồng nghiệp, đã cuốc bộ 20 ngày trời vào vùng đất ấy, rồi họ kiên trì dạy dỗ, khai sáng tư duy cho người Hà Nhì bằng sự hy sinh vô cùng cao cả. Còn đồng bào Hà Nhì ở mảnh đất Y Tý mờ sương nơi Sapa đẹp đẽ mây vờn ấy, tôi tìm mỏi mắt, thì được nhõn một anhí đang vật lộn với con chữ dưới thủ đô. Ngẫm ra, thấy cái sự thay đổi ý thức hệ của đồng bào Mông, Dao, Giáy, Sa Phó... ở cái xứ sở mù sương ấy, sao mà khó quá. Biết đến bao giờ?

Dương Ngọc Phạm

Bình luận
vtcnews.vn