Ngành thuế tích cực chống thất thu thuế

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Hai, 05/09/2022 14:38:50 +07:00
(VTC News) -

Thời gian qua, ngành thuế có nhiều giải pháp chống thất thu thuế, trong đó việc đẩy mạnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế là một giải pháp trọng tâm.

Riêng 8 tháng đầu năm 2022 đã thực hiện 37,62 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị truy thu vào NSNN khoảng 7,72 nghìn tỷ đồng, giảm khấu trừ 1,1 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ 26,65 nghìn tỷ đồng.

Kiểm soát hoạt động thanh, kiểm tra

Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biện pháp kiểm soát các hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lắp với kế hoạch của cơ quan thuế cấp trên và cơ quan chức năng khác theo quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp kết hợp với việc kiểm tra sử dụng hóa đơn nhằm kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp của doanh nghiệp, qua đó xử lý vi phạm về hóa đơn, về thuế theo quy định.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT, thực hiện đánh giá, phân loại rủi ro các hồ sơ hoàn để thực hiện thanh tra, kiểm tra 100% trong vòng một năm (kể từ thời điểm hoàn thuế) đối với các hồ sơ xác định có rủi ro cao đặc biệt với hoàn thuế xuất khẩu một số mặt hàng như: tinh bột sắn, cao su, hạt điều, dăm gỗ, nông sản...

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát việc kê khai và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính; thực hiện rà soát, phân tích rủi ro và tiến hành thanh tra kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết; tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử trên toàn quốc.

Ngành thuế tích cực chống thất thu thuế - 1

Hạn chế hành vi chuyển giá

Về thể chế chính sách giá chuyển nhượng, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội ban hành quy định về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết tại Luật Quản lý thuế và Nghị định nhằm ngăn ngừa, hạn chế hành vi chuyển giá tránh thuế. Luật Quản lý thuế năm mới năm 2019 đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của một số Bộ ngành liên quan đến công tác chống chuyển giá.

Bộ Tài chính chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP; Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP).

Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 45/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 hướng dẫn việc áp dụng cơ chế Thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Về triển khai thực hiện công tác chống chuyển giá, cơ quan thuế thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn ngừa việc chuyển giá của doanh nghiệp như: tuyên truyền hỗ trợ, đôn đốc rà soát kê khai, thanh tra kiểm tra, phối hợp với các cơ quan có liên quan như truyền thông, công an, hải quan, các sở, ban, ngành… để nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá.

Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn ngành Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 258 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 551,65 tỷ đồng; giảm lỗ 7.617,34 tỷ đồng; giảm khấu trừ 6,18 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.636,04 tỷ đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 271,62 tỷ đồng, giảm lỗ 6.313,7 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.049,57 tỷ đồng.

Ngăn ngừa trốn thuế Thương mại điện tử (TMĐT)

Trong thời gian qua, để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng gian lận trốn lậu thuế nói đối với hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế khi xây dựng Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 của Quốc hội cùng một số văn bản quy phạm pháp luật ban hành kể từ năm 2020 đã bổ sung nhiều quy định liên quan đến quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử (TMĐT).

Bộ cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, kê khai nộp thuế đến tất cả người nộp thuế có hoạt động TMĐT; rà soát, đôn đốc đối với người nộp thuế có hoạt động TMĐT phải kê khai, nộp thuế theo quy định; phối hợp với các cơ quan liên quan để thu thập thông tin phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT; thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định đối với các doanh nghiệp có kinh doanh TMĐT nhằm đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT vào nề nếp; đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và website của cơ quan thuế thông tin khuyến cáo các hành vi sai phạm về thuế thường gặp của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời công bố các trường hợp cố tình không thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định, gian lận, trốn thuế.

Đối với mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như: Google, YouTube, Facebook, Amazon… cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế đối với thu nhập phát sinh từ hoạt động này thông qua các đối tác hoặc đại lý quảng cáo của các Công ty này hoặc các doanh nghiệp mua dịch vụ trực tiếp của các Công ty này tại Việt Nam.

Tổng cục Thuế chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến Netflix (là Công ty cung cấp dịch vụ giải trí truyền hình trực tuyến có trụ sở tại Hà Lan, cung cấp dịch vụ tại hơn 100 Quốc gia, trong đó có Việt Nam), trên cơ sở đó có các công văn đề nghị Netflix thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật thuế Việt Nam.

Ngành thuế tích cực chống thất thu thuế - 2

Tăng cường công tác kiểm tra hoàn thuế GTGT

Ngành thuế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm tra hoàn thuế GTGT, chỉ đạo đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ thực hiện trong thanh tra, kiểm tra hoàn thuế tại các công văn; Các biện pháp đối chiếu, xác minh, phối hợp với các cơ quan ban ngành khác như chính quyền địa phương, cơ quan Hải quan, Ngân hàng, Công an,... để thực hiện các nghiệp vụ trong TTKT; tổ chức phổ biến các hành vi vi phạm, trao đổi kinh nghiệm về các dấu hiệu, hành vi vi phạm trong hoàn thuế GTGT để có biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm với trường hợp NNT có gian lận trong việc sử dụng hóa đơn và hoàn thuế.

Nhờ đó, từ đầu năm 2022 đến nay, 63 Cục Thuế thực hiện được 4.030 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn, tương ứng với tổng số tiền hoàn là: 25.851,09 tỷ đồng (trong đó, số quyết định ban hành trong năm 2022 là 328 quyết định, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 3.076,56 tỷ đồng; số quyết định ban hành trước năm 2022 là 3.702 quyết định, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 22.774,53 tỷ đồng). Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 186,42 tỷ đồng, trong đó số thuế truy hoàn là 151,92 tỷ đồng, phạt là 34,49 tỷ đồng, đã nộp ngân sách nhà nước là 59,46 tỷ đồng).

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn