Ngày mai Thành uỷ TP.HCM xem xét định hướng cho giai đoạn chống dịch tiếp theo

Tin nhanh 24hThứ Tư, 21/07/2021 21:43:23 +07:00
(VTC News) -

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, ngày mai Thành uỷ sẽ xem xét định hướng chống dịch cho giai đoạn tiếp theo.

Chiều 21/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì họp báo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. 

Phát biểu tại họp báo, ông Mãi cho biết, thời gian qua số ca dương tính được phát hiện hàng ngày tại TP tăng cao và đang diễn biến phức tạp. TP đánh giá chưa đạt đỉnh dịch và sẽ còn diễn biến phức tạp trong vài ngày tới. Ngày mai Thành ủy sẽ có định hướng mới cho giai đoạn thực hiện Chỉ thị 16 nâng cao; tăng cường các giải pháp khi TP thực hiện giãn cách cùng 19 tỉnh miền Tây. 

Chuẩn bị cho giai đoạn mới

Theo ông Mãi, trước đây TP đề ra 3 kịch bản sau 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. Cụ thể, kịch bản thứ 1 là kiểm soát được dịch, lúc này sẽ xem xét lại việc thực hiện Chỉ thị 16.

Ngày mai Thành uỷ TP.HCM xem xét định hướng cho giai đoạn chống dịch tiếp theo - 1

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi.

Kịch bản thứ 2 là chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, lúc này sẽ tiếp tục Chỉ thị 16 một thời gian và có thể thực hiện Chỉ thị 16+ ở một số địa bàn. Kịch bản thứ 3 là dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát, TP phải tính đến tình huống phong tỏa với biện pháp mạnh hơn.

Ông Mãi cho rằng, trong 3 kịch bản đề ra, cho đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch của TP phù hợp với tình huống thứ 2 là tiếp tục Chỉ thị 16 và tăng cường biện pháp ở một số địa bàn. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP cũng đang chuẩn bị cho giải pháp tăng cường thực hiện Chỉ thị 16.

"Chúng ta có 3 tình huống đặt ra, tuy nhiên dù rất nỗ lực nhưng vẫn không đạt được kịch bản thứ nhất. Chúng ta sẽ tiếp tục chống dịch theo kịch bản thứ 2, tiếp tục Chỉ thị 16 và siết chặt ở một số địa bàn", ông Mãi nói.

Đề ra mô hình 5 tầng điều trị F0

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ thông tin, ngoài việc tập trung cao vào phân loại, phân tầng, quản lý, chăm sóc điều trị F0, ngành y tế TP đã đề ra mô hình 5 tầng.

Tầng 1 và 2 là với người vừa test nhanh kháng nguyên cho kết quả dương tính, tức nghi mắc COVID-19, sẽ tạm thời chờ ở phường, xã, thị trấn. Sau khi lấy mẫu đơn PCR dương tính nhưng không triệu chứng, không bệnh nền, không có bất thường thì sẽ được cách ly tập trung tại quận, huyện để theo dõi, chăm sóc. Số này chiếm khoảng trên dưới 70% qua đánh giá, theo dõi.

Tầng 3 là tầng có triệu chứng, cần điều trị thì chủ yếu điều trị ở bệnh viện quận, huyện.

Tầng thứ 4 ở tuyến cao hơn thì sẽ điều trị một phần ở bệnh viện quận, huyện và một phần ở các bệnh viện tuyến cao hơn.

Tầng 5 dành cho F0 có triệu chứng nặng nhất sẽ được tập trung điều trị, hạn chế tử vong. 

Thành phố đánh giá ở tầng 2, 3, 4 thì chiếm khoảng 20-25%. Còn lại tầng 5 là tầng rất nặng, tầng hồi sức.

"TP đang tập trung nguồn nhân lực điều trị bệnh nhân rất nặng làm sao để hạn chế tỷ lệ tử vong thấp nhất", ông Mãi nói.

Mô hình phân nhóm, phân tầng theo 5 tầng sẽ giúp giảm tải cho ngành y tế TP. Theo đó, không cần đưa người không có triệu chứng vào cơ sở điều trị mà chủ yếu ở địa phương quản lý, theo dõi, chăm sóc.

Ngày mai Thành uỷ TP.HCM xem xét định hướng cho giai đoạn chống dịch tiếp theo - 2

Ảnh minh hoạ.

Chuyển trọng tâm mở rộng vùng xanh

Một giải pháp khác được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nêu ra tại buổi họp báo là đảm bảo hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhất là khu phong tỏa, gia đình khó khăn cần tăng cường hơn để đảm bảo.

Song song đó, TP.HCM tập trung bảo vệ và mở rộng vùng xanh (vùng an toàn dịch bệnh) trên bản đồ COVID-19. Như huyện Củ Chi, lúc đầu có 2 xã vùng xanh nhưng khi triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thì giờ có nhiều vùng xanh hơn; tương tự là huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ và cả một số quận trung tâm sẽ cố gắng làm sạch địa bàn thông qua giãn cách, xét nghiệm.

Đây là bước chuyển trọng tâm của TP, bên cạnh bao vây thu hẹp vùng đỏ thì việc mở rộng vùng xanh cũng rất cần thiết”, ông Mãi nhấn mạnh.

Ông Mãi cho biết cách đây một tuần, TP đặt ra 3 tình huống, TP đã nỗ lực nhưng không đạt được tình huống thứ nhất nên sẽ đối mặt với tình huống thứ 2, cần siết chặt hơn nữa. TP sẽ cố gắng kết thúc thời gian áp dụng Chỉ thị 16 như 18 tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Ngày mai Thành uỷ TP.HCM xem xét định hướng cho giai đoạn chống dịch tiếp theo - 3

Về phương án sản xuất an toàn, ông Mãi nói đây là vấn đề rất quan trọng, không chỉ giải quyết công ăn việc làm của hàng triệu công nhân mà còn ảnh hưởng đến cả chuỗi cung ứng hàng hóa, mà nếu đứt gãy sản xuất, mất thị trường thì sau này rất khó để chiếm lĩnh lại.

TP đã xây dựng, chuẩn bị kế hoạch cho 3 tình huống trên 5 trụ cột. Với từng tình huống thì giãn cách, điều trị, cách ly, xét nghiệm, và tiêm vaccine thế nào.

"Ba tình huống đặt ra thì Ban chỉ đạo rất mong muốn đạt được tình huống thứ nhất để sau đó có thể quay trở lại thực hiện Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 10 của TP. Tuy nhiên, tình hình đang diễn biến khá phức tạp, ta phải lường tới khả năng tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm thời gian nữa", ông Mãi.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp