Nga xây dựng căn cứ hải quân chiến lược ở Bắc Cực

Thế giớiThứ Ba, 07/08/2012 06:08:00 +07:00

(VTC News)- Để khẳng định vai trò quốc gia "chủ chốt" ở Bắc Cực, Nga quyết định xây dựng một số căn cứ hải quân chiến lược dọc Biển Bắc, theo RIA Novosti.

(VTC News) – Nga sẽ xây dựng thêm một số trạm hải quân trên Đường Biển Bắc (Northern Sea Route) để phục vụ tàu chiến cũng như tàu cảnh giới của nước này ở vùng Bắc Cực, tờ RIA Novosti dẫn lời Giám đốc Ủy ban An ninh Nga Nikolai Patrushev hôm 6/8.

Theo đó, các nhà chức trách đã lên danh sách một số căn cứ điểm ở những khu vực hẻo lánh trên biển Bắc “đóng vai trò như các trạm hải quân tạm thời phục vụ tàu chiến Nga và hỗ trợ các tàu hải giám của Cơ quan Bảo vệ Biên giới, trực thuộc Cục An ninh Liên bang”.
Đường Biển Bắc (Northern Sea Route) được tính là đường hàng hải bao quanh biên giới Nga nằm trong vùng Bắc Cực, bắt đầu từ Murmansk ở Biển Barents cho tới Dải Bering ở Viễn Đông.
 Đường Biển Bắc (màu đỏ) là đường hàng hải chiến lược của Nga ở vùng Bắc Cực
Kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân trên đường biển trọng yếu này đã sớm được Moscow thông qua vào năm 2008 với các chính sách quốc gia nhằm duy trì vai trò “chủ chốt” của Nga ở Bắc Cực.
Nga cũng đang thực hiện chủ trương triển khai lực lượng vũ trang tổng hợp tới năm 2020 làm nhiệm vụ bảo vệ lợi ích chính trị - kinh tế của chính quyền Moscow ở vùng Bắc Cực giàu tiềm năng. 
Tuy nhiên, hôm 6/8, Giám đốc Ủy ban An ninh Nga Patrushev cũng cho biết tiến trình xây dựng căn cứ ở Bắc Cực còn đang gặp một số trở ngại nhất định.
“Đã có kiến nghị lên chính phủ về việc thành lập một đội thám hiểm, thực hiện các chuyến đi thăm dò dọc Đường Biển Bắc để tìm hiểu địa thế cũng như xác định những cơ sở pháp lý có liên quan nhằm xây dựng các cơ sở hải quân thích hợp. Thế nhưng đề xuất này đến này gần như vẫn chưa được hiện thực hóa”, ông Patrushev nói.
Bắc Cực được đánh giá là vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên và đang là tâm điểm tranh chấp giữa Mỹ, Nga, Canada, Na Uy và Đan Mạch trong nhiều năm trở lại đây.
Thậm chí, căng thẳng giữa các nước xoay quanh vấn đề chủ quyền ở Bắc Cực còn có dấu hiệu leo thang khi nhiệt độ trái đất ngày càng tăng khiến lớp băng tuyết tan nhiều để lộ ra những lối đi thuận tiện hơn cũng như tạo điều kiện cho việc khai thác nguồn dầu khí khổng lồ dưới đáy biển.
 Tàu biển Nga hoạt động trên Đường Biển Bắc (Northern Sea Route)
Trước đó, vào tháng 4/2012, chính phủ Nga đã tuyên bố các dự án có vốn đầu tư lên tới 44 tỉ USD trong lĩnh vực phát triển kinh tế và xã hội vùng Bắc Cực đến trước năm 2020.
Theo thông tin từ Bộ Phát triển Vùng miền Nga, các dự án này bao gồm việc thiết lập hành lang vận tải, xây dựng các cơ sở thăm dò địa chất cùng các công trình xã hội mới trong khu vực. 
Trong đó, hạng mục đầu tư tư nhân dự kiến có thể đóng góp khoảng 2.7 tỉ USD cho việc triển khai các dự án.
Giám đốc Ủy ban An ninh Nga, hôm 6/8 cũng cho biết chính quyền Moscow đang xem xét việc ban hành một chế độ thuế phù hợp để khuyến khích các hoạt động kinh tế trong vùng lãnh hải của Nga ở Bắc Cực. 
Ngoài ra, một số điều chỉnh liên quan tới luật thương mại hàng hải trên Đường Biển Bắc cũng đang được đề xuất, ông Patrushev nói thêm.

Hạ Giang
Bình luận
vtcnews.vn