Ngày biến thành đêm ở nhiều tỉnh: Điều gì bất thường?

Thời sựThứ Năm, 03/04/2014 04:03:00 +07:00

(VTC News)– Các chuyên gia về thời tiết lý giải nguyên nhân khiến ngày biến thành đêm ở một số tỉnh như Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng vào sáng 3/4.

(VTC News) – Các chuyên gia về thời tiết lý giải nguyên nhân khiến ngày biến thành đêm ở một số tỉnh như Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng vào sáng 3/4.

Sáng 3/4, một hiện tượng lạ đã xảy ra ở một số tỉnh như khu vực Hòn Gai, TP Hạ Long (Quảng Ninh), Thành phố Ninh Bình, Thành phố Nam Định, Thành phố Hải Phòng: giữa ban ngày, trời đột nhiên tối sầm như ban đêm.

Phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Đức, Nguyên phó Tổng Giám đốc, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia về hiện tượng này.

- Vì sao lại có hiện tượng trên thưa ông?

ông Phạm Văn Đức, Nguyên phó Tổng Giám đốc, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia
Ông Phạm Văn Đức, Nguyên phó Tổng Giám đốc, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia 
Có lẽ là do mây thấp với sương mù. Mấy ngày vừa qua sương mù nhiều trong đó có loại sương mù bình lưu. Loại sương mù này không chỉ xuất hiện vào ban đêm mà nhiều khi còn xảy ra cả vào ban ngày.

Cụ thể, khi các khối không khí lạnh, ẩm đến các vùng nóng hơn thì sẽ tạo thành sương mù. Nếu hiện tượng trên xảy ra vào ban ngày chứng tỏ sương mù rất dày đặc. Khi trên trời có nhiều mây, các đám mây dày đặc và ở tầm thấp cộng với sương mù, ta sẽ có cảm giác như trời tối sầm lại.

- Hiện tượng này có phổ biến không và thường xảy ra trong bao lâu?

Năm nào cũng vậy, ở miền Bắc cứ vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè, các đợt không khí lạnh đi qua đường biển vào đất liền nhất là vào những ngày ở đất liền ấm hơn thường sẽ tạo thành sương mù như trên.

Chuyện này xảy ra nhiều hay ít tùy từng nơi và hiện chưa có con số thống kê cụ thể. Tuy nhiên, tôi khẳng định đó không phải là hiện tượng hiếm gặp dù rằng nó không quá phổ biến.

Có khi nó kéo dài trong vài tiếng, nhưng cũng có lúc nó chỉ xảy ra trong vài phút rồi tan.

- Theo nhận định của ông, liệu hiện tượng này có tiếp tục xảy ra trong những ngày tới?

Chưa thể khẳng định nó có kéo dài hay không, tuy nhiên, chúng tôi đã từng có nghiên cứu chung về vấn đề này và thấy nó không có gì đáng lo ngại. 

- Đây là hiện tượng khí tượng thủy văn đơn thuần hay có liên quan tới cả thiên văn học?

Về thiên văn học chắc không có vấn đề gì đâu. Qua mô tả của người dân trên các phương tiện truyền thông, tôi cho rằng do những ngày qua thời tiết ở các khu vực đó trời nhiều mây, âm u cộng với cả sương mù nên trời mới tối sầm lại. Đó là một hiện tượng thời tiết thông thường thôi.

- Đây có phải là một dẫn chứng hiện hữu cho ảnh hưởng của biến đổi khí hậu?

Muốn biết chính xác hiện tượng trên có phải do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hay không phải có nghiên cứu cụ thể. Biến đổi khí hậu là một câu chuyện dài chứ không phải chỉ xảy ra trong vài ba năm.

Không thể cứ thấy hiện tượng khí hậu cực đoan nào là đổ ngay do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Về mặt khoa học, nếu muốn biết có đúng như vậy hay không thì phải có nghiên cứu cụ thể.

- Hiện tượng này có ảnh hưởng gì tới đời sống, sức khỏe của người dân không?

Ở Hạ Long (Quảng Ninh), trời bỗng nhiên tối sầm vào lúc 9h05 sáng nay. (Ảnh độc giả cung cấp)
Ở Hạ Long (Quảng Ninh), trời bỗng nhiên tối sầm vào lúc 9h05 sáng nay. (Ảnh độc giả cung cấp) 
Chắc không có vấn đề gì nghiêm trọng đâu. Nó cũng tương tự như các hiện tượng sương mù bình thường thôi. Tuy nhiên, nếu nói không gây ảnh hưởng gì thì cũng không phải.

Có sương mù đồng nghĩa với việc độ ẩm trong không khí tăng cao. Khi đó có thể một số người sẽ cảm thấy khó chịu. Ngoài ra, nó sẽ làm giảm tầm nhìn của mọi người.

- Theo ông, người dân nên làm gì để phòng tránh rủi ro?

Những người tham gia giao thông kể cả trên đất liền và trên biển cần đề phòng để tránh xảy ra va chạm.

- Xin cảm ơn ông!

Cũng trong chiều 3/4, trả lời phỏng vấn của phóng viên VTC News, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương Lê Thanh Hải cho biết:

“Đang có đợt mưa rào, dông nên ở các tỉnh ven biển cứ khi nào dông tố kéo đến, mây sẽ bao phủ cả bầu trời khiến trời tối đen như mực. Sau cơn dông trời lại sáng.

Đây không phải là hiện tượng lạ mà chúng ta vẫn hay gặp nó trong khoảng thời gian giữa mùa xuân với mùa hè.

Tôi nghĩ hiện tượng này không gây ảnh hưởng lớn tới người dân do sau cơn giông tiết trời sẽ mát mẻ hơn trong khi ta lại có thêm một lượng mưa đáng kể. Thậm chí điều này còn có lợi cho lúa xuân.

Hiện tượng này thường xuất hiện vào buổi sáng hoặc buổi chiều khi ánh sáng mặt trời chưa xuyên dẫn đến dễ che hơn. Vào buổi sáng nếu giông xuất hiện ở phía đông cũng là hướng mặt trời mọc. Còn vào buổi chiều, nếu dông ở phía tây thì mặt trời cũng bị che khuất.

Đây không phải là hiện tượng mê tín dị đoan nhưng do xảy ra ít nên người dân mới có cảm giác ngỡ ngàng như vậy. Tuy nhiên, khi xảy ra hiện tượng này thường kèm theo dông, lốc lớn hay mưa đá nên người dân cần hết sức cảnh giác để phòng tránh. Cần tìm nơi trú ẩn an toàn để tránh bị thương tích khi có kèm cả mưa đá.

Hiện nay mới chuẩn bị bắt đầu vào mùa mưa nên khả năng sẽ còn nhiều hiện tượng thời tiết như thế này xảy ra nên người dân càng phải chủ động phòng tránh”.


Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn