Ngân hàng đang ‘ăn dày’?

Kinh tếThứ Sáu, 17/08/2012 01:05:00 +07:00

(VTC News) – Dư luận cho rằng, các ngân hàng đang “ăn dày” mức chênh lệch lãi suất cho vay 15% và huy động 6%. Sự thực có phải như vậy?

(VTC News) – Dư luận cho rằng, các ngân hàng đang “ăn dày” mức chênh lệch lãi suất cho vay 15% và huy động 6%. Sự thực có phải như vậy? 

Lợi nhuận chênh lệch 2-3%

Trước dư luận cho rằng, các ngân hàng đang “ăn dày” mức chênh lệch lãi suất cho vay 15% và huy động 6% chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu đưa ra tính toán và cho biết, trong 6% nhận về, ngân hàng phải có dự trữ bắt buộc với các khoản tiền gửi và dự phòng thanh khoản. Trong 100 đồng tiền khách hàng gửi vào, ngân hàng phải giữ 1 đồng trong tủ sắt, trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu 0,75%. Các phần chi phí khác bao gồm trả cho bảo hiểm tiền gửi và phát sinh khoảng 2-2,5%, tính tổng là 3-3,5%.

“Như vậy, lãi thực tế của ngân hàng chỉ khoảng 2,5-3%”, ông Hiếu phân tích.

Ông Hiếu cho rằng, không ngạc nhiên nếu có ngân hàng báo lỗ trong năm nay (Ảnh minh họa internet) 

Ông Hiếu cho biết, với 1 khoản nợ xấu 100% mất vốn, ngân hàng cần phải có 50 cái vay mới tương đương để bù trừ thiệt hại. Như vậy những món nợ mới đang phải chịu gánh nặng của nợ cũ và nhiều ngân hàng rất khó khăn.

“Tôi cho rằng sẽ không ngạc nhiên nếu có ngân hàng báo lỗ từ nay đến cuối năm và đưa ra dự đoán, ngành tài chính, ngân hàng cuối năm sẽ thất thu lớn”, ông Hiếu nói.

Đối với chính sách đưa lãi suất cho vay các khoản cũ về 15%/năm, ông Hiếu cho rằng không nên duy trì quá lâu. Bởi  một doanh nghiệp ngay cả khi kinh doanh tốt, biên độ lợi nhuận ít nhất phải 30% mới có thể trả nợ ngân hàng. Số 30% này có thể dùng 15% để trả ngân hàng, 15% còn lại để trả cổ tức, thuế, số giữ lại 5-10%.

“Hiện số doanh nghiệp có lợi nhuận 30% là rất ít. Do đó giải pháp đưa lãi vay về 15% cũng có tác dụng nhưng dường như không lớn”,  ông Hiếu nêu quan điểm.

Vì vậy, chuyên gia này kiến nghị, cơ quan quản lý nên thả nổi lãi suất theo thị trường bởi một khi được thả nổi, lãi suất cho vay buộc phải đi xuống do các ngân hàng cạnh tranh với nhau. Khi đó, lãi suất tiền gửi cũng phải hạ xuống bởi không ngân hàng nào dám cho vay thấp mà lại huy động cao. “Trần lãi suất hiện nay tạo tâm lý cho cả người vay và người gửi. Tâm lý người gửi tìm chỗ cao khiến ngân hàng đua nhau vượt rào, còn người đi vay luôn đi tìm lãi suất thấp hơn”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Ngân hàng Nhà nước đang “cô độc”

Đồng quan điểm này, chuyên gia tài chính TS. Vũ Đình Ánh, cho rằng đây là thời điểm Ngân hàng Nhà nước nên cho lãi suất theo thị trường, nếu kéo dài quá lâu sẽ làm thị trường méo mó. Ngân hàng Nhà nước đang quá “cô độc” trong việc đưa ra các giải pháp cứu DN, trong khi thực tế đòi hỏi nhiều hơn thế.

"Vì sao chỉ mỗi Ngân hàng Nhà nước đơn độc trong câu chuyện tháo gỡ khó khăn cho DN, mà chưa thấy sự vào cuộc quyết liệt nào của các bộ, ngành.

Mới đây Bộ Công Thương cũng đề xuất hẳn một đề án tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng rốt cuộc khuyến nghị đưa ra vẫn là giảm lãi suất, vẫn là câu chuyện thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước ", ông Ánh băn khoăn.

 Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ  cho hay: Để hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cung tiền cho các ngân hàng thương mại có khả năng tăng trưởng tín dụng tốt qua kênh tái cấp vốn, thị trường mở... nhằm tạo nguồn cung cấp tín dụng. Tuy nhiên, việc điều hành cung tiền cũng được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát theo diễn biến của lạm phát.

Hoàng Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn