Ngày đầu đổi giờ: Chuyên gia giao thông bất ngờ

Thời sựThứ Tư, 01/02/2012 02:49:00 +07:00

(VTC News) - “Tôi cũng hơi bất ngờ với sự thay đổi này vì tôi nghĩ việc đổi giờ sẽ không làm giảm tải cho giao thông bao nhiêu”.

(VTC News) - “Tôi cũng hơi bất ngờ với sự thay đổi này vì tôi nghĩ việc đổi giờ sẽ không làm giảm tải cho giao thông bao nhiêu”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy nhận xét.

>> Ngày đầu đổi giờ: Giao thông đã bớt căng thẳng

Sáng nay (1/2), Hà Nội đã chính thức thực hiện đổi giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì. Trong ngày đầu tiên thực hiện chuyển đổi, ùn tắc giao thông đã giảm tải đáng kể. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải, một chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị hơn 30 năm cũng tỏ ra bất ngờ trước kết quả này.

Theo TS. Thủy: “Thay đổi được như thế này là rất tốt, tôi mừng vì đấy là tín hiệu đầu tiên cho thấy kết quả của nó”.

Cảnh thông thoáng tại nút giao Tây Sơn - Chùa Bộc vào giờ cao điểm sáng 1/2. 
- Ông đánh giá thế nào về ngày đầu Hà Nội tiến hành đổi giờ làm việc, học tập và kinh doanh thương mại?
 

- Tôi ủng hộ phương pháp này. Trên thế giới họ cũng làm rồi và cũng không tốn bao nhiêu tiền. Chỉ cần giảm sự trùng lặp trong giờ đi lại thì ùn tắc rõ ràng sẽ giảm, nếu người dân thực hiện tốt sẽ có hiệu quả.

Chẳng hạn, 45 vạn học sinh Tiểu học, rồi 40 vạn học sinh Phổ thông, chỉ cần 2 cái đó lệch nhau đã giảm được 40 vạn người cùng ra đường.

Nếu tất cả cùng xuất phát lúc 8h thì hạ tầng giao thông Hà Nội sẽ phải gánh khoảng 10 triệu lượt đi lại/ngày, gồm cả học sinh, sinh viên, công chức, khách vãng lai, buôn bán… Trong khi xe buýt chỉ đảm đương được khoảng 1 triệu lượt người (1/10 nhu cầu), 9 triệu lượt đi lại còn lại phải dùng phương tiện cá nhân. Trong khi hạ tầng mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu, như vậy ùn tắc sẽ xảy ra.

Nên không thể cấm phương tiện cá nhân được, chỉ cấm được nếu phương tiện công cộng phát triển.

Tôi cũng hiểu là người dân bức xúc trong việc đưa đón con, cháu đi học nhưng người dân cũng cần thông cảm với ngành giao thông vận tải. Hiện nay, cả Hà Nội và TP. HCM đều là những thành phố đứng đầu thế giới về ùn tắc, một năm hai thành phố này có gần 1.000 vụ ùn tắc, trong đó có ít nhất là 150 vụ ùn tắc từ 30 phút tới 4 tiếng. Cái này gây thiệt hại vô cùng to lớn về kinh tế, xã hội, lãng phí hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm.

 - Có ý kiến cho rằng: “Vì hiện nay lực lượng sinh viên vẫn đang nghỉ Tết nhiều nên mới có được kết quả như vậy. Nếu sau 15 tháng Giêng, các trường đều bắt đầu học trở lại mà kết quả như hiện nay mới có thể đánh giá được đấy là thành công”, quan điểm của ông về ý kiến này thế nào?

TS. Nguyễn Xuân Thủy .
-
Đánh giá này hoàn toàn đúng, hiện nay lượng sinh viên vẫn chưa về hết Hà Nội. Theo tôi, đến khi sinh viên về hết có lẽ cũng có thay đổi nhưng rất thấp, chỉ giảm từ 2 - 5% lượng người ra đường cùng thời điểm.
 

Ngoài ra, theo tôi với sinh viên không nên quá cứng nhắc về giờ, vì hiện nay các trường đều học theo tín chỉ, có ngày em học cả ngày, nhưng cũng có ngày chỉ học 1, 2 tiết. Nên với đối tượng này cần phải linh động, khi nào họ học thì tới, khi nào học xong thì về, không cần theo mốc thời gian tới - về.

Dù sao đây cũng chỉ là biện pháp tình thế và là một trong những biện pháp giảm ùn tắc giao thông. Nhưng vấn đề cốt lõi và cơ bản là hạ tầng giao thông của ta hiện nay còn thiếu và yếu, giờ phải tăng gấp vài lần nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu của thành phố 6 triệu dân như Hà Nội.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Việt (thực hiện)


Bình luận
vtcnews.vn