Ngã không ai đỡ dậy, bị ôtô đâm chết: ‘Không dám chứ đâu phải không muốn cứu’

Ý kiếnThứ Tư, 16/12/2020 13:34:00 +07:00
(VTC News) -

Nói về việc thanh niên ngã xe không ai đỡ dậy và bị ô tô đâm chết, nhiều ý kiến cho rằng đừng chỉ trích nặng nề người qua đường, vì họ muốn cứu nhưng không dám.

Video: Nam thanh niên ngã xe nhưng không ai đỡ dậy nên bị xe khách cán chết

Bình luận về việc anh P. (30 tuổi) chết thảm khốc, oan uống trên đường ĐT 741 (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) đêm 11/12, nhiều độc giả của VTC News bày tỏ sự đau lòng khi xem clip và thấy cảnh những người đi qua không hề có ý định dừng lại giúp đỡ nạn nhân.

Trong đêm tối ở con đường vắng, anh P. bị ngã, chiếc xe máy của anh trượt ra xa, còn bản thân anh cố gắng mãi vẫn không thể đứng dậy. Khoảng 4 - 5 người cưỡi xe máy đi qua, họ chỉ nhìn lướt qua nạn nhân rồi đi tiếp. Sau đó, một chiếc xe khách vì không nhìn thấy anh P. trên mặt đất nên đã tông vào và kéo lê thêm một đoạn, khiến nạn nhân chết tại chỗ.

Quá buồn cho nhân tâm. Thấy chết không cứu, sao lòng người thời nay lạnh giá còn hơn cả băng tuyết như vậy?”, độc giả tên Huyền cảm thán.

Một độc giả giấu tên cũng bày tỏ sự đau lòng bởi cũng từng trải qua bi kịch người thân qua đời do không được giúp đỡ: “Mình cũng vừa mất đi người thân từ sự vô cảm của những người xung quanh. Tại sao lại như vậy chứ?”.

Vì sao không cứu người?

Bên cạnh các ý kiến chỉ trích sự thờ ơ, vô cảm của những người qua đường trong vụ tai nạn, nhiều độc giả cho rằng không nên phê phán gay gắt, vì việc bỏ mặc nạn nhân cũng là bất đắc dĩ, đáng được thông cảm bởi nỗi sợ làm ơn mắc oán, cứu người họa mình.

Thực tế đã có nhiều trường hợp giúp người rồi gặp đủ thứ rắc rối, như vụ giúp đưa nạn nhân vào Bệnh viện Chợ Rẫy, bị người nhà chạy vào đâm cho một dao. Tâm trạng né tránh cũng từ những sự việc như vậy mà ra. Chính tôi luôn tâm niệm nên giúp người nhưng nghĩ tới hậu quả thì lại ngại”, Lốc Cốc bày tỏ.

Ngã không ai đỡ dậy, bị ôtô đâm chết: ‘Không dám chứ đâu phải không muốn cứu’ - 1

Hiện trường vụ tai nạn.

Cũng khó trách người ta vô cảm vì đêm hôm vắng vẻ, tối om, mấy ai dám dừng lại cứu giúp. Dù ít hay nhiều cũng đeo cái gông phiền phức vào thân, mất công ăn việc làm, rồi thì công an mời lên mời xuống, chưa kể người nhà nạn nhân hành hung. Mất công, mất việc lại mất tiền. Tôi đã thấy mấy vụ làm ơn mà mắc oán rồi nên dù không vô cảm nhưng nếu gặp trong trường hợp này, chưa chắc tôi đã dám đứng lại” – một độc giả ẩn danh viết.

Độc giả tên Tú bình luận: “Khoảng 9 giờ tối đường không đèn, đi một mình có gan cũng không dám dừng lại, vì dừng lại thì có thể người mất mạng chính là mình. Giờ lừa đảo nhiều quá. Đậu xe lại rồi 5-6 người từ đâu ra lấy xe, coi như xong. Trừ khi đi một nhóm từ 2 xe trở lên mới dám dừng, không thì chỉ có người đi đường thôi”.

Gia Gia: Không thể nói là vô cảm. Nên đặt câu hỏi vì sao có sự vô cảm đó? Xin thưa, có quá nhiều ví dụ khi cứu giúp người bị nạn xong thì chính người cứu bị người nhà nạn nhân đánh vì tưởng là kẻ gây tai nạn. Có những trường hợp người cứu bị rắc rối với cơ quan chức năng.

Hùng: Tôi nói thật, tôi không vô cảm, không máu lạnh. Gặp người bị nạn tôi cũng thương, cũng lo cho họ, nhưng trong trường hợp này thì có lẽ cũng đành đi qua. Tôi không dám cứu, chứ không phải không muốn cứu.

Ẩn Danh: Đừng trách người ta vô cảm khi mà xã hội ngày nay đầy rẫy tội ác hoành hành. Dừng xe lại giúp trong đêm khuya vắng như vậy, ai đảm bảo rằng đó không phải là dàn cảnh để giết người cướp của? Nếu đưa anh ta vô bệnh viện thì sẽ phải chịu bao nhiêu rắc rối kèm theo từ gia đình nạn nhân, từ bệnh viện, từ công an... Nếu đảm bảo được giúp người sẽ không bị gì, tôi sẵn sàng.

Cu Tý: Giúp người gặp nạn là điều nên làm. Nhưng khi gia đình họ đến thì chửi ngay, rồi đánh nữa vì họ nghĩ mình là người gây ra tai nạn. Lúc này thì sao đây ạ? Ai cảm ơn và bảo vệ lòng tốt của người đã có lòng nhân ái? Biết bao vụ bị giàn cảnh để cướp, rồi làm ơn mắc oán, sao trách được mọi người thờ ơ!

Không thể thấy chết không cứu

Đáp lại luồng ý kiến cho rằng bỏ mặc người bị nạn để bảo đảm an toàn cho bản thân là hợp lý, đáng được thông cảm, không ít độc giả không chấp nhận quan điểm này. “Dù sao, thấy chết không cứu vẫn là không chấp nhận được”, Bình Lâm tuyên bố.

Ngã không ai đỡ dậy, bị ôtô đâm chết: ‘Không dám chứ đâu phải không muốn cứu’ - 2

Hình ảnh cắt từ clip cho thấy nạn nhân nằm trên đường, chiếc xe máy trượt ra xa.

Độc giả Lan Hương cho rằng: “Khi người ta có tâm tốt thì sẽ giúp người trong lúc cấp bách mà không suy nghĩ nhiều”.

Một độc giả có người nhà từng được trợ giúp khi gặp nạn chia sẻ: “Gia đình tôi cũng có người bị tai nạn như vậy nhưng may mắn gặp toàn người tử tế. Người gọi xe cho đi cấp cứu, người sẵn lòng đứng trông hộ cái xe hỏng và đồ đạc cho đến lúc thân nhân đến mà không nhận bất cứ món quà cảm ơn nào. Chúng tôi vô cùng biết ơn và luôn tin rằng quanh ta có nhiều người tử tế”.

Bích Chi: Lẽ ra khi chứng kiến có người gặp nạn, tính mạng bị đe dọa, phản xạ đầu tiên phải là xông vào cứu hoặc ít nhất cũng xem tình hình họ ra sao. Nhưng bây giờ, phản xạ đầu tiên của mọi người chính là tính toán, cân nhắc xem có nên giúp không, giúp thì mình có bị sao không... và kết quả là bỏ đi.

Lan Anh: Trong những tình huống cấp bách, nguy hiểm, tôi nghĩ người tốt sẽ không có thời gian tính toán mà sẽ lao vào hỗ trợ ngay. Sao phải cân nhắc khi cần cứu người?

Minh Anh: Người ta đang gặp nguy đến tính mạng mà còn ở đó tính toán thiệt hơn sao? Cùng lắm là bị đánh nhưng vẫn đổi được một mạng người.

Ẩn Danh: Chính bản thân tôi khi đang trên đường gặp người bị nạn cũng dừng lại giúp đỡ. Thương tâm cho cậu thanh niên đó. Tất cả mọi người sau khi xem xong bài viết trên hãy chia sẽ và động viên mọi người sống cho đúng nhân cách và lương tâm của mình. Hôm nay ta giúp người, cẳng may nếu người gạp nạn là ta thì dứt khoát sẽ có người giúp mình. Luật nhân quả hiện tiền các bạn nhé”.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Anh Thơ
Bình luận
vtcnews.vn