Ngày bỗng biến thành đêm: Góc nhìn nhà thiên văn học

Thời sựThứ Sáu, 04/04/2014 04:06:00 +07:00

(VTC News) – Chuyên gia về thiên văn cho rằng ngày bỗng nhiên biến thành đêm là dấu hiệu cho thấy mùa hè năm nay sẽ nóng bức, oi ả hơn trước.

(VTC News) – Chuyên gia về thiên văn cho rằng ngày bỗng nhiên biến thành đêm là dấu hiệu cho thấy mùa hè năm nay sẽ nóng bức, oi ả hơn trước.

Vào khoảng 9h5 phút đến 9h15 phút ngày 3/4, khu vực Hòn Gai (Hạ Long, Quảng Ninh) bỗng xảy ra hiện tượng kỳ lạ: trời đột nhiên tối sầm, khiến người dân phải bật đèn trên các phương tiện khi tham gia giao thông, đèn sinh hoạt.

Hiện tượng này ngay lập tức thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận. Nhiều người cho rằng đây là hiện tượng thiên văn kỳ thú, song có ý kiến cực đoan cho rằng đây là điềm xấu.

Trao đổi với phóng viên VTC News về hiện tượng này, ông Nguyễn Đức Phường (nhà nghiên cứu về thiên văn vũ trụ, ĐH Quốc Gia Hà Nội) khẳng định đó là hiện tượng khí tượng bình thường, không liên quan gì tới tâm linh.

Ông Nguyễn Đức Phường (nhà nghiên cứu về thiên văn vũ trụ, ĐH Quốc Gia Hà Nội)
Ông Nguyễn Đức Phường (nhà nghiên cứu về thiên văn vũ trụ, ĐH Quốc Gia Hà Nội) 
“Hiện tượng này cũng không liên quan gì tới lĩnh vực thiên văn học. Tôi tạm gọi đó là hiện tượng trời tối cục bộ, nó chỉ xảy ra ở một số khu vực nhất định.

Ở lĩnh vực thiên văn học, ngày chỉ biến thành đêm khi có nhật thực toàn phần. Nói cách khác, những vùng nào nằm trên dải nhật thực toàn phần đi qua thì sẽ xảy ra hiện tượng tối cục bộ. Nhưng trong năm nay các nhà khoa học dự báo hiện tượng nhật thực toàn phần sẽ không xảy ra ở Việt Nam. Chính vì vậy có thể bác bỏ nguyên nhân này.

Trong trường hợp trời bỗng nhiên tối sầm giữa ban ngày ở Hạ Long (Quảng Ninh) và một số tỉnh khác vào hôm 3/4, tôi cho rằng nguyên nhân là do một lượng lớn các đám mây dày đặc (còn gọi là mây tích) gây ra.

Có thể mây đen đã hấp thụ tới hơn 90% ánh sáng mặt trời và bao phủ trên diện tích lớn gây ra hiện tượng tối cục bộ ở một vài tỉnh như vậy”, ông Phường nói.

Hè năm nay sẽ nóng hơn?

Cũng theo ông Phường, thời gian diễn ra hiện tượng này tùy thuộc vào diện tích bao phủ và mật độ của đám mây. Thông thường thì nó chỉ diễn ra trong 5 – 10 phút.

“Đây không phải là hiện tượng hiếm gặp. Năm ngoái nó cũng từng xảy ra ở Hà Nội nhiều lần dù mức độ tối nhẹ hơn ở Quảng Ninh. Ở Hà Nội lượng mây không dày đặc và diện tích bao phủ của các đám mây không lớn nên trời chưa tối như ở Quảng Ninh vào hôm qua.

Tôi cho rằng đây cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy thời tiết đang có những diễn biến cực đoan hơn. Dông, lốc xuất hiện nhiều là dấu hiệu cho thấy mùa hè năm nay sẽ nóng hơn”, ông Phường nhấn mạnh.
Hôm qua, tại một số tỉnh, ngày bỗng nhiên biến thành đêm
Hôm qua, tại một số tỉnh, ngày bỗng nhiên biến thành đêm  
Trước đó, năm 2002, Hạ Long đã xảy ra hiện tượng “ngày biến thành đêm” và kèm với đó là trận mưa đá rất lớn, khiến nhiều người dân di chuyển trên phà Bãi Cháy bị thương.

Do vậy, trước sự việc này, ông Phường cảnh báo: “Đó là hiện tượng bình thường báo hiệu sắp có dông, mưa lớn. Người dân phải cảnh giác để phòng tránh rủi ro. Dù nó không gây ảnh hưởng, tác động lớn tới đời sống của người dân, nhưng người dân nên biết để hạn chế ra ngoài trời lúc mưa to”.

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn