Ngày đầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thu phí không dừng

Tin nhanh 24hThứ Ba, 26/07/2022 11:28:00 +07:00
(VTC News) -

Sau 50 ngày thi công và lắp đặt, 25 làn thu phí không dừng trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chính thức đưa vào vận hành khai thác từ 9h sáng nay 26/7.

Sáng 26/7, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chính thức khai thác, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC), vượt tiến độ 5 ngày so với cam kết với Chính phủ và sớm 40 ngày hợp đồng được ký kết giữa Tổng Công ty Phát triển cao tốc Việt nam (VEC) và Công ty CP Tasco (Tasco).

Đây là tuyến cao tốc đầu tiên tại khu vực phía Nam đưa ETC vào sử dụng. Trước đó 6 ngày, VEC và Tasco đã hoàn thành, đưa vào vận hành đồng bộ hệ thống ETC tại tất cả các trạm thu phí tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Ngày đầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thu phí không dừng - 1

Ông Phạm Hồng Quang, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam cho hay, hệ thống ETC cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có quy mô lắp đặt 25 làn ETC, tại 3 trạm thu phí Long Phước, Quốc Lộ 51, Dầu Giây sử dụng công nghệ RFID được Bộ GTVT chấp thuận và được sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển. 

“Chúng tôi thi công hòan thiện hệ thống này trong 50 ngày, vượt 5 ngày so với quy định của Chính phủ và vượt 40 ngày so với hợp đồng với nhà thầu. Có 2 khó khăn chính là áp lực về tiến độ và áp lực về mặt cung cấp thiết bị. Ngoài ra do mật độ phương tiện giao thông lưu thông rất cao nên toàn bộ thời gian thi công đều vào ban đêm”, ông Quang cho biết thêm.

Ngày đầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thu phí không dừng - 2

Nhân viên VETC tiến hành dán thẻ cho các chủ xe tại các điểm dán trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Đại diện nhà thầu, ông Hồ Việt Hà, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tasco cho biết, việc đưa công nghệ thu phí tự động ETC vào sử dụng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nhằm rút ngắn thời gian qua trạm, từ 36 - 72 giây (hình thức thu phí một dừng trước đây) xuống 6 - 12 giây (bằng phương pháp thu phí không dừng ETC), tốc độ phương tiện qua trạm theo đó tăng gấp 6 - 7 lần, góp phần quan trọng giải toả tình trạng ùn ứ, chờ đợi khi qua trạm.

“Tasco và VETC hy vọng việc đưa hệ thống ETC cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào khai thác sẽ góp phần đồng bộ hạ tầng giao thông cả nước, giảm ùn ứ lưu thông qua trạm và mang lại sự thuận tiện, văn minh cho người dân và phương tiện lưu thông”, ông Hồ Việt Hà nói.

Thiếu tá Hoàng Xuân Ân, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông số 6 Cục Cảnh sát Giao thông cho biết, đơn vị có kế hoạch với các đơn vị liên quan để đảm bảo an toàn giao thông, hỗ trợ điều tiết phân luồng trong những ngày đầu triển khai hệ thống thu phí không dừng.

Ngày đầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thu phí không dừng - 3

Trong buổi sáng đầu tiên vận hành ETC, đã có những khó khăn nhất định trong việc lưu thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Sau ngày 1/8, Đội sẽ tuần tra kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo tình hình trật tự an toàn giao thông trên tuyến, nếu phương tiện cố tình chưa dán thẻ ETC mà đi vào làn khẩn cấp gây ùn ứ sẽ bị xử lý.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; là hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội khu vực miền Nam. Cao tốc có chiều dài 55km, lưu lượng trong 3 tháng gần đây đạt khoảng 55.000 lượt phương tiện/ngày, được ghi nhận là cao tốc có lưu lượng lớn nhất Việt Nam.

Sau khi hoàn tất thi công và lắp đặt ETC cho cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, theo kế hoạch, Tasco và VETC tiếp tục triển khai lắp đặt ETC 2/4 tuyến còn lại, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Nội Bài - Lào Cai, dự kiến đưa vào sử dụng từ ngày 28/7/2022.  

Huy Hoàng(vovgiaothong.vn)
Bình luận
vtcnews.vn