Ngày này năm 1979: Tổng tấn công bè lũ Pôn Pốt

Thời sựThứ Hai, 06/01/2014 07:25:00 +07:00

Ngày 6/1/1979, ta và bạn tổng công kích vào thủ đô Phnôm Pênh từ ba hướng đánh tan các cụm phòng ngự địch.

Theo kế hoạch, 6h ngày 6/1/1979, ta và bạn tổng công kích vào thủ đô Phnôm Pênh từ ba hướng: Hướng Quân đoàn 4 (hướng chủ yếu) các đơn vị tiến theo trục đường số 1, đánh tan các cụm phòng ngự địch.

Trước bước phát triển mới của phong trào cách mạng Cam-pu-chia và so sánh lực lượng trên toàn tuyến biên giới Tây Nam ngày càng có lợi cho ta, đầu tháng 12/1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm mở cuộc tổng tiến công tiêu diệt quân địch, trong đó xác định sẵn sàng phối hợp với các lực lượng vũ trang yêu nước Cam-pu-chia nổi dậy đánh đổ tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xa-ri, cứu nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia tấn công giải phóng PhnomPenh. Ảnh tư liệu
Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia tấn công giải phóng PhnomPenh. Ảnh tư liệu 
Cùng thời gian này, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, do ông Hêng Xom-rin làm Chủ tịch đề nghị Việt Nam giúp bạn đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xa-ri, giành chính quyền về tay nhân dân.
 Bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng cách mạng Cam-pu-chia phối hợp đánh địch. Ảnh tư liệu
Bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng cách mạng Cam-pu-chia phối hợp đánh địch. Ảnh tư liệu 
Theo đề nghị chính đáng của bạn và căn cứ vào kế hoạch tác chiến chiến lược đã được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thông qua, ngày 17/12/1978, Sở chỉ huy Tiền phương Bộ Quốc phòng (thành lập ngày 19/7/1978), hạ quyết tâm sử dụng một lực lượng lớn Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia đánh địch.

Thời điểm này, ta giúp bạn xây dựng được 22 tiểu đoàn bộ binh và 69 đội công tác vũ trang. Cũng trên cơ sở phương án tác chiến, Bộ Tổng tham mưu điều động, giao nhiệm vụ cho các đơn vị ta phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia.


Khi cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam đang giành thắng lợi to lớn, ta tập trung lực lượng mở cuộc phản công quân địch sớm hơn dự kiến. Để giúp bạn, từ cuối năm 1978, đầu năm 1979, một lực lượng lớn Quân tình nguyện Việt Nam hình thành, gồm các Quân đoàn 2, 3, 4 và một số đơn vị của các Quân chủng Hải quân, Phòng không-Không quân; các Quân khu 5, 7, 9 có nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia mở chiến dịch phản công, tiến công quân địch trên tất cả các hướng.

Ở hướng tây bắc, sau đòn tiến công dồn dập của các đơn vị thuộc hai Quân khu 5 và 7, giải phóng một số tỉnh miền Đông Cam-pu-chia, đầu tháng 1/1979, Quân đoàn 3 phối hợp với 3 tiểu đoàn bộ binh và 6 đội công tác vũ trang bạn mở cuộc tiến công giải phóng các tỉnh Kông-pông Thom, Xiêm Riệp, Bát-tam-bang và Puốc-xát.

Trên hư­ớng Quân khu 9 và Quân đoàn 2, từ ngày 1 đến ngày 3/1/1979, các đơn vị tiến công quân địch ở các khu vực Ta-pông, Ki-ri-vông, Sê-kê, Prô-chrây, Tun-liếp, Tô-li-ốp, Đông Nam San-tâng, các điểm cao 384, 451, 328; Sê-kê… Trên h­ướng Quân đoàn 4, các đơn vị tiến công địch trên đường số 1 và vùng ven hai bờ sông Mê Công, buộc chúng phải rút về phòng ngự ở Sa-cách, Prây-veng, Niếc-lương. Tiếp đó, Quân đoàn 4 đánh chiếm đường số 10 (đoạn Chân Trai) và bắc ngã ba Tà-hô (nằm trên trục đường số 1, phía tây Pra-sốt).


Quán triệt sâu sắc chỉ thị của Bộ Chính trị về nhiệm vụ giải phóng Phnôm Pênh trước ngày 8/1/1979, sau khi phân tích diễn biến trên toàn chiến tr­ường, Sở chỉ huy Tiền phương Bộ Quốc phòng quyết định sử dụng Quân đoàn 3, 4 và Quân khu 9 mở cuộc tiến công vào Phnôm Pênh.

Theo kế hoạch, 6h ngày 6/1/1979, ta và bạn tổng công kích vào thủ đô Phnôm Pênh từ ba hướng: Trên hướng Quân đoàn 4 (hướng chủ yếu) các đơn vị tiến theo trục đường số 1, đánh tan các cụm phòng ngự địch. Sáng ngày 7/1, S­ư đoàn 7 phối hợp với Binh đoàn 1 (Cam-pu-chia) vượt sông Mê Công đánh tan Sư­ đoàn 260 địch. Đến 11h cùng ngày, Sư đoàn 7 và Binh đoàn 1 (Cam-pu-chia) tiến vào Phnôm Pênh, chiếm các cơ quan Trung ư­ơng, khu sứ quán và Đài phát thanh.

Bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng cách mạng Cam-pu-chia huấn luyện hiệp đồng thông tin liên lạc trước khi vào chiến dịch. Ảnh tư liệu
Bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng cách mạng Cam-pu-chia huấn luyện hiệp đồng thông tin liên lạc trước khi vào chiến dịch. Ảnh tư liệu 
Trên hướng Quân đoàn 3, sáng 6/1, quân đoàn tập trung hỏa lực chi viện Sư­ đoàn 320 v­ượt sông đánh chiếm thị xã Công-pông Chàm, đập tan tuyến phòng ngự vững chắc của 2000 quân địch do Son Sen, Bộ tr­ưởng Quốc phòng chỉ huy, mở thông cánh cửa quan trọng vào thủ đô Phnôm Pênh.

Sáng 7/1, được pháo binh chi viện đắc lực, Trung đoàn 28 (S­ư đoàn 10) tiến công theo trục đường số 7, đánh tan quân địch ở núi Phu-chê, rồi vư­ợt sông Tông-lê Sáp đánh chiếm các khu vực kho xăng phía bắc Phnôm Pênh, nhà máy xay, nhà máy hoa quả, nhà máy cơ khí, kho súng, kho đạn...

Trong khi đó, trên hư­ớng Quân khu 9, ngày 6/1, tiến công các vị trí địch ở Thnốt-bấc, Ta-keo, Ta-ni… đập tan 4 tuyến phòng ngự của địch, mở đư­ờng cho đội hình thọc sâu tiến vào đánh chiếm sân bay Pô-chen-tông, Bộ tư­ lệnh thiết giáp và Bộ Tổng tham mư­u địch. Đến 17h ngày 7/1, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Cam-pu-chia hoàn toàn làm chủ thành phố Phnôm Pênh.


Thắng lợi vĩ đại ngày 7/1/1979 đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật tác chiến giữa các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam và các lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia, để lại nhiều bài học kinh nghiệm, nhất là phối hợp lực lượng tác chiến.

Đáp lại đề nghị chính đáng của bạn và trên cơ sở nắm vững kế hoạch, phương châm, hình thức tác chiến, lực lượng ta và bạn đã phối hợp chặt chẽ, linh hoạt từ lúc bắt đầu mở cuộc phản công, tiến công đến khi giải phóng thủ đô Phnôm Pênh và toàn bộ đất nước Cam-pu-chia. Sự phối hợp giữa Quân tình nguyện Việt Nam và các lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong những năm 1979-1989, góp phần bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, xây dựng đất nước Ăng-co hồi sinh và phát triển.





Đại tá, TS Dương Đình Lập
Theo QĐND
Bình luận
vtcnews.vn