Tư liệu

Nga ‘vô hiệu hoá’ đòn trừng phạt phương Tây thế nào?

Thứ Ba, 07/03/2023 09:33:10 +07:00

(VTC News) - Nga từng bước tìm cách hoá giải tác động đòn trừng phạt chưa từng có của phương Tây sau chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine.

Nga hứng chịu liên tiếp biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh sau khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine tháng 2 năm ngoái, trở thành quốc gia bị cấm vận nhiều nhất trên thế giới. Mục đích của phương Tây tung đòn cấm vận lên Nga là làm cho nước này kiệt quệ, bị cô lập với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, Moskva từng bước hoá giải tác động từ các hạn chế của phương Tây, tiếp tục tìm kiếm đối tác, liên minh mới.

Nga đứng vững trước bão trừng phạt

Nga hiện là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, với hơn 5.500 lệnh cấm. Trong đòn trừng phạt của phương Tây, đáng chú ý là việc loạt ngân hàng lớn nhất của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, tàu ​​và máy bay của Nga bị cấm đi vào cảng và không phận của họ, đồng thời áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Moskva đối với công nghệ lõi, tiên tiến...

Vào thời điểm phương Tây tung ra các lệnh trừng phạt, loạt quan chức từ Mỹ, Đức, Pháp cảnh báo hệ lụy với kinh tế Nga. Trong bài phát biểu tại Ba Lan vào tháng 3 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói những hạn chế sẽ khiến đồng rúp của Nga biến thành “đồng nát”, dự báo kinh tế Nga trên “đường sụt giảm một nửa”. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định những hạn chế của phương Tây sẽ gây ra “sự sụp đổ” kinh tế Nga. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố biện pháp cấm vận sẽ là đòn giáng mạnh vào Moskva. Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng lệnh cấm vận của EU sẽ làm tê liệt nguồn tài chính cung cấp cho chiến dịch quân sự của Nga.

Không những chính trị gia phương Tây mà nhiều tổ chức, viện nghiên cứu đồng loạt dự báo về nguy cơ đối với kinh tế Nga. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự báo GDP của Nga giảm 15% vào năm 2022, trong khi hãng dịch vụ tài chính JP Morgan nhận định GDP Nga giảm mức 12%.

Tuy nhiên, thực tế khác so với dự báo. Mặc dù lệnh trừng phạt khiến đồng rúp giảm giá trị vào thời điểm đầu và lạm phát tăng vọt, song tác động gây sốc này chỉ diễn ra thời gian ngắn. Trong vòng vài tuần, đồng rúp phục hồi giá trị trước xung đột. Tương tự, lạm phát đạt mức cao nhất là 17,8% vào tháng 4/2022 và sau đó bắt đầu giảm dần, chạm mức 11,8% vào tháng 1/2023.

Tăng trưởng kinh tế Nga chỉ giảm 2,5% trong năm ngoái - mức giảm nhỏ hơn đáng kể so với mức giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 (5,3%) và cuộc đại suy thoái năm 2008 (7,9%). Trái với dự đoán của nhiều nhà kinh tế phương Tây, tỷ lệ thất nghiệp của Nga không những không tăng mà thực tế đã chạm mức thấp kỷ lục thời hậu Xô Viết là 3,7% vào tháng 12/2022. 

Bất chấp những hạn chế mới về tài chính và hậu cần đối với các nhà xuất khẩu Nga, quan hệ thương mại giữa Moskva với nước ngoài vẫn mạnh mẽ. Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đạt mức cao kỷ lục 227,4 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 86% so với năm 2021.

Mới đây, Đại học St.Gallen (Thụy Sĩ) cho hay, chỉ 8,5% công ty châu Âu và G7 thoái vốn khỏi Nga trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 11 năm ngoái. Đồng thời, kim ngạch thương mại của Nga với cường quốc kinh tế ngoài phương Tây như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia tăng vọt.

Đầu tháng này, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell thừa nhận chiến lược trừng phạt của phương Tây đối với Nga không diễn ra theo kế hoạch. "Đúng là nền kinh tế Nga không sụp đổ và GDP không giảm như dự báo. Năm ngoái, doanh thu Nga cao bất thường từ dầu khí", ông nói trong một bài phát biểu tại cuộc họp Hội đồng châu Âu.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hôm 20/2 cũng nói rằng khối này đã áp đặt tất cả lệnh trừng phạt chính nhằm vào Nga và đến nay gần cạn biện pháp hạn chế. “Lệnh trừng phạt chính đã được đưa ra sau khi EU hạn chế đối với nhiên liệu hóa thạch của Nga. Một khi đã thực hiện hạn chế này, EU không còn nhiều việc để làm”, ông nói.

Nga ‘vô hiệu hoá’ đòn trừng phạt phương Tây thế nào? - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng dự báo đòn trừng phạt của Mỹ và đồng minh sẽ khiến đồng rúp của Nga biến thành “đồng nát”, kinh tế Nga trên đường sụt giảm một nửa. (Ảnh: WSJ)

Nga 'né' trừng phạt thế nào?

The New York Times nhận định, các chỉ số về nền kinh tế Nga trong thời gian qua đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của lệnh trừng phạt mà phương Tây. Nhiều nước gặp khó trong việc cắt đứt hoặc giảm bớt quan hệ thương mại với Nga, nhất là giảm phụ thuộc năng lượng và hàng hóa cơ bản khác từ Moskva. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga có biện pháp đảm bảo giá trị đồng rúp và giữ cho thị trường tài chính ổn định.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, khả năng phục hồi của nền kinh tế Nga chủ yếu không phải do năng lực về mặt kỹ thuật của ngân hàng trung ương hay các biện pháp trừng phạt chưa đạt hiệu quả, mà do lỗ hổng trong lệnh trừng phạt.

Oleg Itskhoki, giáo sư tại Đại học California, Los Angeles, cho biết: “Việc không sớm áp đặt lệnh cấm xuất khẩu của Nga dẫn đến thặng dư thương mại và tài chính cao kỷ lục. Điều này mang lại cho Nga ‘tấm đệm’ tài chính lớn, đủ để chống chọi với các biện pháp trừng phạt. Phương Tây chỉ hạn chế hàng nhập khẩu của Nga, trong khi hàng xuất khẩu vẫn tiếp tục hoạt động. Kết quả là ngành công nghiệp ô tô và điện của Nga gặp khó khăn nhưng việc xuất khẩu dầu và khí đốt thì không”.

Bên cạnh đó, đòn trừng phạt của EU gặp khó khăn khi khối không đạt được sự đồng thuận của của toàn bộ liên minh. Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhấn mạnh lệnh cấm vận gây tổn hại cho EU nhiều hơn so với Nga. Gần đây, ông nói đòn trừng phạt mà EU áp đặt đối với Nga khiến kinh tế Hungary thiệt hại 10 tỷ euro.

Trong số các thành viên NATO, việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tham gia trừng phạt Nga cũng đã trở thành một vấn đề lớn. Ankara phản đối hạn chế của phương Tây với Nga, trong khi tiếp tục nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Tính đến quý 3/2022, nhập khẩu của Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên hơn 1 tỷ USD/tháng, gần gấp đôi con số cùng kỳ năm trước.

Trong suốt xung đột, Nga duy trì thương mại với các quốc gia khác như Trung Quốc bằng cách xuất khẩu hàng hóa như dầu, khí đốt, than và uranium và hợp tác với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để xuất khẩu dầu. Điều đó giúp giữ cho nền kinh tế Nga phát triển. 

Nga ‘vô hiệu hoá’ đòn trừng phạt phương Tây thế nào? - 2

Dầu Nga vẫn tìm được đường đến tay khách hàng khắp thế giới trước bão trừng phạt của phương Tay. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, thu nhập từ nhiên liệu hóa thạch của Nga đạt 1,08 tỷ USD/ngày trong quý 2/2022 khi giá tăng. Con số này giảm xuống còn khoảng 560 triệu USD/ngày trong tháng 2/2023, song đây vẫn là nguồn doanh thu khổng lồ. Đức đã mua 24 tỷ euro nhiên liệu hóa thạch của Nga tính từ tháng 2 năm ngoái.

Mọi lĩnh vực của nền kinh tế Nga từ khí đốt, dầu mỏ, tài chính, thương mại, công nghệ... đều bị ảnh hưởng bởi loạt hạn chế của phương Tây. Thế nhưng, công ty Nga dần thích nghi. Bị loại trừ khỏi hệ thống SWIFT, các ngân hàng Nga dựa vào bên trung gian để né đòn trừng phạt.

Theo đó, hàng hóa phương Tây được nhập khẩu vào Nga thông qua nước thứ ba như Kyrgyzstan, Armenia hoặc Georgia. Đây là những quốc gia có biên giới nằm ở trung tâm của các tuyến thương mại, cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp Nga.

The New York Times cho biết, trong tháng 1, Armenia ghi nhận sự bùng nổ trong lĩnh vực nhập khẩu và xuất khẩu điện thoại thông minh sang Nga. Các lô hàng điện thoại từ nhiều nước nhập khẩu vào nước này đã tăng vọt, lên gấp hơn 10 lần so với những tháng trước.

Ông Andrew S. David, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Tổ chức thúc đẩy chính sách Silverado (Mỹ), nhận định xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đạt mức cao kỷ lục trong tháng 12/2022, giúp bù đắp cho sự sụt giảm mạnh trong thương mại với châu Âu. Điện thoại của Apple và Samsung cũng bắt đầu tìm đường quay trở lại Nga, thông qua các nước láng giềng thân thiện, các chuyến hàng chở mặt hàng khác đến Nga cũng tăng trở lại.

Trong khi đó, ngành công nghiệp thực phẩm cũng có thể phục hồi nhờ sự xuất hiện của các công ty địa phương thay thế thương hiệu phương Tây, như Pepsi hay Coca-Cola.

Phương Tây cũng áp đặt giới hạn giá dầu xuất khẩu của Nga không được vượt quá 60 USD/thùng, đồng thời áp hạn chế đối với lĩnh vực bảo hiểm hàng hải nhằm chặn doanh thu của Moskva. Một số nhà phân tích cho rằng Nga đang né đòn này bằng cách sử dụng tàu không phụ thuộc vào bảo hiểm hoặc tài chính của phương Tây.

Theo ông Ami Daniel, giám đốc điều hành của công ty dữ liệu hàng hải Windward, ông đã chứng kiến hàng trăm trường hợp người dân từ các quốc gia như Các Tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Indonesia và Malaysia mua tàu để vận chuyển dầu thuê cho Nga.

Ông Daniel cho biết công ty của ông cũng đã ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ trong các hoạt động vận chuyển được xem là nỗ lực của Nga nhằm tránh đòn trừng phạt, bao gồm chuyển dầu ở vùng biển xa, vùng biển quốc, cũng như tắt thiết bị theo dõi vệ tinh hoặc truyền tọa độ giả nhằm tránh bị kiểm soát.

Nga ‘vô hiệu hoá’ đòn trừng phạt phương Tây thế nào? - 3

Doanh thu Nga vẫn tăng mạnh nhờ nguồn thu bán dầu ra nước ngoài. (Ảnh: AP)

Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến?

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng dự báo tăng trưởng nền kinh tế Nga trong năm nay. Theo đó, kinh tế Nga có thể tăng trưởng 0,3%, trong khi dự báo trước đó là giảm 2,3%. Theo IMF, tăng trưởng kinh tế Nga sẽ vượt qua Đức và Anh vào năm 2023.

Theo dự báo của IMF, xuất khẩu dầu thô của Nga vẫn sẽ tăng mạnh bất chấp việc áp trần giá của phương Tây. Đáng chú ý, Moskva chuyển hướng giao dịch thương mại sang những quốc gia chưa áp lệnh trừng phạt.

Giới chuyên gia nhận định, dù đứng vững trước lệnh trừng phạt của phương Tây song dường như kinh tế Nga sẽ bị suy yếu về lâu dài và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn. Trước mắt, tác động đòn trừng phạt vẫn chưa rõ rệt với Nga, điều này sẽ được cảm nhận về lâu dài, nhất là với dầu mỏ - nguồn thu nhập chính của ngân sách Nga.

Kể từ tháng 12 năm ngoái, lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô của Nga có hiệu lực. Theo đó, EU giới hạn giá đối với các thùng dầu Nga được vận chuyển qua các tuyến đường biển. Kể từ ngày 5/2, cơ chế tương tự được áp dụng cho các sản phẩm dầu tinh luyện.

Những lệnh cấm vận này có thể ảnh hưởng đáng kể đến ngân sách Nga. Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), EU đã trả 84 tỷ euro cho Nga để mua dầu kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

"Đây mới chỉ là khởi đầu. Các lệnh trừng phạt đối với Nga như một cuộc chạy marathon hơn là chạy nước rút. Trong những tháng tới, Nga sẽ cần phải tìm lời giải tìm nguồn tài chính hỗ trợ cho chiến dịch ở Ukraine, đồng thời duy trì các khoản trợ cấp xã hội để tránh tình trạng bất ổn", Agathe Demarais, giám đốc dự báo toàn cầu tại Economist Intelligence Unit, cho biết.

David Teurtrie -  giảng viên tại Học viện Công giáo Vendée, Pháp, cảnh báo: “Giá dầu thấp chắc chắn tác động đến ngân sách Nga, nhưng thị trường sẽ ổn định”. Theo nhà nghiên cứu này, Nga còn lâu mới bị tê liệt về kinh tế như phương Tây kỳ vọng và Moskva có thể hoá giải đòn trừng phạt của Mỹ và đồng minh.

Kông Anh
Bình luận
vtcnews.vn