Ngân hàng đối mặt với nợ xấu cao, nguy cơ bị thao túng

Kinh tếThứ Bảy, 01/11/2014 12:19:00 +07:00

(VTC News) – Thảo luận của các đại biểu Quốc hội cho thấy ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với nợ xấu và nguy cơ thao túng cao.

(VTC News) – Thảo luận của các đại biểu Quốc hội cho thấy ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với nợ xấu và nguy cơ thao túng cao.

Nợ xấu cao

Sáng 1/11, sau khi nghe Báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2015, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận. Trong đó hoạt động ngân hàng nhận được sự quan tâm lớn.

Trưởng ban giám sát Nguyễn Văn Giàu đánh giá việc xử lý nợ xấu chậm do vướng mắc cả về thể chế và mô hình. Hoạt động của VAMC còn gặp một số vướng mắc.

Nguyên nhân là do mặc dù không sử dụng tiền ngân sách để mua nợ xấu nhưng những trái phiếu đặc biệt của VAMC phát hành có thể được sử dụng để vay tái cấp vốn, tái chiết khấu với Ngân hàng Nhà nước; cùng với những bất cập trong quy định pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến khó xử lý nhanh và hiệu quả các khoản nợ xấu này.

nợ xấu
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn rất cao 

Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý cho mua bán nợ xấu chưa rõ ràng, thiếu cơ chế, nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu.

Đại biểu Phạm Hồng Phong (đoàn Hậu Giang)  phát biểu đánh giá chúng ta chưa có kinh nghiệm về xử lý nợ xấu trong khi các chế tài các chế định tài chính của nước ta chưa đạt yêu cầu, cải cách thể chế kinh tế còn chậm.

Đồng thời đại biểu băn khoăn nợ xấu sẽ tăng lên trong năm 2015 vì dự báo năm 2015 có khoảng 60.000 doanh nghiệp vắng mặt trên thị trường qua đó nợ xấu sẽ tăng. Đại biểu đề nghị: Chính phủ phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong tái cơ cấu nền kinh tế trong 3 lĩnh vực.

Đại biểu đề xuất về xử lý nợ xấu, đưa các tổ chức tín dụng hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, các tiêu chí cho vay, đánh giá tài sản đảm bảo theo tiêu chuẩn.

Theo đại biểu, giải quyết nợ xấu cần phải có nguồn lực. Nguồn lực lớn giải quyết nợ xấu nhanh hơn.
Vì vậy, phải có nguồn lực nhất định tham gia vào tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, về nợ xấu nói riêng. Theo đại biểu phải lấy nguồn lực trong cổ phần hóa ngân hàng thương mại, hiệu quả mang lại từ quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và các nguồn vốn khả dụng khác.

Nguy cơ thao túng

Trưởng ban Nguyễn Văn Giàu cho biết vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số ngân hàng thương mại cổ phần không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng.

Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng tổ chức tín dụng nói riêng cũng như toàn hệ thống tổ chức tín dụng nói chung, gây cản trở đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Bùi Mậu Quân (đoàn Hải Dương) đề cập đến an toàn ngân hàng. ĐẠi biểu cho biết từ đầu năm đến nay lực lượng công an chủ động phát hiện khởi tố điều tra 1.318 vụ, 20.109 tội phạm kinh tế. Một số vụ án lớn có thể kể đến như Vinashin, Vinalines, Bầu Kiên, Huyền Như, Công ty cho thuê tài chính II Agribank, Trường Ngân,…

Tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngày một tinh vi như lấy cắp tiền, tội phạm công nghệ cao, lấy cấp thẻ tín dụng, rửa tiền, tiền ảo diễn ra phức tạp.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn