Ngân hàng đang ‘chạy đua’, lãi suất có căng thẳng trong năm 2016?

Kinh tếThứ Bảy, 05/03/2016 12:09:00 +07:00

Nhiều ngân hàng đang lao vào “cuộc đua” tăng lãi suất huy động khiến nhiều người lo ngại lãi suất sẽ căng thẳng trong năm 2016.

(VTC News) – Nhiều ngân hàng đang lao vào “cuộc đua” tăng lãi suất huy động khiến nhiều người lo ngại lãi suất sẽ căng thẳng trong năm 2016.

Ngân hàng vào “cuộc đua” tăng lãi suất


Từ tháng 1/2016, một số ngân hàng âm thầm tăng lãi suất. Tới cuối tháng 2, cuộc đua tăng lãi suất trở nên nóng hơn với sự tham gia của nhiều đơn vị khác. Hiện tại, mức lãi cao nhất trên thị trường là 8%/năm được áp dụng tại một số ngân hàng thương mại cổ phần.

Trong quý 4/2015, Eximbank là một trong số ít ngân hàng thua lỗ và đạt tăng trưởng tín dụng âm, huy động vốn èo uột. Vì vậy, Eximbank đang thúc đẩy huy động vốn. Một trong những biện pháp hữu hiệu đưa ra bảng lãi suất hấp dẫn.

Từ 24/2, Eximbank áp dụng biểu lãi suất mới. Theo đó, mức lãi cao nhất 8%/năm nhưng chỉ áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng và có số tiền gửi trên 10 tỷ đồng. Còn với khách thông thường, mức ưu đãi cao nhất chỉ là 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.

Lãi suất cao nhất tại Seabank cũng là 8%/năm. Kỳ hạn áp dụng là 13 tháng. Tuy nhiên, Seabank không công bố công khai các tiêu chí áp dụng cho mức lãi suất này. Muốn biết, khách hàng phải liên hệ trực tiếp với ngân hàng. Với khách hàng bình thương, SeaBank áp dụng lãi suất cao nhất chỉ là 6,95% cho kỳ hạn 36 tháng.

VPBank là trường hợp đặc biệt. Trong khi đa số các đơn vị còn lại đồng loạt tăng lãi suất huy động, VPbank lại giảm nhẹ. Kể từ 23/2, ngân hàng này áp dụng biểu lãi suất mới với lãi suất cao nhất là 7,8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng với số tiền trên 5 tỷ.

Còn lại, khách chỉ được hưởng lãi suất cao nhất là 7,6%/năm. Trước đó, hồi đầu tháng 1/2016, tại VPBank, mức lãi suất  cao nhất là 8,1%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, cho khoản tiền gửi trên 10 tỷ đồng.

Nếu gửi tiết kiệm online, doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí còn được nhận mức lãi suất cao hơn 8,2%/năm. Với khoản tiền gửi này, VPBank không áp giá trị hợp đồng.

Baovietbank cũng nằm trong Top đầu các đơn vị có mức lãi suất huy động cao nhất. Nếu gửi tiết kiệm ở BaoVietbank với kỳ hạn 36 tháng, khách hàng sẽ nhận được lãi suất lên tới 7,6%/năm. Thấp hơn một chút, lãi suất 7,5%/năm được áp dụng tại NCBbank, OCB,...

Lãi suất sẽ căng thẳng trong năm 2016?

Nhiều ngân hàng đang lao vào “cuộc đua” tăng lãi suất huy động khiến nhiều người lo ngại lãi suất sẽ căng thẳng trong năm 2016. Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Bùi Quốc Dũng đã lên tiếng trấn an nỗi lo này.

Ông Dũng thừa nhận sang năm 2016, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động theo hướng không thuận lợi, áp lực huy động vốn trái phiếu chính phủ tiếp tục tăng cao và nhu cầu tín dụng trung dài hạn gia tăng thì áp lực lên mặt bằng lãi suất là rất lớn.

Theo ông Dũng, với lạm phát được dự báo quanh mức 4-5% trong năm 2016 so với mức chỉ 0,6% của năm 2015, cho thấy kỳ vọng lạm phát năm nay cao hơn nhiều so với năm trước, qua đó gián tiếp tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động
Bên cạnh đó, mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,68% của năm ngoái và cao hơn so với bình quân cả giai đoạn 2011 – 2015 (5,88%), phản ánh nhu cầu vốn tín dụng năm 2016 sẽ tiếp tục gia tăng.

Ngoài rá, việc lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng mạnh từ mức 5,4%/năm lên gần 7%/năm trong năm 2015, cùng với đó, dự kiến nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu chính phủ trong năm 2016 còn cao hơn năm 2015 sẽ tạo áp lực rất lớn lên mặt bằng lãi suất trung và dài hạn.

Trong điều kiện thách thức như vậy, ông Dũng khẳng định NHNN sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế.

Đồng thời, NHNN sẽ điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp với tương quan với lãi suất thị trường 1, đảm bảo thanh khoản cho toàn toàn hệ thống, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.

Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ tiếp tục có các giải pháp, công cụ điều hành mới, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và điều kiện của thị trường tiền tệ nhằm nâng cao khả năng điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.

“Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như vậy, việc thực hiện mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 là khả thi” – Ông Dũng khẳng định.

Thanh Hà

Bình luận
vtcnews.vn