Ngày đầu đổi giờ: Giao thông bớt căng thẳng

Thời sựThứ Tư, 01/02/2012 09:08:00 +07:00

(VTC News) - Hôm nay (1/2), là ngày đầu tiên Hà Nội chính thức thực hiện đổi giờ, tình trạng tắc nghẽn có giảm đôi chút, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.

(VTC News) - Hôm nay (1/2), là ngày đầu tiên Hà Nội chính thức thực hiện đổi giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì. Tình trạng tắc nghẽn có giảm đôi chút, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.

>> Hàng vạn học sinh ra đường từ sáu giờ
>> Đi học lúc trời tờ mờ sáng
>> Đổi giờ làm, giờ học: Từ dân đến Sở đều bối rối

>> Phải đổi giờ học, giờ làm, người trong cuộc nói gì?
>> Bao nhiêu học sinh, sinh viên phải đổi giờ học?


Từ 6h30, chúng tôi có mặt tại một số điểm chờ xe buýt đối diện cổng trường Đại học Hà Nội (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), tuy số người đợi xe buýt không đông như những ngày trước Tết, nhưng việc đón xe buýt đã rất khó khăn.

Ngậm ngùi quay trở vào lề đường vì không thể chen nổi lên xe buýt số 02, bạn Nguyễn Thị Thủy, sinh viên trường Đại học Công đoàn Hà Nội cho biết: “Em ra đây đợi xe buýt từ lúc 6h15, đã có mấy xe đi qua rồi nhưng đông quá em chen mãi vẫn không lên được. Đành đợi vậy, cố lên xe sau, hy vọng không bị muộn học”.

Trong khi đó, tình hình giao thông nhìn chung có vẻ bớt căng thẳng hơn ngày thường. Theo ghi nhận của PV vào khoảng thời gian từ 6h30 tới 8h sáng nay, hầu hết các đường mà ngày thường được xem là những điểm nóng về tắc nghẽn giờ cao điểm thì nay đường tuy có đông, nhưng không xảy ra tắc nghẽn, như đường Trường Chinh, Tây Sơn, Chùa Bộc, Láng, Láng Hạ, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Nguyễn Lương Bằng, Khâm Thiên…

 Nút giao Tây Sơn - Chùa Bộc - Thái Hà tuy có cả công trường đang xây dựng nhưng trong sáng nay tình trạng tắc nghẽn vẫn không xảy ra.
Tuy tại một số nút giao, điểm đèn tín hiệu phương tiện có bị dồn ứ, nhưng người dân cũng không phải đợi quá lâu để có thể đi qua.

Tuy nhiên, đến khoảng 8h15, tuyến đường Tây Sơn, nút giao Nguyễn Trãi – Khương Trung (chân cầu vượt Ngã Tư Sở, quận Thanh Xuân), Tây Sơn – Chùa Bộc… tình trạng đường có căng thẳng hơn đôi chút, xuất hiện hiện tượng tắc nghẽn.

Trong khi đó, về tình việc chấp hành lệnh đổi giờ làm, giờ học tại các trường học, cơ quan. Theo ghi nhận của chúng tôi việc thực hiện cũng chưa hẳn là hoàn toàn, đâu đó vẫn xuất hiện tình trạng đi làm muộn.

Theo một giáo viên trường Trung cấp Công nghệ - Quản trị và Kinh doanh Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy, Hà Nội), trường có khoảng 20 nhân viên, nhưng tới thời điểm 8h mới chỉ có 5 người tới cơ quan. Trong khi đó, theo quy định trường phải làm việc trước 7h.

Còn tại một số trường Đại học như ĐH Kiến trúc Hà Nội (quận Hà Đông), ĐH KHXH&NV, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Thủy lợi, ĐH Công đoàn… đến khoảng 7h30’, dù theo quy định đã vào học được khoảng 30 phút, nhưng khu vực cổng trường vẫn tấp nập sinh viên tới lớp, nhiều sinh viên vừa đi vừa chạy để kịp giờ.

Để điều tiết giao thông, Cảnh sát giao thông (Công an TP. Hà Nội) đã được bố trí trực tại các nút giao thông quan trọng từ 6h, thay vì 6h30 như trước đây.

Đánh giá về giải pháp đổi giờ làm việc, học tập và kinh doanh của Hà Nội, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải, Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng: “Giải pháp thay đổi giờ làm, giờ học mà Hà Nội sẽ thực hiện, nếu hiệu quả nhất thì cũng chỉ làm thay đổi 70% lưu lượng tham gia giao thông trong giờ cao điểm”.
 
Vì vậy, theo TS. Hùng, khi người ta triển khai Hà Nội nên nghiên cứu rất kỹ chuỗi chuyến đi, hoạt động trong ngày của các nhóm dân cư, sau đó đưa chuỗi chuyến đi lên mô hình giao thông để xem hiện tượng ùn tắc giao thông xảy ra trên tuyến đường nào, giờ nào, từ đâu đến đâu, sau đó mới tính toán điều chỉnh giờ làm, giờ học của nhóm đó…

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giao thông, thời điểm hiện tại chưa thể đánh giá được hết tính hiệu quả của phương án đổi giờ, vì hiện nay vẫn còn rất nhiều sinh viên, học sinh các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp… vẫn đang nghỉ Tết ở quê. Để đánh giá chính xác nhất hiệu quả phải sau ngày 15 tháng Giêng (tức ngày 6/2/2012), lúc đấy sinh viên đi học hết mới có thể thẩm định được.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại trong sáng nay:

 Phố Tây Sơn tuy phương tiện có đông, nhưng trước 8h vẫn chưa xảy ra tắc nghẽn.
Đường Nguyễn Trãi (đoạn trước bách hóa Thanh Xuân) những ngày thường rất hay xảy ra tắc nghẽn, nhưng nay cũng thông thoáng lạ thường. 
Hình ảnh hiếm gặp trên đường Tây Sơn. 

 Đường Tôn Thất Tùng khá đông đúc vì có hai ngôi trường đặt tại đây, nhưng không đến nỗi quá tắc nghẽn.
 Tuy nhiên, sau 8h sáng nay, phố Tây Sơn và một vài điểm khác đã xảy ra tắc cục bộ.
 Nút giao Nguyễn Trãi - Khương Đình cũng có đôi lúc tắc nghẽn, nhưng không quá nghiêm trọng.
 Xe buýt vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhiều sinh viên đã không chen được lên xe để tới trường.
 Từ hôm nay Cảnh sát giao thông sẽ làm việc từ 6h sáng.

Lê Việt

 

Bình luận
vtcnews.vn