Ngân hàng tìm kiếm nhân lực chất lượng cao

Kinh tếThứ Năm, 16/05/2019 11:25:00 +07:00

Trong năm 2018, nhiều ngân hàng TMCP đã tích cực mở rộng quy mô nhân sự, từ 1000 tới hơn 2000 người.

Điều này cho thấy nỗ lực đẩy mạnh việc tuyển dụng nhân sự chất lượng cao để đáp ứng kế hoạch mở rộng hoạt động, phạm vi kinh doanh và nhu cầu phát triển của mỗi ngân hàng.

Hút nhân sự bằng chính sách đãi ngộ

Ngân hàng luôn là lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn và nghiệp vụ cao để tránh xảy ra những sai sót hay rò rỉ bảo mật. Tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực thu hút nhiều bạn trẻ vì lương, thưởng hấp dẫn. Các chương trình chiêu mộ nhân tài liên tục được các ngân hàng triển khai nhằm thu hút nhân sự có kinh nghiệm và trình độ về làm việc.

Nhân sự chất lượng cao hay cấp quản lý liên tục được tuyển dụng tại các ngân hàng. Nhóm đối tượng này có thể được hưởng mức lương lên tới trăm triệu đồng mỗi tháng và nhận được nhiều ưu đãi tùy theo năng lực và kinh nghiệm.

1

Nguồn nhân lực chất lượng cao được nhiều ngân hàng chú trọng phát triển 

“Công việc ngân hàng đòi hỏi sự tỉ mỉ và trách nhiệm nhưng bù lại tôi được hưởng mức thu nhập phù hợp với năng lực của bản thân. Vì vậy, tôi thấy những vất vả trong công việc là xứng đáng. Làm gì cũng cần có sự kiên trì và đam mê. Cống hiến nhiều hơn, làm tốt hơn, ngân hàng càng phát triển thì phúc lợi cho bản thân sẽ càng được cao”. Một cán bộ ngân hàng SHB chia sẻ.

Ngoài thu nhập hàng tháng, các ngân hàng cũng sử dụng các chính sách ưu đãi dành riêng cho nhân viên nội bộ để thu hút và giữ chân nhân sự. SHB hiện là 1 trong số các ngân hàng có chế độ đãi ngộ hấp dẫn trên thị trường nhân lực hiện nay.

Tại SHB, bên cạnh thu nhập cạnh tranh theo trình độ, năng lực, các nhân viên gắn bó lâu năm còn được hưởng gói cho vay ưu đãi lãi suất thấp để mua nhà trả góp, vay tiêu dùng cùng nhiều chế độ phúc lợi hấp dẫn khác hàng năm như mua bảo hiểm nhân thọ, nghỉ mát, teambuilding… Bên cạnh đó, ngân hàng còn thường xuyên tổ chức các chương trình thi đua nội bộ với các giải thưởng hấp dẫn cho cá nhân và tập thể, vừa khuyến khích để các đơn vị hoàn thành mục tiêu kinh doanh, đồng thời xây dựng văn hóa, môi trường làm việc cạnh tranh, công bằng và sáng tạo.

Công tác đào tạo trong lĩnh vực ngân hàng cũng được chú trọng để phát triển nguồn lực nội bộ, tạo cơ hội thăng tiến cho nhân viên. Các chương trình đào tại về nghiệp vụ, chính sách liên tục được tổ chức tại các ngân hàng không chỉ nhằm nâng cao chất lượng của cán bộ, nhân viên mà còn giúp nuôi dưỡng “nhân tài” cho các vị trí cao hơn ngay trong nội bộ các ngân hàng.

2

Gian hàng của SHB được nhiều sinh viên quan tâm trong “Cầu nối nhân lực” 2019. 

Nhân lực mới đáp ứng bước phát triển mới

Tính riêng trong năm 2018, số nhân sự tại các ngân hàng TMCP đã tăng gần 17.000 người so với đầu năm 2017. Trong thời gian gần đây, cùng với việc cập nhật công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ thì yếu tố con người lại càng được chú trọng để doanh nghiệp có thể làm chủ được hệ thống quản trị, đáp ứng các yêu cầu về mặt chính sách ngày một khắt khe.

Tại hội chợ việc làm – “Cầu nối nhân lực” 2019 được tổ chức mới đây bởi Học viện Ngân hàng và Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), 1000 vị trí tại các ngân hàng được tuyển dụng trực tiếp cũng cho thấy xu hướng mở rộng nhân sự hiện nay của lĩnh vực này. Tại Hội chợ, sinh viên được trực tiếp giao lưu với nhà tuyển dụng, được tư vấn giải đáp thông tin, hướng dẫn viết CV ứng tuyển, được nộp CV và được Nhà tuyển dụng sắp xếp phỏng vấn tuyển trực tiếp.

Ngoài ra, nhu cầu mở rộng và phát triển cũng mang đến nhiều cơ hội mới dành cho nhân sự ngành ngân hàng. Không chỉ bó hẹp phạm vi trong nước, nhiều ngân hàng đang tích cực mở rộng hoạt động tại các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, các công ty tài chính trực thuộc được mở ra đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm hiện đại của khách hàng càng khiến cho ngành ngân hàng “khát” nhân sự.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng nhận định, thời hoàng kim của ngành ngân hàng đang quay trở lại. Các báo cáo lợi nhuận nghìn tỷ hay mức thưởng cao dành cho nhân viên trong năm 2018 cho thấy lĩnh vực ngân hàng đang dần lấy lại vị trí “hot” của mình trong nền kinh tế./

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn