Ngăn cản việc phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là vi phạm pháp luật

Tin nhanh 24hThứ Ba, 31/05/2022 11:57:36 +07:00
(VTC News) -

ĐBQH nhấn mạnh việc lợi dụng quyền bảo hộ tác giả, quyền liên quan để ngăn cản việc phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là hành vi vi phạm pháp luật, cần được xử lý.

Sáng 31/5, thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ,  ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cho rằng, về sở hữu trí tuệ với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là góp phần tích cực trong giáo dục con người Việt Nam nói chung, thế hệ trẻ nói riêng, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, quốc gia, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, thực tế đã có tình trạng ngăn cản việc phổ biến Quốc ca. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, bởi Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là sản phẩm tinh thần của cả dân tộc Việt Nam chứ không của riêng cá nhân, tổ chức nào.

“Hành vi cản trở, xúc phạm, lợi dụng quyền bảo hộ tác giả, quyền liên quan để ngăn cản việc phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là hành vi vi phạm pháp luật và cần được xử lý. Không tổ chức, cá nhân nào được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”, ĐBQH Nguyễn Hải Anh nhấn mạnh.

Ngăn cản việc phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là vi phạm pháp luật - 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận tại hội trường sáng 31/5 (Ảnh: Quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong báo cáo, Chính phủ đề nghị quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng.

Việc này vừa bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến đến nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế diễn ra thường xuyên, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể dục thể thao ở trong nước, nước ngoài và cả trên không gian mạng trở nên phổ biến hơn.

Việc tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu vừa bảo đảm sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội, vừa bảo đảm quyền thụ hưởng của người dân.

“Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”, ông Tùng nhấn mạnh.

Qua nghiên cứu, thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với sự cần thiết bổ sung quy định: Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ngăn cản việc phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là vi phạm pháp luật - 2

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp): "Tổ chức, cá nhân ngăn cản việc phổ biến Quốc ca là hành vi vi phạm pháp luật, bởi Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là sản phẩm tinh thần của cả dân tộc Việt Nam chứ không của riêng cá nhân, tổ chức nào".

Dưới góc độ bản quyền, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, nếu không quy định cụ thể quyền liên quan thì xảy ra trường hợp nhân danh sáng tạo nghệ thuật, nhân danh tổ chức có quyền liên quan để ngăn cản việc phổ biến, tiếp cận Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. 

“Khi sử dụng tác phẩm của các cơ quan nhà nước thì không phải xin phép, không phải trả tiền. Tuy nhiên, chúng ta cần có thêm quy định để đảm bảo tính pháp lý, sự tôn nghiêm, đáp ứng nhu cầu phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, tránh việc lạm dụng để có hành vi cản trở, ngăn cản phổ biến tác phẩm”, ông Trí nói.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Ủy ban Pháp luật ủng hộ bổ sung quy định việc sử dụng, phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, nâng cao tinh thần cho người Việt, nhưng không trái với thông lệ quốc tế.

Ngăn cản việc phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là vi phạm pháp luật - 3

Các đại biểu thảo luận tại hội trường sáng 31/5. (Ảnh: Quochoi.vn)

Nêu ví dụ về trường hợp từng xảy ra việc bản Quốc ca Việt Nam vang lên thì bị tắt tiếng trên một số kênh YouTube tiếp sóng trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Lào tại vòng bảng AFF Suzuki Cup 2020 mà nhiều báo gọi tên thủ phạm là BH Media, ông Tùng cho biết chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý trường hợp ngăn cản, cản trở việc phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

"Không có bất cứ tổ chức, cá nhân nào có thể ngăn cản việc phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý mọi trường hợp vi phạm", ông Tùng cho biết.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp