Ngân sách Nhà nước thu hơn 745 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

Kinh tếThứ Sáu, 12/07/2019 09:59:00 +07:00

Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình 6 tháng đầu năm 2019 cho biết, đến hết tháng 6/2019, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 745,4 nghìn tỷ đồng.

Sáng nay (12/7), Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Sơ kết trực tuyến ngành Tài chính năm 2019 nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2019.

Hội nghị có sự tham gia của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; đại diện lãnh đạo một số cơ quan Đảng, Quốc hội; đại diện các Sở Tài chính, Cục Hải quan, Cục Thuế …

Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm 2019 được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng GDP đạt 6,76%; các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị và trật tự xã hội được duy trì ổn định.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những rủi ro từ căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn; giải ngân vốn đầu tư công chậm; thiên tai, bão lũ, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường.

bo-tai-chinh-hoi-nghi

 Hội nghị Sơ kết trực tuyến ngành Tài chính năm 2019.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thực hiện Nghị quyết của Đảng và Quốc hội; dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu cao của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và của toàn ngành Tài chính, nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm đã đạt được kết quả tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Trong đó, có việc điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, góp phần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN. Thực hiện các giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ nhằm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ NSNN năm 2019, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi và tổng mức vay của NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Đến hết tháng 6/2019, tổng thu NSNN đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó: (i) thu nội địa đạt 51,1% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 47,6%), tăng 13,6%; (ii) thu dầu thô đạt 68% dự toán, bằng 100,7% so với cùng kỳ; (iii) thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 59,8% dự toán, tăng 13,7% so cùng kỳ năm 2018.

Cả thu NSTW và NSĐP đều đạt khá; trong đó, thu NSTW đạt 51,5% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 46,7%), mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây; thu NSĐP đạt 54,3% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 54%), với 50/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán.

Trong tổ chức thực hiện, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo triển khai tốt các luật thuế, giao chỉ tiêu phấn đấu thu, chỉ tiêu xử lý nợ đọng thuế, trên cơ sở yêu cầu các cơ quan Thuế, Hải quan phải phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ các khoản thu, mở rộng cơ sở thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ thuế, phấn đấu giảm số thuế nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu NSNN.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách về tài chính, thuế, phí phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập quốc tế; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp.

Về chi NSNN, 6 tháng đạt 666,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2018. Công tác quản lý chi NSNN chặt chẽ, theo đúng dự toán; yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chủ động rà soát, sắp xếp, thực hiện chi, mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi NSNN, góp phần nâng cao kỷ luật tài chính và hiệu quả sử dụng NSNN.

Trong 6 tháng đầu năm, NSTW đã sử dụng dự phòng khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng, để hỗ trợ một số địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ và phòng chống dịch, dập dịch tả lợn Châu Phi; đã xuất cấp 59,1 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ cho nhân dân và học sinh vùng khó khăn.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB 6 tháng đầu năm mới đạt 32,4% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cả mức thực hiện cùng kỳ năm 2018 (đạt 33,9%). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã định kỳ báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công và kiến nghị các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019; đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để thảo luận về các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong 6 tháng cuối năm.

Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ  đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài và xem xét ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới.

Cân đối NSNN 6 tháng đầu năm được đảm bảo; đã phát hành 112,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay của NSTW theo dự toán (trong đó đã trả nợ gốc tiền vay là 104 nghìn tỷ đồng) và nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội (7 nghìn tỷ đồng), với kỳ hạn bình quân 13,46 năm, lãi suất bình quân 4,86%/năm.

Bộ Tài chính đã phối hợp tích cực với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong điều hành ngân quỹ Nhà nước, phát hành trái phiếu Chính phủ, đẩy mạnh thu - chi NSNN không dùng tiền mặt, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, giảm chi phí cho công tác điều hành tiền tệ.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn