Nga giới hạn sức mạnh của phòng không Syria, Israel được nước lấn tới?

Quân sựThứ Hai, 02/08/2021 06:55:00 +07:00
(VTC News) -

Chỉ tính riêng trong tháng 7, Israel đã hai lần không kích các mục tiêu quân sự ở Syria và các quan chức quốc phòng Nga tỏ ra không vui trước hành động của Tel Aviv.

Theo đó, trong cuộc họp báo vào ngày 31/7, Phó giám đốc Trung tâm hòa giải Nga ở Syria, Chuẩn Đô đốc Vadim Kulit đã có thái độ gay gắt khi nói đến các cuộc không kích của Israel nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Syria trong tháng 7.

Cụ thể, ngày 19/7, 4 chiến đấu cơ F-16 của Israel đã bắn 8 tên lửa dẫn đường vào các mục tiêu ở tỉnh Aleppo của Syria. Theo Chuẩn Đô đốc Kulit, các tên lửa phòng không Pantsir và Buk-M2 của quân đội Syria (SAA) đã đánh chặn 7 tên lửa trong số đó.

Tiếp đến ngày 22/7, hai chiếc F-16 cũng của Israel đã bắn 4 tên lửa dẫn đường từ không phận Lebanon vào các mục tiêu ở tỉnh Homs của Syria, toàn bộ số tên lửa này đều bị phòng không Syria bắn hạ.

Theo Paul Iddon, cây bút mảng quốc phòng của tờ Forbes, quân đội Syria luôn đưa ra các tuyên bố đánh chặn thành côcng các cuộc tấn công tên lửa từ phía Israel tuy nhiên phía Nga hiếm khi ủng hộ những thông tin như vậy.

Ví dụ, vào đầu tháng 6, chính quyền Syria cho biết hệ thống phòng không của họ đã đánh chặn tên lửa của Israel ở Damascus. Không giống như hai vụ việc vào tháng Bảy, phía Nga vẫn giữ thái độ im lặng.

Nga giới hạn sức mạnh của phòng không Syria, Israel được nước lấn tới? - 1

Kể từ năm 2013 cho đến nay, Israel đã thực hiện hàng trăm cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu quân sự của Syria. (Ảnh: Daily Express)

Trước đó, vào tháng 4/2018, sau khi Mỹ, Anh và Pháp không kích Syria bằng tên lửa hành phía Nga cũng tỏ ra nghi ngờ số tên lửa bị phòng không Syria bắn hạ (71/103 tên lửa). Trong khi đó, các hệ thống phòng không mới của Syria chỉ mới được Nga hỗ trợ xây dựng khoảng 18 tháng trước đó, việc SAA có thể làm chủ các hệ thống vũ khí này nhanh như vậy là điều khó có thể xảy ra.

Người Nga thay đổi thái độ

Những tuyên bố của Chuẩn Đô đốc Kulit dường như cho thấy một sự thay đổi lớn trong cách Nga phản ứng đối với các cuộc không kích của Israel, hoặc ít nhất là một biểu hiện của việc nước này ngày càng không tán thành chúng.

Tờ báo Asharq Al-Awsat có trụ sở tại London trích dẫn một nguồn thạo tin ở Nga cho biết, phía Mỹ từng “thổ lộ” với Nga rằng họ không hoan nghênh các cuộc không kích liên tục của Israel vào Syria, bên thềm các cuộc đàm phán giữa hai nước về tình hình ở quốc gia Trung Đông này.

Nguồn tin của Asharq Al-Awsat còn cho biết Nga đã tăng cường các hệ thống phòng không mới đến Syria nhằm hỗ trợ cho Damascus đối phó với các cuộc không kích từ Israel trong tương lai. Tuy nhiên nguồn tin này không có bằng chứng nào cho tuyên bố trên.

Tờ Al-Awsat cho biết, những diễn biến gần đây phản ánh sự thay đổi từ Moskva trong cách giải quyết các cuộc tấn công của Israel và cho thấy Nga đã “hết kiên nhẫn” vì Tel Aviv tiếp tục phớt lờ lời kêu gọi của họ về những giới hạn rõ ràng giữa các bên.

Vì sao Nga giới hạn sức mạnh phòng không Syria?

Sau khi Nga can thiệp quân sự vào cuộc xung đột Syria năm 2015, Israel đã nhanh chóng thiết lập một cơ chế giải trừ nguy cơ đối đầu quân sự với Moskva. Không quân Israel đã thực hiện hàng trăm cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu liên quan đến Iran ở Syria kể từ năm 2013 và nhiều lần tái khẳng định quyết tâm ngăn chặn Tehran hoặc lực lượng dân quân của họ thiết lập ảnh hưởng ở Syria.

Cũng cần phải nói thêm rằng Israel không trao đổi trước với Nga khi thực hiện các cuộc tấn công và thường không cho phía Nga biết trước về thời gian và địa điểm mà họ tấn công.

Nga giới hạn sức mạnh của phòng không Syria, Israel được nước lấn tới? - 2

Việc phòng không Syria bắn nhầm máy bay do thám Nga vào năm 2018 đã khiến Moskva "hết kiên nhẫn" với Israel. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Vào tháng 9/2018, một tên lửa phòng không tầm xa S-200 của Syria đã được phóng đi để đánh trả một cuộc tấn công của Israel nhằm vào các mục tiêu ở tỉnh Latakia. Tuy nhiên tên lửa này lại bắn trúng một máy bay do thám IL-29 của Nga, khiến tất cả 15 người trên máy bay thiệt mạng.

Sau đó Nga cáo buộc người Do Thái là nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa trên, đồng thời cho biết Israel chỉ cảnh báo họ một phút trước khi tiến hành cuộc tấn công.

Nhưng ngay cả trong giai đoạn căng thẳng đáng chú ý đó, Nga cũng không cho thấy dấu hiệu nào sẽ tìm cách ngăn chặn các cuộc không kích của Israel nhằm vào Syria. Bù lại, Moskva âm thầm chuyển giao thêm các hệ thống phòng không mới cho Damascus.

Để đối phó với sự cố tương tự IL-20, Nga đã chuyển tên lửa phòng không tầm xa S-300 cho Syria, thứ vũ khí có khả năng đánh chặn các mục tiêu bay tốt hơn các loại vũ khí phòng không đang được SAA sử dụng khi đó. Dù vậy, Moskva lại tìm cách giới hạn sức mạnh của S-300 Syria khi cho binh sĩ của họ vận hành hệ thống thay vì để SAA làm điều đó.

Ngay cả khi Nga hỗ trợ Syria nâng cấp hệ thống phòng không Pantsir và Buk thì họ cũng muốn giới hạn sức mạnh của các hệ thống này để đảm bảo việc chúng chỉ có thể đánh chặn tên lửa đang bay tới chứ không phải tiêu diệt máy bay Israel.

Không quân Israel biết rõ điều này nên họ cũng chỉ cho chiến đấu cơ hoạt động ở không phận Lebanon, sau đó sử dụng tên lửa hành trình đánh vào các mục tiêu bên trong Syria. Điều này đảm bảo rủi ro máy bay bị bắn hạ thấp hơn.

Tuy nhiên, có một vấn đề khác là nếu Moskva cung cấp cho Damascus các hệ thống phòng không tiên tiến hơn thì danh tiếng của những hệ thống vũ khí mà Nga muốn xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng nếu chúng bị không quân Israel phá hủy trong mộc cuộc đụng độ nào đó. Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến năm 2020, Israel đã phá hủy một phần ba lực lượng phòng không Syria.

Nga giới hạn sức mạnh của phòng không Syria, Israel được nước lấn tới? - 3

Một hệ thống phòng không Pantsir-S1 bị UAV Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy ở Libya năm 2020. (Ảnh: Defence View)

Lo ngại trên hoàn toàn có cơ sở khi vào năm ngoái, máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng tiêu diệt các hệ thống phòng không Pantsir-S1 do Nga chế tạo ở Libya hay việc Azerbaijan phá hủy hệ thống S-300 của Armenia trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh.

Moskva chắc chắn không muốn chứng kiến cảnh ​​những hệ thống tên lửa hiện đại hơn của mình bị phá hủy trên chiến trường Syria.

Một nhà báo Israel suy đoán rằng vì những lý do tương tự, Moskva đang lưỡng lự trong việc cho phép Syria sử dụng S-300 vì lo ngại nếu chúng thực sự được kích hoạt và bắn trượt mục tiêu thì điều đó sẽ chứng tỏ sự vượt trội về công nghệ và hoạt động của không quân Israel và Phương Tây. Điều này sẽ làm tổn hại đến niềm tự hào của Nga đối với nền công nghiệp quốc phòng nước này.

Những tuyên bố gần đây của Chuẩn Đô đốc Kulit không nhất thiết có nghĩa là Nga đang tích cực hơn trong việc giúp Syria ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa của Israel. Chúng cũng có thể là cách Moskva báo hiệu với các chính phủ mới của Israel và Mỹ rằng họ muốn đàm phán lại về cuộc xung đột ở Syria.

Trà Khánh(Nguồn: Forbes)
Bình luận
vtcnews.vn