Ngân hàng Nhà nước: Gắng giảm lãi suất vay

Kinh tếThứ Bảy, 30/03/2013 07:32:00 +07:00

Điều kiện để tiếp tục hạ lãi suất huy động không còn nhiều nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng điều hành để lãi suất cho vay giảm xuống mức 9-10%/năm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, điều kiện để tiếp tục hạ lãi suất huy động không còn nhiều nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng điều hành để lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh giảm xuống mức 9-10%/năm.


Ngày 29/3, tại trụ sở UBND TP. Hà Nội, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hà Nội đã có buổi làm việc với Thành ủy, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội và DN của TP. Hà Nội.

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

Bà Nguyễn Thị Mai Sương – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hà Nội cho biết, công tác huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn được chú trọng, nguồn vốn tăng trưởng khá.

Tính đến cuối tháng 2/2013, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD Hà Nội đạt 857.473 tỷ đồng. Hai tháng đầu năm 2013, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác huy động vốn nhưng tiền gửi tiết kiệm dân cư vẫn tăng 4,69%.

Về tăng trưởng tín dụng, từ tháng 6/2012 do quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp về điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay nền kinh tế tại Hà Nội được thúc đẩy tăng mạnh, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực.

Đến cuối tháng 2/2013, dư nợ tín dụng đạt 616.600 tỷ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ tín dụng của ngành cho nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; dư nợ tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn chiếm 6,2% tổng dư nợ, tăng 14,3% so với cuối năm 2011; tín dụng đối với xuất khẩu chiếm 10% tổng dư nợ, tăng 15%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm 8,5% tổng dư nợ, tăng 9,5%; dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích giảm 10%. Riêng dư nợ cho vay các đối tượng chính sách xã hội tăng 9,25%.


Đánh giá khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, ông Nguyễn Huy Tưởng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, cùng với cả nước, kinh tế - xã hội của Thủ đô vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) quý I ước tăng 7,5%, cao hơn mức 7,3% của quý I/2012; trong đó, dịch vụ tăng 7,9% (cao hơn mức 7,8% của quý I/2012), công nghiệp – xây dựng tăng 7,3% (thấp hơn mức 7,9% của quý I/2012) và nông nghiệp tăng 5,6% (quý I/2012 giảm 2,9%).

“Tuy nhiên, công nghiệp – xây dựng tăng thấp hơn mức tương ứng của năm 2012. Thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng chưa có dấu hiệu hồi phục. Nhiều dự án đầu tư xây dựng giãn tiến độ hoặc tạm dừng. Giá trị tăng thêm ngành xây dựng tăng 7,7%, tương đương mức tăng cùng kỳ năm 2012” – ông Nguyễn Huy Tưởng lo ngại.

Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Thanh Sơn – Tổng giám đốc Tổng Công ty thực phẩm Hà Nội đã nói lên những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp của Thủ đô hiện nay. Ông Sơn cho biết, vấn đề khó khăn hiện nay của DN là ở khâu tiếp cận nguồn vốn vay.

Với doanh nghiệp lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn tốt thì có thể tín chấp vay vốn ngân hàng. Nhưng với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có vốn điều lệ thấp, công ty cổ phần đã nhỏ rồi tài sản thế chấp không có nên rất khó vay vốn. Trong khi đó, hiện nay vẫn tồn tại tâm lý ngân hàng sợ cho vay còn doanh nghiệp ngại vay.

Theo ông Vũ Thanh Sơn, với việc liên tiếp giảm lãi suất đầu vào thì hiện nay, lãi suất cho DN vay vốn khoảng từ 11-14%/năm, tùy từng ngân hàng. Những Ngân hàng thương mại lớn cho vay ra khoảng 11%/năm còn với Ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ hơn thì lãi suất cho vay phổ biến ở mức 12-14%/năm.

Song, với thực trạng chung của các doanh nghiệp như vậy, ông Sơn kiến nghị: ngân hàng kéo lãi suất giảm thêm nữa. Nếu giảm được ở mức xung quanh 10%/năm thì tốt cho doanh nghiệp; đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn điều lệ nhỏ cần có cơ chế để cho họ tiếp cận vốn tốt hơn; tiếp tục có chính sách giãn nợ cho doanh nghiệp...

Thừa nhận khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, tuy nhiên ông Nguyễn Minh Quang - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cho rằng, doanh nghiệp hiện nay vẫn đắn đo trong vay vốn và muốn lãi suất cho vay giảm nữa để giảm giá thành sản phẩm xuống.

“Song với những doanh nghiệp dù rất cố gắng, nỗ lực nhưng không vượt qua được khó khăn thì cũng nên để doanh nghiệp phá sản. Doanh nghiệp thì cũng để giống như lẽ tự nhiên của con người là có sinh, có tử.” – ông Quang ví von.

Đi thẳng vào vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, doanh nghiệp giải thể thì nhiều, nhưng doanh nghiệp phá sản thì ít. Nguyên nhân cũng một phần do quy trình thủ tục còn quá rườm rà. Chẳng hạn vấn đề xử lý tài sản có những doanh nghiệp 10-15 năm chưa xong. Vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực cùng Bộ Tư pháp tháo gỡ.

Phản hồi với các ý kiến của doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, với tình hình hiện nay chúng ta có thể bỏ được trần lãi suất. Tuy nhiên, nếu để thị trường điều tiết thì lãi suất sẽ giảm chậm hơn, phải mất nhiều thời gian.

Do đó, trong điều kiện kinh tế hiện nay, để việc hạ mặt bằng lãi suất nhanh hơn nên Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết định để trần lãi suất. Dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn của Ngân hàng Nhà nước cho rằng khả năng kiềm chế lạm phát năm nay ở mức dưới 7%.

Do đó, điều kiện để tiếp tục hạ lãi suất huy động không còn nhiều. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng điều hành để lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh giảm xuống mức 9-10%/năm. Với các khoản vay cũ phấn đấu đưa xuống dưới 13%/năm.

Về chính sách điều hành tỷ giá, người đứng đầu ngành Ngân hàng cho biết, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quan điểm tỷ giá ổn định nhưng không cố định. Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiết lộ: “Chỉ riêng hai tháng đầu năm 2013 Ngân hàng Nhà nước đã mua dự trữ ngoại hối 5 tỷ USD. Nếu Ngân hàng Nhà nước không mua vào số lượng ngoại hối trên thì tỷ giá còn rớt giá”.

Đối với vấn đề cơ cấu nợ và giãn nợ, cơ cấu lại nợ, các TCTD trên địa bàn Thủ đô đã cơ cấu nợ hơn 154 tỷ đồng, chiếm hơn 50% số dư nợ được cơ cấu lại của cả nước.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, mỗi một ngân hàng có tiêu chí đánh giá doanh nghiệp nhưng quan điểm chỉ đạo của hệ thống ngân hàng là không hạ chuẩn tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay trên cơ sở đánh giá doanh nghiệp, không câu nệ vào văn bản, làm sao để hai bên cùng chia sẻ, thông cảm lẫn nhau.

Theo Quang Cảnh/Thời báo ngân hàng
Bình luận
vtcnews.vn