Ngày đầu tháng cô hồn tháng 7 âm lịch, nhiều cửa hàng vàng ảm đạm

Kinh tếThứ Ba, 22/08/2017 17:59:00 +07:00

Theo quan niệm dân gian, tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch) người dân kiêng kỵ làm các việc quan trọng trong đó có mua nhà, sắm vàng...; vậy các doanh nghiệp kinh doanh vàng nghĩ gì về tháng cô hồn?

Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch (hay còn gọi là tháng cô hồn), người dân thường kiêng kỵ làm những việc lớn như khai trương, động thổ, nhập trạch, mua xe, mua nhà, cưới xin... và kể cả là việc mua vàng. Bởi, theo quan niệm của nhiều người, tháng cô hồn thường mang đến những điều không may mắn.

Video: Tháng cô hồn - Những thứ tuyệt đối không nên mua

Dạo quanh những cửa hàng kinh doanh vàng bạc tại Hà Nội, trên đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân)… vào ngày đầu tiên của tháng cô hồn 22/8 (tức 1/7 âm lịch), hầu hết các cửa hàng đều rất vắng khách.

Cửa hàng ngoài nhân viên trông xe và bán hàng thì thi thoảng mới có khách ra vào, nhưng chủ yếu cũng chỉ để đổi ngoại tệ, việc mua bán vàng gần như không có giao dịch.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Minh Hải (chủ hiệu kinh doanh vàng) cho biết, anh không mấy quan tâm đến tháng cô hồn. Mặc dù là người kinh doanh, trong cửa hàng vẫn có đầy đủ bàn thờ ông thần tài, thổ địa. Song, anh Hải cho rằng, mình không phải người duy tâm, mê tín.

Anh chia sẻ: "Bản thân tôi vẫn tin rằng có thờ có thiêng, nhưng không vì thế mà bị tác động quá nhiều bởi những quan niệm về tháng cô hồn".

Anh Hải lý giải, việc các cửa hàng vàng vắng khách trong thời gian này có thể vì nhiều lý do khác nhau, chứ không phải chỉ vì tháng cô hồn.

Vàng là sản phẩm đặc thù không phải nhu yếu phẩm nên chắc chắn việc mua bán không thể tập nập người ra người vào. Trong năm cũng chỉ có một vài thời điểm như ngày thần tài sau năm mới, người ta đổ đi mua vàng để may mắn và tích trữ, hoặc mùa cưới thì lượng khách tăng hơn bình thường. Còn các thời điểm khác, hầu như cửa hàng nào cũng vắng khách. Vì thế, việc các cửa hàng không tấp nập người mua bán vào thời điểm này cũng không hẳn là do tháng cô hồn.

Một lý do nữa được anh Hải đưa ra, đó là hiện nay, giá vàng đang chững lại, nên giới đầu cơ cũng om vàng chờ giá, dẫn tới hoạt động mua bán không sôi động.

20170822_134126

Các cửa hàng kinh doanh vàng khá vắng vẻ trong ngày đầu tháng cô hồn.

Là một cửa hiệu kinh doanh vàng khá lớn ở khu vực Ngã Tư Sở (quận Đống Đa, Hà Nội), cửa hàng Trung Xuân có đa dạng các sản phẩm mỹ nghệ hơn các cơ sở khác. Từ hàng trang sức, nhẫn cưới cho đến vàng miếng…, tuy nhiên, hoạt động mua bán cũng rất trầm lắng.

Một nhân viên kinh doanh của cửa hàng cho biết, những tháng trước, mặt hàng bán chạy của cửa hàng là nhẫn cưới. Nếu nói về ảnh hưởng của tháng cô hồn đến hoạt động kinh doanh có lẽ chính là sự sụt giảm doanh số của mặt hàng này. Bởi lẽ, chẳng ai tổ chức đám cưới vào tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch). Còn theo đánh giá của cửa hàng, nhìn chung các sản phẩm khác không có quá nhiều sự chênh lệch so với doanh số các tháng trong năm.

Ông Lê Anh Dũng (chủ cơ sở kinh doanh vàng khu vực Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Đa phần các cơ sở kinh doanh vàng bạc trên địa bàn thành phố đều là các hộ nhỏ lẻ, có nghề truyền thống lâu đời, các sản phẩm cũng không mấy đa dạng nên việc ảnh hưởng đến kinh doanh do tháng cô hồn không mấy rõ rệt".

Sự thực, ngoài hoạt động kinh doanh vàng, bạc, trang sức, các cơ sở còn kinh doanh thu đổi ngoại tệ và nhiều hoạt động khác. Vì thế, các cơ sở quy mô nhỏ không mấy quan tâm đến tháng cô hồn. Nhưng nếu nói tháng cô hồn không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh là không đúng...

Giang Thanh
Chuyên đề: Tháng cô hồn 2017
Bình luận
vtcnews.vn